VCA đồng chủ trì hội thảo: Thúc đẩy ứng dụng CNC trong chuỗi cung ứng nông sản thích ứng với biến đổi khí hậu

Sáng 17/12, tại Tp. Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Mạnh Cường, Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam tham gia đồng chủ trì Hội thảo “Thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao trong chuỗi cung ứng nông sản vì một nền nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu” cùng với Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP).
Hội thảo trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về giải quyết những thách thức của biến đổi khí hậu đối với ngành nông nghiệp, trong đó có chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm trong phát triển nông nghiệp bền vững, mô hình HTX nông nghiệp, nhất là mô hình HTX gắn với chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu; đồng thời cùng nhau thảo luận, kiến nghị các giải pháp phát triển bền vững chuỗi cung ứng nông sản vì mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đồng chí Nguyễn Mạnh Cường phát biểu tại hội thảo
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Nguyễn Mạnh Cường cho biết, Liên minh HTX Việt Nam là tổ chức đại diện quốc gia của 120.000 THT, hơn 23.000 HTX và gần 80 liên hiệp HTX tại Việt Nam, hệ thống Liên minh HTX Việt Nam được thành lập ở Trung ương và 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong số đo 60% các HTX hiện nay đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã, Liên minh HTX Việt Nam các cấp đang nỗ lực đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã giai đoạn 2018 – 2020 là thành lập mới ít nhất 5.000 tổ hợp tác, 2.300 HTX trở lên, xây dựng 1.000 HTX gắn với chuỗi giá trị; số lượng cán bộ HTX tham gia đào tạo, bồi dưỡng tăng 30%, thu nhập của thành viên HTX tăng 15%; 100% cán bộ quản trị của HTX được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức quản trị HTX, nhiều thành viên và người lao động trong khu vực HTX được tham gia các khóa tập huấn nâng cao nhận thức, kiến thức chuyên môn phục vụ sản xuất kinh doanh của HTX.
Trong thời gian qua, Liên minh HTX Việt Nam đã chủ động, tích cực phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan và hợp tác chặt chẽ với các tổ chức quốc tế trong và ngoài nước triển khai nhiều hoạt động trong phát triển khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã tại Việt Nam, đặc biệt là gắn kết các HTX tham gia vào chuỗi sản xuất nông sản có giá trị cao và giúp các HTX đưa sản phẩm ra thị trường trong và ngoài nước
Trong phần tham luận của bà Phạm Thị Hồng Yến- Trưởng Ban Hợp tác quốc tế- Liên minh HTX Việt Nam, trình bày vai trò của Liên minh HTX Việt Nam trong việc giải quyết những thách thức của biến đổi khí hậu tại Việt Nam trong khu vực HTX. Cụ thể, trong năm 2018 và 2019, mỗi năm Liên minh HTX hỗ trợ 77 mô hình HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng nông sản, trang thiết bị... bao tiêu sản phẩm cho thành viên... Có thể kể đến mô hình HTX chăn nuôi Mộc Bắc- Duy Tiên- Hà Nam đã ứng dụng công nghệ sinh học xử lý ô nhiễm môi trường chuồng trại chăn nuôi bò sữa; HTX Thanh Long Mỹ Tịnh An- chợ Gạo- Tiền Giang áp dụng công nghệ sản xuất thanh long theo Isarel; HTX nông nghiệp Phò Ninh- Phong Điền- Thừa Thiên Huế- mô hình nhà trồng áp dụng hệ thống tưới tự động.
Để thích ứng, giải quyết những thách thức của biến đổi khí hậu, Liên minh HTX Việt Nam đề nghị hỗ trợ các HTX tiếp cận thông tin về ứng phó, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu đến sản xuất nông nghiệp; chia sẻ học tập kinh nghiệm xây dựng và nhân rộng mô hình HTX nông nghiệp sạch, bảo vệ môi trường; xây dựng mô hình HTX gắn với chuỗi giá trị, phát triển các mô hình HTX sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Một số hình ảnh tại hội thảo:
Trung tâm Thông tin- Tuyên truyền


Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam

Giấy phép số: 175/GP-TTDT ngày 10 tháng 10 năm 2023 của Cục Phát thanh truyền hình và TTĐT thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông.

Ghi rõ nguồn: "vca.org.vn" khi phát hành thông tin từ trang này.

Copyright 2013 vca.org.vn - Technology Supported by ECPVietnam