Xu thế tất yếu

55% hợp tác xã (HTX) nông nghiệp kiểu mới đang hoạt động hiệu quả, với lợi nhuận đạt 154 triệu đồng/ha/năm. Đặc biệt, những HTX ứng dụng công nghệ cao giúp gia tăng thu nhập cho thành viên thêm 35%/năm, cho thấy đổi mới mô hình kinh tế tập thể, HTX kiểu mới là xu thế tất yếu để hội nhập thành công kinh tế quốc tế.

xurw-12a-w550
Việc phát triển HTX nông nghiệp theo cơ chế thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu là giải pháp hàng đầu để phát triển nông nghiệp bền vững. Ảnh: Bích Nguyên

Hiện, cả nước có khoảng 23.000 HTX, trong đó, HTX nông nghiệp chiếm hơn 60%. Trong số này, có khoảng 10% HTX đang chuyển đổi theo mô hình  kinh tế tập thể kiểu mới.

Ghi nhận tại đồng bằng sông Cửu Long sau 3 năm thực hiện Đề án thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới, kinh tế hợp tác tại khu vực này đã có bước phát triển đáng kể cả về lượng và chất. Đến cuối năm 2018, đồng bằng sông Cửu Long có 1.803 HTX, bình quân 130 thành viên/HTX. Toàn vùng đã lựa chọn 174 HTX và 1 tổ hợp tác đăng ký tham gia thí điểm.

Những HTX kiểu mới này dựa trên những gắn kết chặt chẽ giữa xã viên và liên kết chặt chẽ với các thành viên của chuỗi giá trị, đáp ứng tốt nhu cầu dịch vụ của xã viên cũng như nắm bắt tốt những cơ hội do thị trường mang lại.

Trong một nền kinh tế thị trường với mức độ cạnh tranh ngày càng lớn, người nông dân và những hộ sản xuất nông nghiệp nhỏ phải đối mặt với rất nhiều rủi ro, các hợp tác xã kiểu mới đã giúp họ giảm thiểu những rủi ro, thua thiệt trên thị trường, gia tăng lợi ích thông qua liên kết hữu cơ trong chuỗi giá trị nông sản, từ đó cải thiện đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao tinh thần hợp tác của cộng đồng.

Hiện nay, sản xuất nông nghiệp không chỉ chuyển đổi mạnh theo cơ chế thị trường, mà đồng thời phải bảo đảm thích ứng với biến đổi khí hậu. Trên thực tế, chỉ có HTX kiểu mới mới đáp ứng được yêu cầu trên trong tổ chức thực hiện sản xuất đồng bộ, bền vững và gia tăng lợi nhuận cho từng xã viên.

Cụ thể như hàng chục HTX ở các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang tổ chức nông dân chuyển đổi mô hình sản xuất từ 2 vụ lúa sang mô hình lúa tôm, mô hình nuôi tôm dưới tán rừng, có lợi nhuận ròng là 52,20 triệu đồng/ha/năm, trong khi canh tác thuần lúa nông dân chỉ có lợi nhuận ròng là 39,20 triệu đồng/ha/năm.

Tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Long An, Tiền Giang, các mô hình HTX nông nghiệp ứng dụng nông nghiệp thông minh vào sản xuất lúa gạo trên quy mô cả chục ngàn héc ta, nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất đã tạo doanh thu bình quân trên 1 tỷ đồng/ha/năm.

Tuy nhiên, phát triển mô hình HTX kiểu mới trong nông nghiệp vẫn còn nhiều thách thức. Theo các chuyên gia, chính quyền các địa phương cần nhận thức sâu sắc việc phát triển HTX nông nghiệp theo cơ chế thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu là giải pháp hàng đầu để phát triển nông nghiệp bền vững.

Mặt khác, phát triển HTX kiểu mới không làm triệt tiêu vai trò của kinh tế hộ mà gia tăng hơn lợi ích cho hộ gia đình để chính quyền, doanh nghiệp vun đắp, phát triển các mô hình mới này. 

Do vậy, để nuôi dưỡng các HTX hoạt động hiệu quả, tạo ra nguồn thu lâu dài cho địa phương và xã viên, Chinh phủ yêu cầu các địa phương dùng nguồn vượt thu hằng năm để bổ sung cho Quỹ phát triển HTX địa phương, giúp liên kết giữa các hộ nông dân, kinh tế trang trại với HTX.

Thiết nghĩ, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, HTX trong lĩnh vực nông nghiệp rất cần những chính sách hỗ trợ về tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp... Đồng thời, Nhà nước cần sớm ban hành chính sách miễn giảm thuế cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực nông nghiệp, xóa nợ khê đọng của HTX kiểu cũ, tạo thuận lợi cho HTX chuyển đổi sang mô hình mới.

Theo Biên phòng


Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam

Giấy phép số: 175/GP-TTDT ngày 10 tháng 10 năm 2023 của Cục Phát thanh truyền hình và TTĐT thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông.

Ghi rõ nguồn: "vca.org.vn" khi phát hành thông tin từ trang này.

Copyright 2013 vca.org.vn - Technology Supported by ECPVietnam