1 triệu tỉ đồng 'đóng băng' ở kho bạc phải gửi ngân hàng, bộ trưởng Bộ Tài chính nói gì?

Về 1 triệu tỉ đồng đang gửi ngân hàng được các đại biểu Quốc hội nhắc đến trong phiên thảo luận tại tổ về kinh tế - xã hội của Quốc hội ngày 25-5, chia sẻ bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nói “hoàn toàn đúng”.

1 triệu tỉ đồng đóng băng ở kho bạc phải gửi ngân hàng, bộ trưởng Bộ Tài chính nói gì? - Ảnh 1.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng nói 1 triệu tỉ đồng đang nằm trong kho bạc không tiêu được phải đi gửi ở ngân hàng là "cục máu đông" - Ảnh: N.Ý

Theo đại biểu Hà Sỹ Đồng - phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, nút thắt lớn hiện nay là vấn đề tồn đọng ngân quỹ quốc gia. Tồn dư ngân quỹ nhà nước đang gửi ở hệ thống ngân hàng, được ông Đồng đánh giá là ở mức khá cao từ năm 2019 và gia tăng đáng kể từ năm 2022, đến tháng 5 này lên tới 1 triệu tỉ đồng

“Tiền sẵn trong túi lại không sao tiêu được”

"Đây là một vấn đề nhức nhối đối với chúng ta, một quốc gia còn nghèo, luôn thiếu vốn cho đầu tư phát triển nhưng lại phải đối mặt với một nghịch lý tiền sẵn trong túi mà không sao tiêu được” - ông Đồng nói. 

Theo ông, đây cũng chính là “cục máu đông” gây tắc nghẽn dòng tiền trong nền kinh tế, khi mà tiền thuế, phí của doanh nghiệp và người dân nộp về Kho bạc Nhà nước nằm “đắp chiếu", không quay trở lại được nền kinh tế do sự tắc nghẽn ở kênh giải ngân đầu tư công.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cũng nhìn nhận thực trạng này đã được nhận diện khá lâu, nhưng chưa được giải quyết triệt để. 

Thực tế, từ đầu năm tới ngày 17-5, Kho bạc Nhà nước vẫn phải phát hành trái phiếu huy động vốn trong nước tới 158.000 tỉ đồng, trong khi mức đáo hạn trái phiếu Chính phủ chỉ có 17.000 tỉ đồng, tổng mức vay ròng từ nền kinh tế là 141.000 tỉ đồng.

Ông cho rằng số tiền này có lẽ đang tương đương với lượng tiền Kho bạc Nhà nước đấu thầu theo lãi suất thị trường tiền tệ gửi chủ yếu tại nhóm ngân hàng thương mại nhà nước.

"Đành rằng cơ chế hiện hành cho phép Kho bạc Nhà nước được tối ưu hóa nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi. Nhưng câu hỏi là liệu chính sách tài khóa có thực sự phối hợp tốt với chính sách tiền tệ để thực hiện mục tiêu ưu tiên giảm mặt bằng lãi suất cho vay trong nền kinh tế hay không?" - ông Đồng nêu vấn đề.

1 triệu tỉ đồng đóng băng ở kho bạc phải gửi ngân hàng, bộ trưởng Bộ Tài chính nói gì? - Ảnh 3.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thông tin việc vì sao phải gửi ngân hàng 1 triệu tỉ đồng - Ảnh: N.Ý

1 triệu tỉ đồng "nằm trong kho" gửi ngân hàng với lãi suất 0,8%/năm

Do đó, ông Đồng bày tỏ ủng hộ các giải pháp của Quốc hội và Chính phủ theo hướng tiếp tục hoãn, giãn, giảm một số khoản thuế, phí để hỗ trợ trực tiếp doanh nghiệp và người dân. Cân bằng bớt lại với việc chi đầu tư phát triển đang được thực hiện chậm hiện nay.

Trả lời bên hành lang Quốc hội về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay 1 triệu tỉ đồng nằm trong kho và được gửi ở ngân hàng là "hoàn toàn đúng". 

Bởi điểm nghẽn lớn nhất là giải ngân đầu tư công nên Bộ Tài chính phải gửi số tiền này vào Ngân hàng Nhà nước với lãi suất 0,8%/năm. 

Nhìn nhận đây là một hạn chế, ông Phớc nói nguyên nhân là do khâu chưa chuẩn bị dự án. Cụ thể, theo quy định Luật Đầu tư công, chỉ khi có tiền mới lập dự án, tức là vốn phải chờ công trình. 

Thêm nữa là vướng mắc trong khâu chuẩn bị đầu tư, phê duyệt dự án mới giải phóng mặt bằng, làm cho khâu này quá dài... khiến khoản tiền chuẩn bị cho giải ngân, quyết toán này là "cục máu đông". 

Vì vậy, bộ trưởng Bộ Tài chính đề nghị phải sửa luật, dùng một luật sửa nhiều luật, trong đó có Luật Đầu tư công. 

Theo Tuổi trẻ TPHCM


Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam

Giấy phép số: 239/GP-TTDT ngày 11 tháng 12 năm 2020 của Cục Phát thanh truyền hình và TTĐT thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông.

Ghi rõ nguồn: "vca.org.vn" khi phát hành thông tin từ trang này.

Copyright 2013 vca.org.vn - Technology Supported by ECPVietnam