Ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất. Ảnh: Thanh Hương
Dịch COVID-19 ảnh hưởng đến mọi thành phần kinh tế
Theo Liên minh Hợp tác xã (HTX) Việt Nam, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng và tác động tiêu cực đối với tất cả các lĩnh vực, ngành nghề, thành phần kinh tế. Trong đó, 90% tổng số HTX đã giảm mạnh doanh thu và tỉ lệ lớn HTX hoạt động cầm chừng hoặc ngừng hoạt động do đứt gãy chuỗi cung ứng tiêu thụ nông sản và dịch vụ, trong khi chi phí đầu vào lại tăng.
Có những thời điểm, HTX không thể tìm được phương tiện vận tải để vận chuyển sản phẩm, hay thiếu nguồn lao động để phát triển sản xuất kinh doanh.
Trong khi đó, HTX nội lực còn yếu, chưa sẵn sàng nhiều cho việc thích ứng với những thay đổi mang tính khách quan trên việc cải tiến quy trình quản lý, sản xuất, việc áp dụng công nghệ mới hay công cuộc chuyển đổi số đều rất hạn chế.
Cơ sở sản xuất mây tre đan tại Thừa Thiên Huế. Ảnh: Thanh Hương
Từ những lý do khách quan và chủ quan trên, HTX cần chủ động tìm ra hướng đi thích hợp và những giải pháp hữu hiệu để phát triển ổn định, bền vững. Một trong những hướng đi đó là chuyển đổi số trong khu vực HTX nhằm phát huy lợi thế và nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh. Chuyển đổi số sẽ là công cụ phục vụ đắc lực cho nông dân, các doanh nghiệp nhỏ, giúp các HTX sản xuất kinh doanh tốt hơn, bền vững hơn theo xu thế thời đại.
Vực dậy nền kinh tế sau dịch COVID-19
Ông Đặng Văn Chính – Giám đốc HTX CNTT Huế (HueTechCo.op) đã chia sẻ kinh nghiệm về một trong số ít mô hình xây dựng thành công HTX thông minh với việc tích hợp nhiều nhất có thể các hoạt động sản xuất, kinh doanh cả về nông nghiệp lẫn đầu tư công vào cổng thông tin điện tử. “Đây là cơ sở để các doanh nghiệp, người dân có thể tra soát, theo dõi, quản lý, và thực hiện các hoạt động kinh doanh, nhằm chủ động thích ứng với các biến đổi”- ông Chính nêu rõ.
Hiện, HueTechCo.op triển khai trên 50 sản phẩm, dịch vụ ở hơn 20 tỉnh, thành phố, trong đó chú trọng thông tin thông suốt tại Liên minh HTX tỉnh Thừa Thiên Huế. Một số sản phẩm tiêu biểu của HTX này, là: sàn thương mại điện tử kinh tế hợp tác, hệ thống tổng hợp báo cáo, cổng thông tin, hệ thống quản lý hội nhóm, truy xuất nguồn gốc gỗ...
Cũng theo ông Chính, HTX cần chủ động tìm ra hướng đi thích hợp và những giải pháp hữu hiệu để phát triển ổn định, bền vững. Một trong những hướng đi đó là chuyển đổi số trong khu vực HTX nhằm phát huy lợi thế và nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh như trên cơ sở cải tiến các vấn đề trên, tích cực tiếp cận và tăng cường hoạt động cho chuyển đổi số trong từng vấn đề, trong từng quy trình. Các công việc đầu tiên nên thực hiện như số hóa thông tin khách hàng, số hóa thông tin sản phẩm - dịch vụ. Song song với đó là tham gia các sự kiện truyền thông, tích cực quảng bá trên Internet và các mạng xã hội, tham gia các sàn thương mại điện tử như Kinh tế hợp tác (miễn phí), Shopee, Tiki, Lazada, Alibaba, Amazon,..
Tại Phú Yên, HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Đồng Din đã có hướng đi mới trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch COVID-19. Thành lập trong thời kỳ dịch COVID-19 bùng phát, đã tác động nghiêm trọng đến HTX. Bằng nguồn vốn của HTX, ban giám đốc đã chủ động thực hiện không giảm lương hay tăng giờ làm việc, không ép giá thu mua nông sản của bà con tiểu thương, để bảo đảm đầu ra cho hàng hóa và thu nhập cho mọi người.
Dù dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất nhưng cũng là cơ hội để HTX xây dựng lại chu trình sản xuất mới. HTX đã có những sáng kiến trong cung cấp dịch vụ, từ đó mở ra hướng tháo gỡ khó khăn như cung cấp dịch vụ tại nhà, bán hàng trực tuyến qua các trang mạng xã hội, bán hàng online, liên kết với khách hàng mới…
Liên kết theo chuỗi làm giảm chi phí sản xuất, kinh doanh, năng suất, sản lượng tăng kèm theo đó là doanh thu của HTX ngày càng tăng 15 - 20%, lợi nhuận tăng từ 10 - 12%. Liên minh HTX tỉnh còn là cầu nối giúp HTX ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, kết nối cung cầu với tỉnh bạn.
Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức “Diễn đàn kinh tế tập thể, hợp tác xã khu vực miền Trung Tây Nguyên lần thứ nhất, gắn với Năm du lịch Quốc gia Quảng Nam - 2022” từ ngày 18-19.5 tại Quảng Nam nhằm hướng tới xây dựng hành lang pháp lý, môi trường sản xuất kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy kinh tế tập thể, hợp tác xã khu vực miền Trung Tây Nguyên phát triển nhanh và bền vững.
Theo Hà Lê/ CTV Báo Lao Động