Hợp tác xã tìm hướng đột phá

Những HTX kiểu mới này đã thật sự phát huy vai trò hỗ trợ xã viên tiếp cận những chính sách ưu đãi phát triển nông nghiệp của Nhà nước; là cầu nối giữa DN và nông dân trong chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ để phát triển bền vững.
Thay đổi tư duy sản xuất
Vai trò của các HTX được thể hiện rõ nhất trong việc góp phần thay đổi về quy trình sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp hàng hóa, nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao để làm ra sản phẩm đạt chuẩn xuất khẩu.
Ông Nguyễn Quý Tuân, Giám đốc HTX ca cao - điều Định Quán (xã Gia Canh, huyện Định Quán) chia sẻ về những bước khởi đầu khó khăn, khi mới thành lập, HTX chỉ có vài thành viên với hơn 10 hécta ca cao trồng xen điều. Nông dân không mặn mà tham gia vì nhiều năm trước họ từng rơi vào cảnh chặt bỏ cây ca cao do hiệu quả kém. Nhưng khi HTX liên kết được với DN triển khai dự án cánh đồng lớn cây ca cao, nông dân lại mạnh dạn đầu tư trồng mới nhiều diện tích ca cao vì được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ, đầu ra lại được bao tiêu ca cao với giá cao hơn mặt bằng thị trường.
Xã viên của Hợp tác xã ca cao - điều Định Quán (xã Gia Canh,  huyện Định Quán) chuyển hướng sản xuất ca cao chứng nhận  đạt chuẩn UTZ. Ảnh: Bình Nguyên
Xã viên của Hợp tác xã ca cao - điều Định Quán (xã Gia Canh, huyện Định Quán) chuyển hướng sản xuất ca cao chứng nhận đạt chuẩn UTZ. Ảnh: Bình Nguyên
Cũng chính nhờ được DN đầu tư nên nhiều nông dân đã đồng lòng chuyển đổi sang mô hình trồng ca cao sạch đạt chuẩn xuất khẩu vào những thị trường khó tính. Hiện HTX đã phát triển được gần 100 hécta ca cao xen điều đạt chứng nhận UTZ (chứng nhận đảm bảo sản xuất bền vững theo chuẩn quốc tế). Mô hình cánh đồng lớn trồng ca cao sạch thật sự phát triển bền vững nên đang tiếp tục được nhân rộng vì nông dân ngày càng tin tưởng tham gia.
Cùng quan điểm, bà Đặng Thị Thúy Nga, Giám đốc HTX thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Định (xã Xuân Định, huyện Xuân Lộc) cho biết, sản xuất theo quy mô hàng hóa lớn, đạt chuẩn an toàn cũng là yêu cầu tất yếu của cả thị trường nội địa và xuất khẩu trong thời gian tới.
Cụ thể, thời gian gần đây, một số nước ngày càng khắt khe hơn về các tiêu chuẩn trái cây nhập khẩu. Ngay cả thị trường vốn dễ tính là Trung Quốc cũng đã yêu cầu thực hiện truy xuất nguồn gốc, kiểm soát chặt chẽ hơn về các tiêu chuẩn chất lượng. Theo đó, HTX đã chủ động làm chủ đầu tư dự án cánh đồng lớn sầu riêng VietGAP. “Bên cạnh đó, HTX cũng rất quan tâm thực hiện việc truy xuất nguồn gốc cho trái sầu riêng an toàn; nỗ lực quảng bá, tìm kiếm bạn hàng để thương hiệu trái sầu riêng sạch Xuân Định được cả thị trường nội địa và xuất khẩu biết tiếng” - bà Nga nói. 
Một số HTX trong ngành chăn nuôi cũng đang trở thành đầu tàu hướng dẫn, hỗ trợ nông dân chuyển đổi sản xuất theo hướng chuyên nghiệp, an toàn. HTX nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát (thị trấn Long Thành, huyện Long Thành) là HTX đầu tiên của Việt Nam nuôi gà xuất khẩu được vào thị trường Nhật Bản.
Ông Lê Văn Quyết, Giám đốc HTX nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát chia sẻ: “Tôi thành lập HTX vì chỉ một vài trang trại không đáp ứng được nhu cầu của thị trường xuất khẩu. Ở đây cần phải liên kết rất nhiều thành viên là người chăn nuôi, các HTX khác và cả DN nhằm hình thành được hệ thống các trang trại với quy mô lớn đạt cả công suất, chất lượng”. Nhờ xây dựng tốt chuỗi liên kết gồm người chăn nuôi và nhiều thành viên là DN cung cấp con giống, sản xuất cám... đủ chuẩn xuất khẩu, HTX kiểu mới này đã từng bước tìm được lời giải cho bài toán khó về việc luôn giữ được cả về chất lượng lẫn sản lượng con gà xuất khẩu đi Nhật Bản.
