Liên minh Hợp tác xã tỉnh Phú Thọ

Cần phát triển đa dạng loại hình Hợp tác xã

Thời gian qua, tỉnh Phú Thọ đã dành nhiều sự quan tâm, khích phát triển kinh tế tập thể (KTTT) , nòng cốt là hợp tác xã (HTX) trong các ngành nghề, lĩnh vực, trong đó ưu tiên xây dựng các mô hình HTX gắn với chuỗi giá trị, gắn với sản phẩm chủ lực của địa phương, chương trình OCOP. Các mô hình HTX đã và đang phát huy hiệu quả trong việc tập trung, khai thác, sử dụng các nguồn lực sẵn có tại địa phương, đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng nông thôn mới. Cần tiếp tục phát triển đa dạng các loại hình HTX đáp ứng nhu cầu phát triển của đời sống, kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Nhằm củng cố và phát triển mô hình HTX, thời gian qua, Liên minh Hợp tác xã tỉnh đã chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tăng cường chỉ đạo, khuyến khích phát triển KTTT đa dạng trên nhiều lĩnh vực, cụ thể hóa thành các mô hình để hoàn thiện, làm cơ sở cho công tác nghiên cứu, học tập, nhân rộng trên địa bàn tỉnh. Từ hiệu quả hoạt động của một số HTX tham gia xây dựng mô hình ban đầu do Liên minh Hợp tác xã tỉnh trực tiếp lựa chọn, tư vấn gồm: HTX mì gạo Hùng Lô, HTX Dịch vụ Nông nghiệp và Điện năng Vĩnh Lại, HTX nông nghiệp Thượng Nông, HTX Sản xuất chế biến chè Phú Thịnh đã tạo ảnh hưởng, góp phần lan tỏa các giá trị tích cực từ mô hình này mang lại, trên cở sở các mô hình đã có, nhiều mô hình HTX mới được thành lập với đa dạng các hoạt động ngành nghề, phát huy hiệu quả tốt.

HTX dịch vụ nông nghiệp và điện năng xã Thạch Sơn, huyện Lâm Thao mở thêm dịch vụ cung cấp thiết bị điện, máy đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động tại HTX

Đối với cây chè, là một cây trồng chủ lực của tỉnh, đã giúp cho người dân ở nhiều địa phương thoát nghèo, xong chất lượng, giá trị của cây chè và các sản phẩm từ chè còn rất lớn, tuy nhiên nếu sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sẽ khó phát triển sản phẩm và tham gia vào thị trường các sản phẩm chè chất lượng cao. Do đó, việc hình thành các HTX sản xuất chế biến chè xanh chất lượng cao đã khai thác thế mạnh một sản phẩm chủ lực của tỉnh, nâng cao giá trị sản phẩm lên gấp nhiều lần, với các HTX như HTX chè Cẩm Mỹ, HTX chè Thành Nam (Thanh Sơn), HTX sản xuất chế biến chè Đá Hen (Cẩm Khê), HTX chè an toàn Long Cốc (Tân Sơn) đang từng bước góp phần xây dựng, khẳng định thương hiệu “chè Phú Thọ”.

Còn trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, các HTX được thành lập trên cơ sở liên kết các hộ sản xuất, kinh doanh nghề truyền thống, thông qua tổ chức HTX đã tập trung được nguồn lực đầu tư đổi mới quy trình, công nghệ sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, từ đó nâng cao thu nhập, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương. Tiêu biểu có thể kể đến các sản phẩm, như: mì gạo (HTX mì gạo Hùng Lô), thịt chua (HTX thịt chua Thanh Sơn), tinh dầu quế (HTX sản xuất và chế biến nông lâm nghiệp Trung Sơn), mít sấy (HTX nông nghiệp và dịch vụ tổng hợp Xuân Phúc Phú Thọ), tương (HTX tương làng Bợ, HTX tương Dục Mĩ).

Ở quy mô thành viên, thị trường lớn hơn, các HTX có thể tham gia hoạt động trong nhiều lĩnh vực, cung cấp đa dịch vụ. Hiệu quả từ các hoạt động ứng dụng cơ giới hóa, cung cấp các dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp của HTX dịch vụ nông nghiệp điện năng Vĩnh Lại, hay hiệu quả từ mô hình dịch vụ cửa hàng điện máy kết hợp dịch vụ quản lý, phân phối điện hạ áp nông thôn, thu gom rác thải của HTX dịch vụ nông nghiệp điện năng Thạch Sơn (H. Lâm Thao), HTX dịch vụ nông nghiệp điện năng Thụy Vân (Tp. Việt Trì) đã chứng minh tính hiệu quả của mô hình HTX nói chung và phát triển HTX theo hướng đa dịch vụ. Thành viên HTX vừa là chủ, vừa là khách hàng tin cậy, ổn định, sử dụng dịch vụ của HTX.

