Cà Mau phát huy hiệu quả mô hình kinh tế tập thể

Nhận thức được tầm quan trọng của kinh tế tập thể (KTTT) mà nòng cốt là hợp tác xã (HTX), thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã không ngừng triển khai nhiều giải pháp phát triển KTTT, từng bước nâng cao năng suất, chất lượng trong sản xuất. Đồng thời, góp phần thực hiện hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh.



Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan (bìa trái) tìm hiểu tình hình hoạt động của mô hình kinh tế tập thể kiểu mới tại Hội quán tôm – rừng Rạch Gốc.

Để hỗ trợ HTX phát triển, tỉnh Cà Mau đã tăng cường thực hiện nhiều chính sách. Trong đó, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Giai đoạn 2013 – 2021, tỉnh đã đào tạo được hơn 6.400 lượt người với tổng kinh phí hơn 4.100 tỷ đồng. Nội dung đào tạo tập trung vào lĩnh vực hoạt động của HTX, các chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa,… góp phần giúp đội ngũ quản lý các HTX có thể học tập và vận dụng hiệu quả vào quá trình sản xuất, kinh doanh của HTX. Bên cạnh đó, từ năm 2018 đến nay, tỉnh còn tiến hành lựa chọn, hỗ trợ các HTX tham gia xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường, giúp các HTX củng cố, kết nối giao thương, tìm được nhiều khách hàng, tăng lượng tiêu thụ và nâng cao giá trị hàng hóa.

Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Dương Vũ Nam, cho biết: “Nhằm hỗ trợ các HTX trên địa bàn tỉnh tăng cường kỹ năng, kiến thức kinh doanh, nhất là trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, chúng tôi đã tổ chức cho các HTX tham gia nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, hội thảo…và triển khai thực hiện theo hướng nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm của tỉnh. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tạo điều kiện cho các HTX tiếp cận với những máy móc, thiết bị công nghệ tiên tiến ứng dụng vào sản xuất, bảo quản sản phẩm thay cho các phương thức sản xuất thủ công. Qua đó, đã có hơn 10 HTX được hỗ trợ đầu tư trang thiết bị hiện đại, tạo ra sản phẩm giá trị cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước. Nhìn chung, những khó khăn, vướng mắc về phát triển KTTT trong thời gian qua đã từng bước được tháo gỡ, góp phần thúc đẩy kinh tế hộ không ngừng phát triển, giải quyết việc làm, tạo thu nhập, ổn định đời sống cho thành viên và người lao động, tăng tích lũy cho HTX một cách hiệu quả”.



Các HTX được đầu tư, hỗ trợ trang thiết bị tiên tiến, góp phần tạo ra sản phẩm có giá trị cao, đủ sức cạnh tranh trên thị trường.

Cùng với đó, các HTX trong tỉnh còn nhận được sự hỗ trợ về khoa học và công nghệ thông qua nhiều đề tài, dự án được triển khai mang lại hiệu quả thiết thực vào quá trình phát triển kinh tế, xã hội của địa phương như: Ứng dụng dụng các quy trình công nghệ mới để nâng cao năng suất chất lượng tôm giống; nuôi tôm thâm canh 03 giai đoạn ứng dụng công nghệ semi-biofloc; được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh hỗ trợ thực hành sản xuất theo tiêu chuẩn GAP và ICM trong sản xuất lúa và ứng dụng vi sinh trong ruộng lúa – tôm,… Ngoài ra, nhằm giúp HTX tháo gỡ khó khăn về vốn, duy trì, mở rộng sản xuất, kinh doanh, năm 2009, tỉnh đã thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển HTX, vốn điều lệ từ ngân sách tỉnh cấp đến nay đạt khoảng 16.500 tỷ đồng, vốn từ thành viên đóng góp đạt hơn 340 triệu đồng. Qua đó, đã hỗ trợ cho trên 180 dự án với tổng dư nợ hơn 40.600 tỷ đồng.

