Sức lan tỏa từ các mô hình hợp tác xã làm ăn có hiệu quả trên địa bàn tỉnh Phú Thọ

Năm 2019, tình hình phát triển của các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có những chuyển biến rõ nét và khởi sắc. Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của HTX ngày càng đang dạng, đáp ứng tốt nhu cầu thành viên, quy mô tiếp tục được mở rộng. Một số mặt hàng có thế mạnh của tỉnh như cây chè, cây bưởi đã mở rộng thị trường, mà trong đó có vai trò quan trọng của các mô hình HTX làm ăn hiệu quả. Các mô hình mới được hình thành, với những bước đi vững chắc, bài bản, đúng pháp luật đang góp phần củng cố niềm tin của thành viên, cộng đồng xã hội, tạo sức lan tỏa, thu hút nhân rộng mô hình kinh tế hợp tác.

Mô hình sản xuất rau an toàn tại HTX Ngân Hà - TX. Phú Thọ

Từ năm 2016, LMHTX tỉnh đã nghiên cứu, xây dựng, triển khai đề án “Xây dựng mô hình hợp tác xã sản xuất kinh doanh hiệu quả theo Luật hợp tác xã năm 2012 trên địa bàn tỉnh Phú Thọ”, khởi đầu với 27 HTX được lựa chọn (trong đó LMHTX tỉnh tư vấn 4 HTX, mỗi địa phương lựa chọn tư vấn 02 HTX), LMHTX tỉnh đã vận động, huy động các nguồn lực, cùng các địa phương và HTX củng cố hoạt động, phát triển sản xuất, kinh doanh mang lại những kết quả tích cực, qua đó giúp nhận diện rõ hơn, thực tiễn xây dựng phát triển HTX kiểu mới. Từ kinh nghiệm thu được trong xây dựng các mô hình, LMHTX tỉnh đã thực hiện tư vấn, hỗ trợ nhân rộng thêm các mô hình mới hoạt động hiệu quả, từng bước hoàn thiện, tập trung vào các sản phẩm chủ lực như cây chè, cây bưởi, sản phẩm rau, củ, quả, sản phẩm chế biến, kinh doanh tổng hợp đa dịch vụ. Cùng với đó, đề xuất với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh chỉ đạo, hỗ trợ thiết thực, phù hợp cho đối tượng là các HTX, tạo ra sức lan tỏa, hiệu quả thực sự, nhận thức của cán bộ cấp ủy, chính quyền các địa phương về xây dựng mô hình HTX ngày càng đầy đủ, có những quan tâm, hoạt động cụ thể.

Từ hiệu quả hoạt động của một số HTX tham gia xây dựng mô hình ban đầu như: HTX mì gạo Hùng Lô, HTX DVNN&ĐN Vĩnh Lại, HTX  nông nghiệp Thượng Nông, HTX SXCB chè Phú Thịnh đã tạo ảnh hưởng, góp phần lan tỏa các giá trị tích cực. Trên cở sở các mô hình đã có, nhiều mô hình HTX mới được thành lập với đa dạng các hoạt động ngành nghề, phát huy hiệu quả tốt, như các mô hình HTX sản xuất chế biến chè xanh, HTX trồng kinh doanh cây ăn quả có múi, HTX sản xuất rau củ quả an toàn, HTX chăn nuôi gà, HTX gắn với sản phẩm làng nghề truyền thống.

Trong 3 năm trở lại đây, nhiều HTX sản xuất chế biến sản phẩm chè xanh được thành lập mới, góp phần làm đa dạng sản phẩm chè xanh, tạo sinh kế mới, nâng cao thu nhập của thành viên tham gia HTX (Tân Sơn, Thanh Sơn, Yên Lập, Cẩm Khê, Hạ Hòa, Phù Ninh). Hiện nay, toàn tỉnh có 19 HTX sản xuất chế biến sản phẩm từ cây chè, trong đó 10 HTX thành lập mới. Khác với các HTX hoạt động giai đoạn trước chủ yếu tập trung làm sơ chế, các HTX mới lựa chọn phát triển sản phẩm chè xanh mang lại giá trị thu nhập bình quân cao hơn, giá bán từ 70 – 80 nghìn đồng/kg đã tăng lên 200 – 250 nghìn đồng/kg, đặc biệt có những dòng sản phẩm chè chất lượng cao có giá bán từ 1,1 – 1,3 triệu đồng/kg. Các sản phẩm chè của HTX đều đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn, có nhãn mác, một số HTX đã được cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể, tem truy xuất nguồn gốc.Một số mô hình mới hình thành có tiềm năng phát triển, như: HTX chè Cẩm Mỹ, HTX chè sạch phụ nữ xã Sơn Hùng (Thanh Sơn), HTX SXCB chè Đá Hen (Cẩm Khê), HTX chè an toàn Long Cốc, HTX chè Hoàng Văn (Tân Sơn).

