Vĩnh Long phát triển mô hình khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo

Năm 2018, tỉnh Vĩnh Long triển khai Ðề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025" và tổ chức thành công cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp; phát triển mới 352 doanh nghiệp và 25 hợp tác xã đi vào hoạt động hiệu quả. Những tháng đầu năm 2019, tỉnh Vĩnh Long đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ, tạo sự chuyển biến tích cực, lan tỏa trong khởi nghiệp đổi mới sáng tạo từ thành thị đến nông thôn.

Vĩnh Long phát triển mô hình khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo

Chị Lê Thị Bích Ngọc, xã Long Mỹ (huyện Mang Thít) bên vườn hoa Ðà Lạt của gia đình.

Những tín hiệu tích cực

Anh Huỳnh Phú Lộc (sinh năm 1990, ngụ phường 5, TP Vĩnh Long) là một trong những người đầu tiên ở Vĩnh Long mạnh dạn đầu tư khởi nghiệp thành công với mô hình làm nông nghiệp công nghệ cao. Hiện, mô hình sản xuất của anh Lộc có ba nhà lưới quy mô 1.800 m2, chuyên sản xuất các loại rau quả sạch an toàn công nghệ tưới nhỏ giọt và cung cấp dinh dưỡng theo quy trình sản xuất tiên tiến của I-xra-en. Anh Lộc cho biết, tháng 10-2017, anh bắt tay vào làm nhà lưới, nghiên cứu kỹ thuật trồng cây cà chua và một số loại rau thông thường. Năm thứ hai, anh Lộc mạnh dạn chuyển đổi tất cả diện tích sang cây dưa lưới để cách ly mầm bệnh của cây cà chua. Với 2.300 gốc dưa lưới Nhật, sau ba tháng, gia đình anh thu về hơn 3,5 tấn quả, với giá 60 nghìn đồng/kg, trừ chi phí, anh thu về gần 200 triệu đồng. Theo tính toán của anh Lộc, mỗi vụ dưa lưới thường kéo dài từ 2 đến 2,5 tháng, nếu tính cả thời gian xử lý, cải tạo môi trường, cách ly mầm bệnh, mỗi năm có thể trồng khoảng bốn vụ. Mô hình nông nghiệp công nghệ cao của anh Lộc trở thành điểm tham quan, học hỏi kinh nghiệm của nhiều bạn trẻ yêu thích sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao.

Gia đình chị Lê Thị Bích Ngọc ở xã Long Mỹ (huyện Mang Thít) vốn là một tiểu thương chuyên bán sỉ, bán lẻ hoa nhiều năm và nhận thấy người tiêu dùng rất thích hoa Ðà Lạt. Ðặc biệt là các loại hoa cúc, giá cao gấp hai đến ba lần vào những dịp lễ, Tết. Tuy nhiên, khâu vận chuyển từ Ðà Lạt về Vĩnh Long xa, khó khăn, dẫn đến chi phí cao. Năm 2017, hai vợ chồng chị quyết định đến các vườn hoa tại tỉnh Lâm Ðồng để học hỏi kỹ thuật trồng hoa của người nông dân ở đây. Sau đó, anh chị về Vĩnh Long quyết định mua 3.000 m2 đất, cải tạo, đầu tư nhà lưới với chi phí hơn một tỷ đồng để trồng hoa. Ðến nay, để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, cách 15 ngày chị lại xuống giống một đợt. Mỗi tháng chị xuất bán bình quân khoảng 10 nghìn cây hoa, với giá bán dao động từ 3.000 đến 3.500 đồng/cây, trừ chi phí, lãi hơn 10 triệu đồng/tháng. Ðặc biệt tháng Tết, doanh thu gấp từ 5 đến 10 lần những tháng bình thường… Nói về định hướng sắp tới, chị Ngọc cho biết, gia đình sẽ tập trung mở rộng làm hoa giống để tiết kiệm chi phí sản xuất và phân phối lại cho bà con vùng lân cận có nhu cầu như Ðồng Tháp, Cần Thơ và Bến Tre... Bên cạnh đó, chị sẽ kết hợp để cho khách du lịch đến Vĩnh Long tham quan vườn có hoa nở quanh năm. Quá trình triển khai mô hình của chị Ngọc được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Vĩnh Long hỗ trợ kỹ thuật, ý tưởng khởi nghiệp. Chị Ngọc được Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chọn trao giải thưởng ý tưởng khởi nghiệp tại Ngày Phụ nữ khởi nghiệp tại Hà Nội năm 2018, với số tiền được hỗ trợ là 50 triệu đồng.

