“Cú hích” phát triển kinh tế nông thôn

Triển khai Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) đã thổi một luồng gió mới vào nền kinh tế khu vực nông thôn. Các đơn vị, tổ chức, HTX nông nghiệp, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp không chỉ được nhận nhiều chính sách hỗ trợ phát triển mà còn đổi mới tư duy theo hướng mới. Các sản phẩm từ làng xã đã bước ra thị trường với diện mạo mới và chất lượng đạt tiêu chuẩn.

Gia tăng giá trị

Trọng tâm của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện. Vì vậy, việc triển khai thực hiện Chương trình hiệu quả sẽ có tác động tích cực đến khu vực nông thôn, hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, góp phần thực hiện thành công tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới: Khuyến khích, khơi dậy ý thức lao động, cải thiện đời sống của người dân trên những nguồn tài nguyên sẵn có tại địa phương. Chương trình OCOP được thực hiện trên nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân thụ hưởng”, Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để hỗ trợ các khâu đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, khuyến khích, hỗ trợ cho các tổ chức kinh tế phát triển sản xuất sản phẩm theo chuỗi giá trị hoàn chỉnh.


Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn hợp lý, bảo vệ môi trường và phát triển xã hội khu vực nông thôn bền vững. Bởi lẽ trọng tâm của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm hàng hóa nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị; trong đó, chủ thể thực hiện là các thành phần kinh tế tư nhân, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình sản xuất có đăng ký kinh doanh. Do vậy, thông qua Chương trình góp phần hạn chế và giảm di cư lao động từ nông thôn ra thành thị, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ các hoạt động sản xuất tại khu vực nông thôn.Nâng cao giá trị hàng hóa, khả năng cạnh tranh các sản phẩm vùng nông thôn trên thị trường trong và ngoài nước góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Theo lộ trình, các chủ thể tham gia vào Chương trình OCOP sẽ được hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh; đồng thời được hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, đầu tư thành phẩm, mẫu mã, bao bì, hướng tới tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, “làm ăn lớn” và tự tin vươn ra thị trường quốc tế.

Thời gian qua, chương trình OCOP bước đầu đã mang lại những kết quả tích cực. Số hợp tác xã tăng nhanh, đặc biệt là hợp tác xã sản xuất ở nông thôn, các phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp, nông thôn được đẩy mạnh. Thống kê sơ bộ, vùng nông thôn cả nước hiện có 6.010 doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình (có đăng ký kinh doanh), trong đó, có 3.126 doanh nghiệp tổ chức sản xuất 4.823 sản phẩm lợi thế thuộc 06 nhóm sản phẩm: thực phẩm, đồ uống, thảo dược, vải và may mặc, nhóm lưu niệm - nội thất - trang trí, nhóm dịch vụ -  du lịch nông thôn (chiếm 76,6% số doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp trong cả nước).

Nhiều sản phẩm từ chương trình OCOP có chất lượng cao không chỉ được tiêu thụ ở địa phương mà còn được các chuỗi siêu thị nước ngoài phân phối, giúp giá trị sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn gia tăng đáng kể, đóng góp quan trọng vào mục tiêu nâng kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam lên 45 tỷ đồng trong năm 2019.

Thúc đẩy tiếp cận thông tin thị trường

Nâng cao hiệu quả thông tin thị trường là một trong những giải pháp quan trọng khi triển khai Chương trình OCOP. Đối với thông tin thị trường trong Chương trình OCOP, yêu cầu quan trọng nhất là phải xác định đúng đối tượng là sản phẩm và tổ chức kinh tế. Về sản phẩm, thông tin thị trường mà hộ sản xuất cần là nhu cầu thị trường về chủng loại sản phẩm, chất lượng, sản lượng, giá cả, thị hiếu, mẫu mã bao bì, quy trình sản xuất, pháp lý sản phẩm...

Về tổ chức kinh tế, muốn thông tin thị trường đến được nhà sản xuất và phát huy được thì nhà sản xuất nên là tổ chức kinh tế. Đó là các HTX, doanh nghiệp. Vì vậy, khâu tư vấn, tập huấn, hỗ trợ thủ tục để người sáng lập doanh nghiệp, HTX, bồi dưỡng kiến thức quản trị sản xuất… cần được chú trọng.

Kinh nghiệm từ Quảng Ninh - địa phương đi đầu cả nước về triển khai Chương trình OCOP cho thấy rõ điều này. Là tỉnh có nhiều sản phẩm đặc sản đặc trưng (trà hoa vàng, nếp cái hoa vàng, lợn Móng Cái, gà Tiên Yên…), Quảng Ninh cũng đồng thời có thị trường tiêu thụ nông sản rộng lớn (bao gồm gần 1,3 triệu người dân Quảng Ninh và hơn 8 triệu khách du lịch mỗi năm). Do vậy, tỉnh đã chú trọng mở rộng thông tin về sản phẩm đặc trưng của từng địa phương.

Ngoài ra, để phát triển sản phẩm OCOP, tỉnh triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ các tổ chức kinh tế tham gia OCOP. Nhờ đó, nếu như năm 2014, toàn tỉnh chỉ có 40 tổ chức kinh tế thì đến hết tháng 10.2019 đã có 164 tổ chức kinh tế và cơ sở sản xuất trực tiếp tham gia Chương trình OCOP. Sản phẩm OCOP của tỉnh cũng tăng nhanh, từ 40 sản phẩm (2014) lên thành 421 sản phẩm (2019).

Theo ĐBND


Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam

Giấy phép số: 175/GP-TTDT ngày 10 tháng 10 năm 2023 của Cục Phát thanh truyền hình và TTĐT thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông.

Ghi rõ nguồn: "vca.org.vn" khi phát hành thông tin từ trang này.

Copyright 2013 vca.org.vn - Technology Supported by ECPVietnam