Trong hoạt động sản xuất kinh doanh bưởi, cây ăn quả có múilà sản phẩm trọng điểm đầu tư, phát triển của tỉnh. Từ các hoạt động của đề án, đã thúc đẩy củng cố hoạt động của các HTX, đồng thời tạo động lực để hình thành các HTX mới. HTX sản xuất kinh doanh bưởi đặc sản Đoan Hùng (Bưởi Chí Đám, Bưởi Bằng Luân) được tổ chức ngày càng chặt chẽ, tạo niềm tin, uy tín lan tỏa tính liên kết, thu hút ngày càng đông các hộ trồng bưởi trên địa bàn cùng tham gia. HTX DVSX và KD bưởi Bằng Luân từ 21 thành viên năm 2018 đã tăng lên 51 thành viên, HTX SXKB bưởi xã Chí Đám từ 20 thành viên đã tăng lên 30 thành viên.Đến nay đã xuất hiện thêm một số HTX mới, nhiều tiềm năng phát triển tại huyện Đoan Hùng (03 HTX), huyện Lâm Thao (01 HTX), huyện Yên Lập (01 HTX), huyện Thanh Ba (01 HTX) với những cái tên như HTX Chí Mai, HTX nông nghiệp công nghệ cao Phụng Thượng, HTX sản xuất kinh doanh bưởi Minh Lương; HTX bưởi Xuân Thủy (Yên Lập).

Lĩnh vực sản xuất kinh doanh sản phẩm rau, củ, quả có nhiều tiềm năng, giá trị để khai thác, tuy nhiên trước đây chủ yếu sản xuất nhỏ lẻ, theo quy mô hộ gia đình nên sản xuất của người dân gặp nhiều khó khăn, giá trị thu về thấp, thiếu ổn định. Mô hình HTX đã mang đến cơ hội liên kết, xây dựng chuỗi giá trị cho các sản phẩm rau, củ, quả của địa phương. Cũng thông qua HTX, các sản phẩm rau, củ, quả của thành viên có đủ cơ sở pháp lý, điều kiện tham gia vào các chuỗi giá trị lớn như siêu thị, chợ đầu mối, thúc đẩy tích tụ ruộng đất để hình thành các khu sản xuất tập trung, áp dụng đồng bộ các biện pháp khoa học kỹ thuật như nhà lưới, tưới nhỏ giọt,…. Do đó, thời gian qua các mô hình HTX sản xuất kinh doanh sản phẩm rau, củ, quả liên tục mở rộng trên nhiều địa bàn, tập trung ở khu vực đô thị và cận đô thị như Việt Trì (05 HTX), Lâm Thao (03 HTX), TX Phú Thọ (02 HTX), Tam Nông (02 HTX), Thanh Thủy (01 HTX), Hạ Hòa (01 HTX), Cẩm Khê (01 HTX). Một số mô hình trở thành điểm sáng trong ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, như HTX nông nghiệp Việt Trì EcoFarm, HTX rau an toàn Tứ Xã, HTX nông nghiệp sông Đà, HTX Ngân Hà, HTX rau an toàn Đỗ Xuyên, HTX thực phẩm xanh.

Không dừng lại ở sản xuất nông nghiệp đơn thuần, chế biến sẽ làm nâng cao giá trị sản phẩm, thúc đẩy tăng thu nhập, tận dụng lao động nông nhàn, phát triển được cá sản phẩm đặc sản truyền thống của địa phương. Các mô hình HTX chế biến, đặc biệt gắn với các làng nghề có những bước phát triển nhanh. Sản phẩm của các mô hình HTX chế biến ngày càng đa dạng, tạo ra nhiều giá trị mới, thu nhập cho thành viên và người lao động được cải thiện đáng kể đạt 4,5 - 5 triệu đồng/người/tháng. Một số sản phẩm đã khẳng định được thương hiệu, dần chiếm được ưu thế trên thị trường như mì gạo (HTX mì gạo Hùng Lô), thịt chua (HTX thịt chua Thanh Sơn), tinh dầu quế (HTX SX và CBNLN Trung Sơn), tinh bột nghệ (HTX nông nghiệp hữu cơ Sơn Thủy), tương (HTX tương Dục Mỹ).