Ðáng chú ý, một trong những mô hình bước đầu được các cơ quan, ban, ngành tỉnh Vĩnh Long hỗ trợ khởi nghiệp thành công là sản phẩm quà lưu niệm gỗ "made in Vĩnh Long" của anh Nguyễn Văn Sol, Giám đốc Công ty TNHH Mỹ thuật Tây Long (xã Phước Hậu, huyện Long Hồ). Dù mới thành lập năm 2018, nhưng công ty của anh Sol đã mở rộng ra thị trường trong nước, mỗi tháng cho ra 15 nghìn sản phẩm đồ chơi. Anh Sol cho biết: Có được như ngày hôm nay, chúng tôi cảm ơn rất nhiều sự giúp đỡ, hỗ trợ của các cơ quan, ban, ngành tỉnh Vĩnh Long trong thời gian qua. Khi mới chào hàng, sản phẩm của công ty ít được chú ý, nhưng từ khi được Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Vĩnh Long giúp trưng bày, giới thiệu ở các sự kiện quan trọng trong và ngoài tỉnh, sản phẩm được nhiều người biết đến. Ðặc biệt, sản phẩm được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đưa vào làm quà lưu niệm ở các điểm du lịch trên địa bàn. Vì vậy, dù mới "trình làng" nhưng sản phẩm cũng được khách trong nước và quốc tế ưa chuộng. Ngoài ra, công ty được Sở Công thương tỉnh hỗ trợ máy cắt gỗ trị giá 65 triệu đồng từ nguồn khuyến công của tỉnh, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm.

Từng bước gỡ khó

Có thể nói, phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo ở Vĩnh Long đã có từ lâu, với sự nỗ lực của mỗi cá nhân và sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, hội, đoàn thể. Tuy nhiên, sự hỗ trợ vẫn chưa thể đáp ứng hết nhu cầu khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Bí thư Tỉnh đoàn Vĩnh Long Nguyễn Huỳnh Thư cho biết: Do kinh phí phụ thuộc vào Ngân hàng Chính sách xã hội nên mỗi năm, Tỉnh đoàn chỉ hỗ trợ cho khoảng hai, ba trường hợp thanh niên khởi nghiệp số tiền 20 triệu đồng. Với số tiền như vậy, chỉ giúp cho thanh niên phần nào về vốn, chưa thể giúp họ mở rộng sản xuất hay kinh doanh theo ước muốn của mình.

Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Vĩnh Long Phan Kim Quyên cho biết: Từ năm 2017 đến 2019, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh phối hợp các đơn vị giúp 37 chị em phụ nữ tham gia trưng bày 30 sản phẩm ý tưởng tại các hội chợ để hỗ trợ tiếp cận thị trường lao động, tìm đầu ra cho sản phẩm của HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp do phụ nữ quản lý... Tuy nhiên, hỗ trợ kinh phí chưa được nhiều. Hằng năm, Hội tổ chức hội thi "Phụ nữ khởi nghiệp", tổng cộng có 39 ý tưởng tham gia. Qua đó Hội đồng xét duyệt đã chọn ra sáu ý tưởng xuất sắc nhất nhưng cũng chỉ trao giải từ năm đến 10 triệu đồng/ý tưởng là quá ít, khó giúp ý tưởng trở thành thực tế.

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư tỉnh Vĩnh Long Trương Ðặng Vĩnh Phúc: Năm 2016, UBND tỉnh ban hành Chương trình khởi nghiệp giai đoạn 2016 - 2020 với mục tiêu khuyến khích, thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo trong kinh doanh cho cá nhân, nhóm có dự án khởi nghiệp, thành lập doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh, hiệu quả. Tỉnh ủy thành lập Hội đồng tư vấn khởi nghiệp nhằm tham mưu thực hiện thành công chương trình khởi nghiệp, giúp phát triển các dự án kinh doanh khả thi. Ngoài ra, tỉnh Vĩnh Long đã phê duyệt đề án thành lập Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp với vốn điều lệ 10 tỷ đồng nhằm hỗ trợ nguồn vốn ban đầu, tạo điều kiện để cá nhân, hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn triển khai ý tưởng, dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phương án sản xuất, kinh doanh khả thi. Ðồng thời, tỉnh cũng ban hành đề án xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp nhằm tạo ra các hoạt động khởi nghiệp bài bản, thiết thực và đón nhận nhiều hơn các ý tưởng, dự án khởi nghiệp.

Trong thời gian tới, để hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, tỉnh Vĩnh Long thực hiện bảy giải pháp cụ thể như: Xây dựng, hoạch định chính sách khởi nghiệp; xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tham gia được các chuỗi cung ứng, sản xuất, giá trị, đổi mới, sáng tạo; hình thành nhiều đối tượng khởi nghiệp, nhiều ý tưởng sáng tạo, khả thi; nâng cao vai trò từng thành viên trong hội đồng tư vấn; đẩy mạnh và làm nổi bật công tác tuyên truyền; xây dựng hoàn chỉnh cơ sở dữ liệu liên kết vùng đồng bằng sông Cửu Long; hỗ trợ trực tiếp những đối tượng khởi nghiệp từ Quỹ khởi nghiệp… Tất cả nhằm nhân rộng các mô hình khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo hiệu quả trên địa bàn tỉnh.

Theo Nhân dân


Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam

Giấy phép số: 175/GP-TTDT ngày 10 tháng 10 năm 2023 của Cục Phát thanh truyền hình và TTĐT thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông.

Ghi rõ nguồn: "vca.org.vn" khi phát hành thông tin từ trang này.

Copyright 2013 vca.org.vn - Technology Supported by ECPVietnam