Bình Thuận: Tiếp tục đổi mới, phát triển nâng cao hiệu quả KTTT
Kinh tế tập thể với nòng cốt là các hợp tác xã, tổ hợp tác đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế và ổn định an sinh xã hội, điều này đã được khẳng định trong Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/3/2002 của Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX; Kết luận số 56-KL/TW ngày 21/2/2013 của Bộ Chính trị; Luật Hợp tác xã 2012 và hệ thống các văn bản, nghị quyết liên quan.
Tại Bình Thuận, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả của kinh tế tập thể, các khu vực kinh tế tập thể đang phát triển khá nhanh cả về mặt số lượng và chất lượng với nhiều mô hình mới, cách làm hay; hình thành một số hợp tác xã khởi nghiệp sáng tạo, ứng dụng công nghệ cao, chú trọng giải quyết giải thể hợp tác xã hoạt động kém hiệu quả, tạo điều kiện cho hợp tác xã có quy mô lớn ra đời...

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 13 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản, cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh. Các ngành, các cấp trong tỉnh đã đẩy mạnh học tập, quán triệt và tuyên truyền; qua đó nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân bước đầu có sự chuyển biến, xóa dần hoài nghi do mô hình hợp tác xã kiểu cũ để lại, hiểu rõ hơn vị trí, vai trò của hợp tác xã đối với phát triển kinh tế hộ trong cơ chế thị trường, cũng như trách nhiệm và quyền lợi khi tham gia hợp tác xã. Các cấp ủy, chính quyền địa phương cơ bản hiểu sâu hơn về hình thức tổ chức, nguyên tắc hoạt động của kinh tế tập thể và quan tâm nhiều hơn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện.

Đặc biệt là công tác hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ. Những năm qua, Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Liên minh Hợp tác xã tỉnh và các địa phương tổ chức cho hơn 500 lượt thành viên các Hợp tác xã tập huấn về Phương pháp bảo quản thủy hải sản; tập huấn kỹ thuật sử dụng nấm xanh phòng trừ rầy nâu hại lúa; kỹ thuật lắp đặt hệ thống tưới phun mưa cải tiến kết hợp tưới gốc và tưới cành cho cây thanh long; khai thác thông tin tìm kiếm thị trường và hỗ trợ kỹ thuật sản xuất; tập huấn khai thác thông tin khoa học công nghệ trên internet. Tổ chức cho hơn 300 thành viên Hợp tác xã, Tổ hợp tác về các kỹ thuật Trồng nấm mèo, trồng nấm linh chi, nấm rơm và sản xuất phân hữu cơ từ giá thể trồng, nuôi gà thả vườn kiểu mới cho hiệu quả kinh tế cao; lớp “Xây dựng mô hình sản xuất chế phẩm sinh học Ometar phòng trừ rầy nâu trên lúa tại nông hộ tỉnh Bình Thuận”….
Tính đến cuối năm 2018, toàn tỉnh có 183 hợp tác xã với 47.892 thành viên; tổng vốn hoạt động là 2.472 tỷ đồng, doanh thu bình quân 11,747 tỷ đồng/hợp tác xã, lãi bình quân 241,56 triệu đồng/hợp tác xã, tổng số cán bộ quản lý hợp tác xã 832 người. Trong đó, có 131 hợp tác xã hoạt động ở lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, với tổng vốn hoạt động 225 tỷ đồng, có 5.855 thành viên và 1.500 lao động.