Mô hình chăn nuôi gà tại HTX chăn nuôi gà thả đồi Phú Khê, huyện Cẩm Khê

Năm 2019 là năm khó khăn trong lĩnh vực chăn nuôi, dịch bệnh, giá cả bấp bênh. Nhưng chính hoàn cảnh đó đã thúc đẩy các hộ sản xuất quy mô nhỏ, liên kết thành HTX để hỗ trợ nhau cung cấp đầu vào, quản lý dịch bệnh, tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định, cung cấp vốn kinh doanh. Thực sự mô hình HTX đã chứng minh hiệu quả, khắc phục được nhiều điểm yếu so với sản xuất nhỏ lẻ trước đây. Minh chứng là nhiều mô hình HTX trong lĩnh vực này được thành lập và liên tục mở rộng quy mô, với đa dạng các chủng loại vật nuôi, tận dụng được ưu thế địa hình, thủy văn, khí hậu của địa phương, như các HTX chăn nuôi gà (Cẩm Khê, Thanh Ba, Yên Lập), HTX chăn nuôi thỏ (Thanh Thủy, Lâm Thao), HTX chăn nuôi thủy sản (Thanh Thủy, Thanh Sơn, Phù Ninh), HTX chăn nuôi Lợn (Tân Sơn, Cẩm Khê), HTX chăn nuôi chim bồ câu (Cẩm Khê). Một số HTX có sự phát triển vượt bậc, hình thành khu chăn nuôi lớn như: HTX nông nghiệp An Phú (sản phẩm gà, huyện Thanh Sơn), HTX nông nghiệp Đỗ Sơn (sản phẩm gà, Thanh Ba), HTX sản xuất và chăn nuôi Quốc Anh (sản phẩm chim bồ câu, huyện Cẩm Khê), HTX cá lồng Thanh Thủy (sản phẩm cá, Thanh Thủy), HTX chăn nuôi Hải Phong (sản phẩm thỏ, Lâm Thao).

Phát triển mô hình sản xuất kinh doanh đa dịch vụ là định hướng mở rộng thị trường, khai thác các tiềm năng, thế mạnh của HTX, đáp ứng nhu cầu thiết thực, phù hợp cho đại đa số thành viên. Thông qua xây dựng mô hình, các HTX đã củng cố tốt mối liên kết giữa HTX với thành viên, làm tốt và phát huy các giá trị, tư tưởng, bản chất của HTX, trong đó đặc biệt thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch. Những bài học kinh nghiệm trong quản lý, điều hành thực sự có giá trị để các mô hình HTX mới học tập và xây dựng giải pháp phát triển HTX. Hiệu quả từ các hoạt động cơ giới hóa, tập trung sản xuất của HTX DVNNĐN Vĩnh Lại, hay hiệu quả từ mô hình dịch vụ cửa hàng điện máy kết hợp phục vụ phân phối điện của HTX DVNNĐN Thạch Sơn đã chứng minh tính hiệu quả của mô hình HTX nói chung và phát triển HTX theo hướng đa dịch vụ. Thành viên HTX vừa là chủ, vừa là khách hàng tin cậy, ổn định, sử dụng dịch vụ của HTX. Từ đó, cũng đặt ra yêu cầu, các HTX phải thường xuyên chăm lo, phát triển thành viên, làm cho thành viên gắn bó lợi ích và trách nhiệm với HTX.

Xây dựng mô hình HTX làm ăn hiệu quả vừa là mục tiêu, song cũng là quá trình lâu dài. Từ các mô hình này, giúp cho cấp ủy, chính quyền địa phương, các HTX trên địa bàn tỉnh có cơ sở để học tập, trao đổi kinh nghiệm, hình thành giải pháp củng cố, phát triển HTX thiết thực, hiệu quả, như: phát triển HTX gắn với thế mạnh, sản phẩm chủ lực địa phương; kiên quyết giải thể các HTX hoạt động yếu kém; đẩy mạnh tích tụ ruộng đất, áp dụng cơ giới hóa trên quy mô lớn để giảm chi phí sản xuất, áp dụng đồng bộ tiến bộ khoa học kỹ thuật trong quản lý, chăm sóc cây trồng, vật nuôi; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý HTX; cấp ủy, chính quyền phải vào cuộc cùng với HTX giải quyết khó khăn của địa phương. Nhưng hơn hết, các HTX hoạt động hiệu quả là những tuyên truyền viên thiết thực nhất để củng cố niềm tin, lan tỏa tinh thần đoàn kết, hợp tác sâu rộng đến với cộng đồng làm cho kinh tế xã hội của tỉnh tiếp tục phát triển ổn định và bền vững.

Liên minh HTX Phú Thọ


Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam

Giấy phép số: 175/GP-TTDT ngày 10 tháng 10 năm 2023 của Cục Phát thanh truyền hình và TTĐT thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông.

Ghi rõ nguồn: "vca.org.vn" khi phát hành thông tin từ trang này.

Copyright 2013 vca.org.vn - Technology Supported by ECPVietnam