5 giải pháp cho mục tiêu 45.000 hợp tác xã vào năm 2030

Nghị quyết số 20/NQ-TW của Ban chấp hành Trung ương đặt mục tiêu đến năm 2030, cả nước có khoảng 140.000 tổ hợp tác và 45.000 hợp tác xã.

45.000 hợp tác xã vào năm 2030

Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, khu vực kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác xã đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, khu vực kinh tế tập thể đến nay chưa phát triển như mục tiêu, yêu cầu Nghị quyết đề ra. Đổi mới, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể còn nhiều khó khăn. Tốc độ tăng trưởng, tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tập thể vào GDP còn thấp và có xu hướng giảm...

Mục tiêu 45.000 hợp tác xã vào năm 2030, giải pháp nào để hoàn thành?
Khu vực kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác xã được đánh giá đã có những chuyển biến tích cực

Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém trên là do nhận thức về bản chất, vị trí, vai trò của kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chưa đầy đủ, thiếu thống nhất, còn bị chi phối, ảnh hưởng bởi định kiến và mô hình hợp tác xã thời kỳ bao cấp; hoài nghi về sự thành công của kinh tế tập thể.

Công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể thiếu thống nhất, một số nơi buông lỏng hoặc can thiệp quá sâu, thanh tra, kiểm tra việc thực thi pháp luật về kinh tế tập thể chưa thường xuyên. Đội ngũ cán bộ hợp tác xã còn yếu, chưa được đào tạo chuyên sâu. Một số hợp tác xã chưa tuân thủ nguyên tắc hoạt động theo quy định của pháp luật, thành viên hợp tác xã vẫn còn tâm lý ỉ lại, dựa dẫm, trông chờ vào hỗ trợ của nhà nước.

Với quan điểm chỉ đạo, kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển cùng kinh tế nhà nước, trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân; Phát triển kinh tế tập thể là xu hướng tất yếu trong bối cảnh hội nhập quốc tế, phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa..., Nghị quyết số 20/NQ-TW của Ban chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới vừa ban hành vào tháng 6/2022 đặt mục tiêu quan trọng, nhằm phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả, bền vững, cùng với kinh tế nhà nước, trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân với nhiều mô hình hợp tác, thu hút ngày càng nhiều nông dân, hộ gia đình, cá nhân và tổ chức tham gia, góp phần nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống các thành viên, hộ gia đình, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững đất nước.

Trong đó, mục tiêu cụ thể đến năm 2030 có khoảng 140.000 tổ hợp tác, 2 triệu thành viên; 45.000 hợp tác xã với 8 triệu thành viên; 340 liên hiệp hợp tác xã với 1.700 hợp tác xã thành viên.

Đảm bảo trên 60% tổ chức kinh tế tập thể đạt loại tốt, khá, trong đó có ít nhất 50% tham gia liên kết theo chuỗi giá trị. Có trên 5.000 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, phát triển các chuỗi giá trị nông sản hàng hoá gắn liền với liên kết sản xuất, cung cấp dịch vụ chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, đẩy mạnh tham gia vào chuỗi cung ứng đưa sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu trực tiếp ra nước ngoài.

Mục tiêu đến năm 2045, phấn đấu thu hút tối thiểu 20% dân số tham gia các tổ chức kinh tế tập thể. Mở rộng quy mô hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể, chất lượng hoạt động ngang tầm các nước trong khu vực và trên thế giới. Bảo đảm trên 90% tổ chức kinh tế tập thể hoạt động hiệu quả, trong đó 75% tham gia các chuỗi liên kết. Phấn đấu có ít nhất 3 tổ chức kinh tế tập thể nằm trong bảng xếp hạng 300 hợp tác xã lớn nhất toàn cầu do Liên minh Hợp tác xã quốc tế (ICA) công nhận. Các tổ chức kinh tế tập thể đều áp dụng công nghệ, nhất là chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ.

Mục tiêu 45.000 hợp tác xã vào năm 2030, giải pháp nào để hoàn thành?
Đến năm 2030, đảm bảo trên 60% tổ chức kinh tế tập thể đạt loại tốt, khá

Tập trung vào 5 giải pháp

Để thực hiện mục tiêu trên, Nghị quyết số 20/NQ-TW sẽ tập trung vào 5 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu. Thứ nhất, nhận thức đúng và đầy đủ về bản chất, vị trí, vai trò và tầm quan trọng của kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Theo đó, tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cơ quan, tổ chức và nhân dân, nhận thức đúng, đầy đủ về kinh tế tập thể là yêu cầu và xu thế tất yếu trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Thứ hai, tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật về kinh tế tập thể như: Quy định về các loại hình tổ chức kinh tế tập thể, tổ chức đại diện, quy định về hợp tác xã, phát triển thành viên, nâng cao khả năng huy động vốn. Có chính sách hỗ trợ, thu hút nguồn lực, ứng dụng khoa học – công nghệ, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, nông nghiệp hữu cơ, thích ứng biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, mở rộng thị trường cho kinh tế tập thể.

Thứ ba, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể. Theo đó, có chính sách phù hợp để tập trung giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn đọng của kinh tế tập thể, bao gồm: Nợ tồn đọng kéo dài trong hợp tác xã; các quan hệ về tài sản của hợp tác xã, nhất là tài sản liên quan đến đất đai.

Phát huy dân chủ, tự nguyện, tự chịu trách nhiệm của các thành viên trong các tổ chức kinh tế tập thể, hợp đồng kinh tế với động lực tinh thần, khơi dậy phong rào quần chúng nhân dân tham gia phát triển kinh tế tập thể. Khuyến khích việc tăng vốn góp và huy động vốn từ thành viên để tăng nguồn vốn hoạt động, tăng vốn đầu tư phát triển, tăng tài sản và quỹ không chia của tổ chức kinh tế tập thể…

Thứ tư, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước với kinh tế tập thể thông qua xây dựng bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế tập thể tập trung thống nhất, xuyên suốt chỉ đạo điều hành từ Trung ương đến địa phương; xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý có chuyên môn, nghiệp vụ, được đào tạo chuyên sâu về kinh tế tập thể, có tư tưởng chính trị vững vàng, có năng lực xây dựng và tổ chức thực hiện hiệu quả pháp luật, cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch để kinh tế tập thể phát triển lành mạnh.

Đặc biệt, tăng cường minh bạch trong quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý, từng bước xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về kinh tế tập thể, liên thông với hệ thống đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế…

Thứ năm, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội, xã hội - nghề nghiệp và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam với phát triển kinh tế tập thể.

Theo Nguyễn Hòa / CTV Báo Công thương


Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam

Giấy phép số: 175/GP-TTDT ngày 10 tháng 10 năm 2023 của Cục Phát thanh truyền hình và TTĐT thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông.

Ghi rõ nguồn: "vca.org.vn" khi phát hành thông tin từ trang này.

Copyright 2013 vca.org.vn - Technology Supported by ECPVietnam