Có thể thấy rằng, HTX đầy đủ khả năng để hình thành và phát triển hiệu quả trong nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống kinh tế xã hội. Tính đến 31/5/2021, toàn tỉnh hiện có 581 HTX, trong đó có 413 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, 71 HTX hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, 39 HTX hoạt động trong lĩnh vực tín dụng (Quỹ tín dụng nhân dân), 8 HTX hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, 9 HTX hoạt động trong lĩnh vực vận tải, 14 HTX hoạt động trong lĩnh vực môi trường, 6 HTX hoạt động trong lĩnh vực thương mại và 21 HTX hoạt động trong các lĩnh vực khác như tư vấn, điện năng, dịch vụ chăm sóc sức khỏe,… Nhiều HTX đang hoạt động hiệu quả với kết quả sản xuất kinh doanh cao như QTDND xã Hùng Lô (Tp. Việt Trì) có doanh thu năm 2020 đạt 28 tỷ đồng, HTX DVNN&ĐN Vĩnh Lại (H. Lâm Thao) có doanh thu năm 2020 đạt 22,6 tỷ đồng, HTX xây dựng thương mại và dịch vụ vận tải nông nghiệp Minh Hòa (H. Hạ Hòa) có doanh thu năm 2020 đạt 15 tỷ đồng, HTX mì gạo Hùng Lô (Tp. Việt Trì) doanh thu năm 2020 đạt 11 tỷ đồng.

Phát triển đa dạng các loại hình HTX là định hướng mở rộng thị trường, khai thác các tiềm năng, thế mạnh của HTX, điều kiện sẵn có của địa phương, đáp ứng nhu cầu thiết thực, phù hợp cho đại đa số thành viên. Từ đó, cũng đặt ra yêu cầu, các HTX phải thường xuyên chăm lo, phát triển thành viên, làm cho thành viên gắn bó lợi ích và trách nhiệm với HTX. Trong thời gian tới, cùng với sự phát triển của kinh tế xã hội chung của tỉnh, nhu cầu về hợp tác, liên kết phát triển kinh tế ngày càng tăng, với những tiềm năng sẵn có về dân cư, các sản phẩm đặc trưng, ngành nghề truyền thống sẽ là điều kiện thuận lợi để tiếp tục hình thành các mô hình HTX mới, do đó, Liên minh Hợp tác xã tỉnh cùng với các cơ quan chức năng của tỉnh cần tiếp tục nghiên cứu, triển khai thực hiện nhiều giải pháp khuyến khích phát triển đa dạng các loại hình HTX, trong đó ưu tiên phát triển ở một số lĩnh vực có điều kiện thuận lợi và nhu cầu cao.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, cần tăng cường vận động thành lập mới HTX nông nghiệp ở các địa bàn, ngành nghề mà các sản phẩm chủ lực còn ít hoặc chưa có HTX; phát triển quy mô thành viên trong các HTX, bảo đảm các địa bàn sản xuất nông nghiệp đều có hộ nông dân tham gia HTX.

Chú trọng phát triển các HTX tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn, tập trung vào mở mang, phát triển các ngành nghề truyền thống, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, sản xuất cơ khí phục vụ nông nghiệp, bảo quản chế biến nông sản, thực phẩm, sản xuất hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu.

Khuyến khích phát triển các mô hình HTX thương mại theo hướng dịch vụ đa ngành nhằm phục vụ tốt nhu cầu sản xuất đồng thời góp phần tiêu thụ nông sản cho nông dân, khuyến khích phát triển các HTX theo hướng kinh doanh tổng hợp (mua bán hàng hóa, gia công chế biến, cung ứng dịch vụ), khuyến khích các HTX tham gia vào hệ thống phân phối hoặc chuỗi kinh doanh của các liên hiệp HTX thương mại hoặc các doanh nghiệp lớn nhằm liên kết để nâng cao khả năng cạnh tranh

Đối với lĩnh vực tín dụng, cần nâng cao khả năng tiếp cận tài chính của thành viên quỹ tín dụng nhân dân, góp phần thực hiện chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phát triển nông nghiệp - nông thôn, xóa bỏ tình trạng cho vay nặng lãi, đảm bảo an sinh xã hội và xóa đói, giảm nghèo bền vững, góp phần thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tập thể, trong đó nòng cốt là các HTX.

Đồng thời, tiếp tục thành lập các HTX, liên hiệp HTX để cung cấp các dịch vụ phục vụ đời sống cho người dân như: vận tải, xây dựng, vệ sinh môi trường nhà ở, y tế, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, du lịch.

Nguyễn Tiến Thanh
Trưởng phòng Hỗ trợ phát triển hợp tác xã


Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam

Giấy phép số: 175/GP-TTDT ngày 10 tháng 10 năm 2023 của Cục Phát thanh truyền hình và TTĐT thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông.

Ghi rõ nguồn: "vca.org.vn" khi phát hành thông tin từ trang này.

Copyright 2013 vca.org.vn - Technology Supported by ECPVietnam