Toàn tỉnh Cà Mau hiện có trên 200 HTX đang hoạt động. Dự kiến, đến cuối tháng 12/2021, vốn điều lệ của các HTX đạt 177,5 tỷ đồng; doanh thu trong HTX đạt 800 triệu đồng/năm; thu nhập bình quân của thành viên HTX, lao động HTX đạt 40 triệu đồng/người/năm. Nhìn chung, nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của tỉnh, các HTX đã từng bước thoát khỏi tình trạng yếu kém, phát huy vai trò, đem lại lợi ích và thu nhập cho thành viên. Một số HTX dần thích nghi được với cơ chế thị trường, ký kết hợp đồng với nhiều đối tác; hình thành được một số HTX kiểu mới theo hướng liên doanh – liên kết trong sản xuất, tiêu thụ hàng hóa cho thành viên, phát huy được vai trò, sức mạnh của đơn vị, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Ông Lê Văn Mưa, Giám đốc HTX Dịch vụ sản xuất Lúa – Tôm Trí Lực, cho biết: “Thời gian qua, nhờ sự quan tâm của tỉnh trong việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ nên đã góp phần giúp HTX của chúng tôi từng bước hoạt động ổn định. Hiện tổng diện tích canh tác lúa tôm của chúng tôi khoảng 900ha và được địa phương tạo điều kiện liên kết chuỗi đầu vào và đầu ra ổn định cho bà con. Tháng 4/2020 vừa qua, chúng tôi đã thành công trong việc đưa hạt gạo ST24 làm nên thương hiệu gạo sạch Hoàng Yến và được UBND tỉnh chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Thời gian tới, chúng tôi rất mong Nhà nước có chính sách khuyến khích hỗ trợ nhiều hơn nữa để thu hút các doanh nghiệp đầu tư, liên kết trong lĩnh vực nông nghiệp. Đồng thời, hỗ trợ HTX vay vốn lãi suất thấp, hỗ trợ đào tạo cho các thành viên tham gia HTX,… nhằm giúp chúng tôi sản xuất, kinh doanh ngày càng đạt được hiệu quả”.



Công tác quảng bá thương hiệu sản phẩm được các HTX thực hiện hiệu quả, góp phần mở rộng ký kết hợp đồng với các đối tác.

Bên cạnh đó, một số HTX trong tỉnh cũng đã đa dạng được hoạt động sản xuất kinh doanh góp phần hỗ trợ kinh tế hộ thành viên phát triển; nhiều Hội đồng quản trị HTX cùng với thành viên và người lao động đã chủ động phát triển sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh mang lại hiệu quả cao. Đồng thời, giải quyết được số lượng lớn lao động nhàn rỗi ở nông thôn, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, giúp đời sống người dân ngày càng ổn định.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử: “Đã qua nhiều thời kỳ, nhiều giai đoạn và cho đến hiện nay chúng ta có thể nói rằng KTTT mặc dù đã có khởi sắc, nhưng cũng cần nhìn nhận đây là một mảng khó trong phát triển kinh – xã hội và cần có cố gắng nhiều hơn nữa. Trong đó, tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng, mở rộng phạm vi hoạt động của các HTX đang hoạt động có hiệu quả, nhất là đối với các HTX sản xuất sản phẩm OCOP của tỉnh; thành lập các HTX mới gắn với xây dựng sản xuất cung ứng sản phẩm theo chuỗi giá trị nhằm thu hút sự tham gia của doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả. Bên cạnh đó, để mô hình KTTT của tỉnh phát triển hiệu quả trong thời gian tới, chúng tôi đã đề nghị UBND các huyện quan tâm đến việc đánh giá, phân loại chất lượng HTX theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhằm kịp thời có chỉ đạo phù hợp; các ngành, các địa phương theo chức năng và nhiệm vụ tiếp tục quan tâm thực hiện lồng ghép các chính sách hỗ trợ cho HTX. Đặc biệt, người đứng đầu các cấp, các ngành có liên quan cần tiếp tục quan tâm đến nhiệm vụ của mình đối với kinh tế tập thể. Trong giai đoạn khó khăn do tác động của dịch Covid – 19 hiện nay, chúng tôi cũng có chỉ đạo các sở, ngành, địa phương đặc biệt quan tâm hỗ trợ HTX tiếp cận, ứng dụng hiệu quả các kênh bán hàng trực tuyến, sàn thương mại điện tử,… nhằm giúp HTX vượt qua khó khăn, ổn định phát triển sản xuất, kinh doanh; đồng thời, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”.

Hồng Nhung/ Cổng thông tin điện tử Cà Mau


Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam

Giấy phép số: 175/GP-TTDT ngày 10 tháng 10 năm 2023 của Cục Phát thanh truyền hình và TTĐT thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông.

Ghi rõ nguồn: "vca.org.vn" khi phát hành thông tin từ trang này.

Copyright 2013 vca.org.vn - Technology Supported by ECPVietnam