Phát triển nông nghiệp hữu cơ: “Chuyến đi” không dành cho những người tư duy cũ

Chuyển đổi từ nền nông nghiệp hóa chất sang nền nông nghiệp hữu cơ (NNHC) là xu hướng tất yếu khi người tiêu dùng đang hướng tới các sản phẩm tiêu dùng sạch, dinh dưỡng tốt, thân thiện với môi trường. Trong xu thế chung đó, việc xây dựng các hợp tác xã (HTX) kiểu mới được coi là khâu đột phá để phát triển NNHC. Tất nhiên, việc xây dựng các HTX đòi hỏi phải có tư duy mới trong sản xuất, bảo quản sản phẩm và cả cách tiếp cận thị trường.
bazt_13
Hiện có 33/63 tỉnh, thành trên cả nước có các mô hình HTX sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Ảnh: Bích Nguyên

Sản xuất NNHC có thể hiểu đơn giản là hình thức sản xuất có quy trình chặt chẽ, đảm bảo hệ sinh thái, loại bỏ việc sử dụng phân bón tổng hợp, thuốc trừ sâu, các hóa chất điều tiết tăng trưởng cây trồng hoặc vật nuôi. 

Liên kết để vượt “sóng” lớn

Hình thành từ năm 2003 với số vốn 20 triệu đồng từ 7 thành viên tham gia, HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Anh Đào chuyên sản xuất các loại rau sạch theo tiêu chuẩn VietGap hiện giờ lớn mạnh với hơn 80 thành viên và số vốn hơn 70 tỉ đồng.

Năm 2017, HTX Anh Đào cung cấp cho thị trường hơn 44 nghìn tấn rau các loại, chủ yếu qua hệ thống siêu thị, các cửa hàng bán lẻ, chuỗi nhà hàng, khách sạn và xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc. Lợi nhuận thu được chia cho các thành viên và liên kết theo đóng góp từ 300 triệu đến hơn 2 tỉ đồng/hộ/năm. Ngoài ra, HTX cũng giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 180 lao động.

Nói về yếu tố chủ yếu để đạt được thành công như hiện nay, anh Nguyễn Công Thừa, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Anh Đào cho hay: “Chúng tôi phải liên kết lại với nhau, sử dụng công nghệ sản xuất hiện đại, thay đổi phương thức quản lý và cách tiếp cận thị trường”.

16 năm về trước, chứng kiến cách làm nông manh mún, nhỏ lẻ trên mảnh đất quê hương lại phải phấp phỏng lo âu từ khâu canh tác đến đầu ra của sản phẩm, sau khi cầm tấm bằng cử nhân kinh tế, anh Thừa đã quyết định về quê – Đà Lạt (Lâm Đồng) để lập nghiệp. Anh chọn làm NNHC vì thị trường lúc đó đang “khát” hàng rau củ an toàn. Thế nhưng, HTX Anh Đào non trẻ với số vốn ít ỏi đã gặp không ít sóng gió khi “bơi ra biển lớn”.

“Số vốn quá ít, trong khi nhận thức và tư duy quản lý, vận hành của một số thành viên không thay đổi cùng với việc tích tụ ruộng đất khó khăn đã tạo ra nhiều rào cản cho chúng tôi. Về phía khách hàng, nhiều người không biết phân biệt đã đánh đồng sản phẩm rau VietGap của chúng tôi với các sản phẩm rau thông thường khác” - Anh Thừa chia sẻ. Để giải quyết khâu vốn, anh vận động bà con để lại phần lãi cộng dồn hằng năm và tập trung dồn điền đổi thửa. Thành viên Ban quản trị HTX phải đi gõ cửa từng nơi để giới thiệu sản phẩm. 

Anh Thừa cho hay: “Luật HTX năm 2012 là cú hích lớn nhất cho nền kinh tế tập thể phát triển. Chúng tôi có may mắn là phát triển NNHC trên vùng đất Đà Lạt, có điều kiện thời tiết khí hậu thuận lợi và được hưởng nhiều ưu đãi về cơ chế chính sách. Các thành viên trong HTX đều rất hứng khởi và đi tiên phong áp dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất. Chúng tôi đã áp dụng hệ thống tưới tự động, phần mềm quản lý khách hàng, quản lý thành viên, chất lượng và chuỗi sản phẩm từ người sản xuất tới người tiêu dùng. Khách hàng có thể truy suất nguồn gốc sản phẩm. Bất kỳ khách hàng nào có phản ánh về chất lượng sản phẩm, chúng tôi đều tới gặp trực tiếp để tìm hiểu nguyên nhân và giải thích, trao đổi thông tin”.

