ILO chúc mừng công ước 105 nhằm xóa bỏ lao động cưỡng bức tại Việt Nam

Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) chúc mừng Việt Nam với quyết định phê chuẩn Công ước số 105 về Xóa bỏ Lao động Cưỡng bức . Bước tiến này sẽ đưa tổng số công ước cơ bản của ILO mà Việt Nam phê chuẩn lên bảy trên tám công ước.

Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo cùng ông Chang Hee Lee, Giám đốc ILO tại Việt Nam trong một buổi làm việc của hai bên tại trụ sở VCA

Vào sáng 8 tháng 6 tại Hà Nội, Quốc hội Việt Nam đã bỏ phiếu đồng thuận cao phê chuẩn Công ước số 105. Ngay khi hoàn thiện hồ sơ gia nhập, Việt Nam sẽ chính thức phê chuẩn công ước, và tiêu chuẩn lao động quốc tế này sẽ có hiệu lực sau đó một năm.
Công ước số 105 bổ sung cho Công ước số 29 về Lao động Cưỡng bức  – một công ước cơ bản khác đã được Việt Nam phê chuẩn vào năm 2007.

Để chúc mừng việc phê chuẩn một trong những Công ước quan trọng nhất của ILO, ông Chang Hee Lee, Giám đốc ILO tại Việt Nam đã có bức thư gửi ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam với mong muốn được làm việc với Liên minh HTX Việt Nam trong những nỗ lực chung của hai bên vì công bằng xã hội và thịnh vượng chung. 

VCA xin dẫn lại toàn văn bức thư:

           ¶ Kính gửi: Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam.
 
          Tôi rất vui mừng viết thư thông báo với Ông rằng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam đã phê chuẩn Công ước số105 về Xóa bỏ lao động cưỡng bức (C105) vào ngày 02/07/2020, nâng tổng số Công ước cơ bản của ILO được Việt Nam phê chuẩn lên thành 7 trong số 8 Công ước cơ bản. Sự thành công này còn được nâng lên gấp bội khi đồng thời Quốc hội phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam.
          Thông qua việc phê chuẩn này, Việt Nam minh chứng sự cam kết chắc chắn của mình trong xóa bỏ lao động cưỡng bức và hướng đến những thành công đạt được trong việc làm bền vững và triển khai các Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hiệp quốc đến năm 2030, Mục tiêu SDG 8.7 ở cấp quốc gia. Một lần nữa, điều này đặt ra dấu mốc quan trọng đối với Việt Nam trong việc hướng tới thực hiện đầy đủ các nguyên tắc trong Tuyên bố của ILO về Nguyên tắc và Quyền cơ bản tại nơi làm việc. Điều này chắc chắn sẽ thúc đẩy những nỗ lực chung của chúng ta để đảm bảo việc làm bền vững cho tất cả mọi người.
          Đây cũng là minh chứng cho thấy Chính phủ và các đối tác xã hội của Việt Nam đã và đang nỗ lực hết sức mình để có một khung khổ pháp lý tốt hơn để mở đường cho Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình cao một cách bền vững. Một lần nữa, chúng ta đã tận mắt chứng kiến thành quả chín muồi từ sự cam kết chân thành của tất cả các đối tác của ILO, sự hợp tác sâu rộng và nghiêm túc giữa Chính phủ Việt Nam, các đối tác xã hội và ILO trong hơn 10 năm qua.
          Thưa Ông Bảo, tôi nhận thấy rằng đúng vào ngày này của tháng bảy năm ngoái tôi đã gửi thư chúc mừng tới Ông về Việt Nam phê chuẩn Công ước 98 (Quyền tổ chức và thương lượng tập thể) và năm nay là Công ước 105, chỉ đúng sau một năm. Tôi thật sự ngưỡng mộ cam kết mạnh mẽ và những nỗ lực ấn tượng của VCA trong suốt quá trình này.
          Lời nói sau cùng nhưng cũng không kém phần quan trọng là ILO luôn mong chờ lộ trình của Chính phủ Việt Nam tiếp tục nghiên cứu một Công ước chính còn lại của ILO là Công ước 87 về Quyền tự do thành lập hiệp hội. Một lần nữa chúng ta cùng chúc mừng việc phê chuẩn một trong những Công ước quan trọng nhất của ILO. Tôi thực sự rất mong muốn được làm việc với Liên minh HTX Việt Nam trong những nỗ lực chung của chúng ta vì công bằng xã hội và thịnh vượng chung.

 

                                                                                         Kính thư
                                                                                      Chang Hee Lee
                                                                                  Giám đốc ILO tại Việt Nam¶
Tải về công ước 105 về Xóa bỏ Lao động cưỡng bức tại đây Công ước 105.
Trung tâm Thông tin Tuyên truyền


Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam

Giấy phép số: 175/GP-TTDT ngày 10 tháng 10 năm 2023 của Cục Phát thanh truyền hình và TTĐT thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông.

Ghi rõ nguồn: "vca.org.vn" khi phát hành thông tin từ trang này.

Copyright 2013 vca.org.vn - Technology Supported by ECPVietnam