Các hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy đã có những giải pháp sản xuất, kinh doanh hiệu quả, tận dụng tốt các cơ hội tiếp cận các dự án, nguồn vốn để đầu tư, đổi mới công nghệ sản xuất; bước đầu đã liên kết với các doanh nghiệp tin cậy để thu mua sản phẩm nông nghiệp cho nông dân. Nhiều mô hình ứng dụng khoa học công nghệ như: Mô hình sử dụng đèn compact (18 - 20W) thay thế bóng đèn sợi tóc (6075W) cho thanh long ra hoa trái vụ, góp phần làm giảm lượng điện tiêu thụ, tăng thu nhập, tăng diện tích được chong đèn; Mô hình tưới phun mưa cải tiến kết hợp tưới gốc và tưới cành cho cây thanh long tại các Tổ hợp tác thanh long VietGAP xã Hàm Minh, huyện Hàm Thuận Nam; Mô hình liên kết trồng nấm linh chi, nấm rơm và sản xuất phân hữu cơ từ giá thể trồng nấm, tại Hợp tác xã nông nghiệp Lạc Tánh, huyện Tánh Linh… hoạt động ngày càng hiệu quả. Đối với các hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực thương mại, giao thông, xây dựng tổ chức hoạt động ổn định. Các Quỹ tín dụng nhân dân hoạt động khá hiệu quả, luôn giữ tỷ lệ vốn tín dụng an toàn, hoạt động không vượt mức cho phép…
Bên cạnh kết quả đạt được, việc xây dựng chương trình hành động, kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ở các cấp, các ngành vẫn còn nhiều hạn chế. Việc củng cố, phát triển kinh tế tập thể, nòng cốt là hợp tác xã theo các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết số 13-NQ/TW chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra; các hợp tác xã phát triển chậm, thiếu vững chắc, chưa đồng đều giữa các địa phương, giữa các ngành, lĩnh vực. Bên cạnh đó, Kinh tế tập thể còn bộc lộ nhiều yếu kém chưa được khắc phục có hiệu quả; mô hình hợp tác xã kiểu mới chưa nhiều, nhất là thiếu các mô hình hợp tác xã có pháp nhân tham gia thành viên, hợp tác xã tổ chức và hoạt động không giới hạn địa giới hành chính, hợp tác xã kinh doanh tổng hợp đa ngành nghề, hợp tác xã liên doanh - liên kết với các thành phần kinh tế khác... Ngoài ra, phần lớn hợp tác xã có quy mô nhỏ, vốn góp của thành viên là vốn danh nghĩa; việc huy động tăng phần vốn góp của thành viên rất khó khăn, năng lực cạnh tranh kém, hiệu quả thấp nên nảy sinh tư tưởng vào hợp tác xã không có quyền lợi gì…
Với mục tiêu, phát triển hợp tác xã bền vững, góp phần xây dựng xã hội hợp tác, đoàn kết và quản lý một cách dân chủ, góp phần phát triển lực lượng sản xuất, huy động các nguồn lực xã hội vào sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của hợp tác xã, tạo thêm việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, thúc đẩy phân công lao động xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh sẽ thành lập mới 50 hợp tác xã. Có ít nhất 70% hợp tác xã hoạt động có hiệu quả; đồng thời trẻ hóa đội ngũ cán bộ quản lý hợp tác xã, ít nhất có 50% cán bộ hợp tác xã dưới 50 tuổi và có trình độ từ trung cấp trở lên.
Để làm được điều này, trong thời gian tới, tỉnh Bình Thuận sẽ tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các hợp tác xã hiện có, đảm bảo tính chất và nguyên tắc hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012. Rà soát tình hình hoạt động và phát triển kinh tế tập thể của từng địa phương, tập trung xử lý dứt điểm những hợp tác xã yếu kém, ngưng hoạt động và hợp tác xã tổ chức và hoạt động không theo nguyên tắc của Luật Hợp tác xã năm 2012. Đồng thời, khuyến khích phát triển bền vững kinh tế tập thể, nòng cốt là hợp tác xã với nhiều hình thức liên kết, hợp tác đa dạng; nhân rộng các mô hình kinh tế hợp tác hiệu quả; tạo điều kiện cho kinh tế hộ phát triển trên các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp thương mại, dịch vụ, góp phần hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ; bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia; tạo điều kiện từng bước hình thành những tổ hợp nông- công nghiệp- dịch vụ công nghệ cao…
Theo Cổng TTĐT Bình Thuận
Tin liên quan
- Liên minh Hợp tác xã tỉnh Nghệ An thực sự phải là nòng cốt để phát triển kinh tế tập thể
- Nâng cao năng lực vận hành thương mại điện tử cho các hợp tác xã
- VCA hỗ trợ HTX Muối Tuyết Diêm giữ nghề truyền thống, phát triển bền vững theo chuỗi giá trị
- Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo làm việc với HTX Tân Bình, Đồng Tháp
- Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo làm việc với Hội quán tại Đồng Tháp
- Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo làm việc với UBND tỉnh Đồng Tháp về tình hình KTHT, HTX
- Kinh tế hợp tác Hải Phòng: Một năm nhìn lại!
- Cụm Tây Bắc tổng kết tình hình KTHT, HTX và hoạt động Liên minh HTX 7 tỉnh
- Hiệu quả từ mô hình thu gom rác thôn An Lợi ở Quảng Trị
- Ninh Bình: Các cấp ngành vào cuộc phát triển HTX