Đến nay, HTX Anh Đào quy tụ được trên 270ha đất sản xuất. HTX cũng đầu tư 12 xe tải phục vụ dịch vụ vận chuyển. Hơn 80% sản lượng rau của HTX được cung cấp cho các siêu thị, còn lại là hệ thống cửa hàng bán lẻ của HTX Anh Đào. Thương hiệu của HTX đã được khẳng định hầu hết tại các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Nhìn lại chặng đường “vượt sóng ra biển” của HTX Anh Đào, anh Thừa đúc kết: “Chìa khóa thành công của chúng tôi là sự liên kết, đồng lòng, tiên phong ứng dụng công nghệ hiện đại, cách quản trị, hướng tới sản xuất quy mô hàng hóa lớn không chỉ cung cấp thị trường trong nước mà phục vụ cả việc xuất khẩu”. 

Cần thêm cú hích về vốn và quy hoạch

Để phát triển NNHC, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, cơ chế hỗ trợ, trong đó, có Nghị định 109/2018/NĐ-CP quy định nhiều cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, HTX, trang trại, hộ gia đình, nhóm hộ sản xuất sản phẩm hữu cơ. Tuy nhiên, thực tế triển khai vẫn còn nhiều bất cập.

Chia sẻ về hành trình phát triển NNHC, ông Đoàn Minh Chiến, Trang trại tổng hợp Đoàn Minh Chiến, tỉnh Bình Dương cho hay: “Hiện, trang trại của chúng tôi có 17ha bưởi da xanh ruột hồng, trong đó, 7ha đang cho thu hoạch. Tính đến nay, chúng tôi sản xuất theo tiêu chuẩn organic (hữu cơ) được 9 năm rồi. Tôi mừng vì Nhà nước có Nghị định 109 hỗ trợ 100% kinh phí xác định vùng, khu vực đủ điều kiện sản xuất hữu cơ, 100% chi phí cấp Giấy chứng nhận sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn Việt Nam về NNHC và hỗ trợ đào tạo công nhân nông nghiệp”.

Ông Đoàn Minh Chiến đúc kết: “Muốn làm được NNHC phải có quy hoạch vùng và lựa chọn loại cây trồng phù hợp với vùng đất đó để tránh được sâu bệnh, đảm bảo chất lượng của trái. Cùng với đó, cần cơ chế đủ mạnh đảm bảo sự liên kết chặt chẽ của 5 nhà (Nhà nước, nhà khoa học, người nông dân, doanh nghiệp, ngân hàng).  Ngoài ra, phải có chính sách hợp lý để tạo điều kiện giúp các HTX, tổ hợp, trang trại thực hiện thuế phí nông nghiệp và có nguồn vốn đầu tư”. 

Thực tế, vùng trồng bưởi của ông Chiến đang thực hiện theo hàng trăm tiêu chí sản xuất organic nhưng lại bị thiệt hại khá lớn đến từ nguyên nhân khá bất ngờ. “Chúng tôi đã đạt mục tiêu organic, trái cây sạch, ngon nhưng cuối cùng vì không có sự liên kết vùng, mà vườn cây của chúng tôi bị sâu rầy tấn công làm hỏng cả vườn” – Ông Chiến cho hay.

Đề cập tới những khó khăn trong sản xuất NNHC, ông Vũ Đức Bộ, Chủ nhiệm HTX Phước Hưng (Bình Phước) chuyên sản xuất hạt điều hữu cơ đạt tiêu chuẩn quốc tế cho biết, rào cản lớn nhất hiện nay là vốn.

Ông Bộ lý giải: “Điều là loại hạt có giá cao nhất trong các loại hạt. Hiện, chúng tôi bao tiêu cho các hộ nông dân liên kết, sau đó mới nhập kho và bán cho các doanh nghiệp. Mỗi năm, chúng tôi nhập khoảng 3.000 tấn hạt điều, trị giá trên 60 tỉ đồng. Tuy nhiên, theo cơ chế hiện nay, chúng tôi chỉ được vay 20% giá trị sản phẩm. Vì vậy, việc huy động vốn rất khó khăn. Tôi mong Nhà nước có chính sách gỡ rối cho những HTX như chúng tôi”.

Theo Biên phòng


Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam

Giấy phép số: 175/GP-TTDT ngày 10 tháng 10 năm 2023 của Cục Phát thanh truyền hình và TTĐT thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông.

Ghi rõ nguồn: "vca.org.vn" khi phát hành thông tin từ trang này.

Copyright 2013 vca.org.vn - Technology Supported by ECPVietnam