* Tìm đường xuất khẩu
Không dừng lại ở vai trò phát triển, chuyển đổi sản xuất, không ít HTX của Đồng Nai đã thực sự hoạt động như một DN khi chủ động tìm kiếm, phát triển tốt các kênh tiêu thụ. Một số HTX đã thành công khi trực tiếp tham gia xuất khẩu nông sản.
Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp cây ăn trái Đồi Sabi (xã Xuân Bắc, huyện Xuân Lộc) Lại Hồng Chí không chỉ quan tâm đến việc vận động các xã viên chuyển đổi sản xuất theo hướng an toàn, làm truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm trái cây, ông còn mạnh dạn đầu tư xe tải, mở vựa thu mua nông sản cho nông dân trong vùng.
Để nắm bắt nhu cầu của thị trường, ông Chí không ngại bỏ tiền túi đi khảo sát các chợ đầu mối, gặp gỡ các đối tác ở Trung Quốc để tìm hiểu kỹ hơn những tiêu chuẩn, yêu cầu mới của họ trong giai đoạn hiện nay. Theo ông Chí, trước đây, nông dân vẫn quen trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước về đầu ra sản phẩm nên chỉ tập trung vào khâu sản xuất. Ngày nay, có rất nhiều kênh thông tin và điều kiện thuận lợi để tìm hiểu về thị trường tiêu thụ, Đồng Nai cũng rất quan tâm đầu tư cho các hoạt động xúc tiến thương mại cho nông sản địa phương. “Muốn hội nhập tốt, chính HTX và nông dân phải chủ động tham gia thì mới sớm tiếp cận được cơ hội tốt để phát triển kênh tiêu thụ ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu” - ông Chí nói
HTX dịch vụ thương mại - nông nghiệp Quyết Tiến (xã Xuân Mỹ, huyện Cẩm Mỹ) là một trong số các HTX tiên phong của tỉnh tham gia tốt thị trường xuất khẩu. HTX đã đầu tư dự án cánh đồng lớn chuối cấy mô, tự tìm kiếm bạn hàng và xuất khẩu tốt đi nhiều nước như: Trung Quốc, Hàn Quốc… Ông Phạm Thanh Đồng, Giám đốc HTX dịch vụ thương mại - nông nghiệp Quyết Tiến nhận xét, phát triển được HTX, liên kết được nông dân thì mới thay đổi được tập quán sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, kém hiệu quả theo quy mô nông hộ trước đây để chuyển dần sang sản xuất hàng hóa lớn.
Đồ họa thể hiện tổng số hợp tác xã, tổng số vốn điều lệ đăng ký và tổng số thành viên của các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh hiện nay. (Thông tin: BÌNH NGUYÊN - Đồ họa: HẢI QUÂN)
Đồ họa thể hiện tổng số hợp tác xã, tổng số vốn điều lệ đăng ký và tổng số thành viên của các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh hiện nay. (Thông tin: BÌNH NGUYÊN - Đồ họa: HẢI QUÂN)
Ông Đồng từng là người phụ trách trạm cung ứng vật tư nông nghiệp của một DN đóng tại huyện Cẩm Mỹ nên luôn xác định rõ cần tổ chức HTX hoạt động như DN. Chính vì vậy, HTX thực hiện song song việc đầu tư cho sản xuất vừa nỗ lực tìm kiếm khách hàng. Nhìn vào nhu cầu thị trường thế giới, ông Đồng xác định trái chuối Việt Nam có nhiều lợi thế xuất khẩu nên đơn vị đã mạnh dạn đầu tư làm cánh đồng lớn cho cây trồng này với quy mô hàng trăm hécta. Ông Đồng chia sẻ bí quyết xuất khẩu tốt vào các thị trường khó tính: “Chúng tôi đưa khách hàng về tận cánh đồng, lắng nghe yêu cầu của họ từ tiêu chuẩn về chất lượng, mẫu mã, quy cách đóng gói… Nhờ vậy, chúng tôi xuất khẩu rất tốt ngay vụ thu hoạch đầu tiên”.            
Bình Nguyên/Báo Đồng Nai


Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam

Giấy phép số: 175/GP-TTDT ngày 10 tháng 10 năm 2023 của Cục Phát thanh truyền hình và TTĐT thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông.

Ghi rõ nguồn: "vca.org.vn" khi phát hành thông tin từ trang này.

Copyright 2013 vca.org.vn - Technology Supported by ECPVietnam