Diễn đàn Kinh tế tập thể, HTX khu vực miền Trung - Tây Nguyên lần thứ nhất năm 2022:
Chuyển đổi số giúp các HTX sản xuất kinh doanh tốt hơn, bền vững hơn theo xu thế thời đại
Trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động lớn đối với sản xuất, kinh doanh, đầu tư mở rộng sản xuất của hợp tác xã (HTX), liên hiệp HTX, tổ hợp tác (THT) trên tất cả các lĩnh vực, nhằm thúc đẩy kinh tế tập thể (KTTT), HTX phát triển bền vững, chuyển đổi số là là giải pháp quan trọng và cấp thiết.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Phó Trưởng Ban chỉ đạo đổi mới, phát triển KTTT, HTX phát biểu kết luận tại Diễn đàn
Chuyển đổi số là một nội dung được nhấn mạnh nhiều lần trong phát biểu kết luận của đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Phó Trưởng Ban chỉ đạo đổi mới, phát triển KTTT, HTX tại Diễn đàn KTTT, HTX khu vực miền Trung - Tây Nguyên, lần thứ nhất, năm 2022 diễn ra tại Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam sáng ngày 18/5.
Theo Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam: Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã xác định chuyển đổi số là động lực phát triển. Chính phủ đã huy động nhiều nguồn lực, dành nhiều ngân sách phục vụ cho chuyển đổi số quốc gia và coi chuyển đổi số, phát triển kinh tế số là động lực tăng trưởng chính giúp Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.
Quang cảnh Diễn đàn Kinh tế tập thể, HTX khu vực miền Trung - Tây Nguyên lần thứ nhất năm 2022
Trong khu vực KTTT, HTX nói chung và khu vực KTTT, HTX khu vực miền Trung Tây Nguyên nói riêng, các HTX, liên hiệp HTX, THT trên tất cả các lĩnh vực đều chịu ảnh hường nặng nề trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. 90% tổng số HTX đã giảm mạnh doanh thu và tỉ lệ lớn HTX hoạt động cầm chừng hoặc ngừng hoạt động do đứt gãy chuỗi cung ứng tiêu thụ nông sản và dịch vụ, trong khi chi phí đầu vào lại tăng. Trong khi các HTX nội lực còn yếu, chưa sẵn sàng cho việc thích ứng với những thay đổi mang tính khách quan trên việc cải tiến quy trình quản lý, sản xuất, việc áp dụng công nghệ mới hay công cuộc chuyển đổi số đều rất hạn chế.
“Từ những lý do khách quan và chủ quan đó, các HTX cần chủ động tìm ra hướng đi thích hợp và những giải pháp hữu hiệu để phát triển ổn định, bền vững. Một trong những hướng đi đó là chuyển đổi số trong khu vực HTX nhằm phát huy lợi thế và nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh. Chuyển đổi số sẽ là công cụ phục vụ đắc lực cho nông dân, các doanh nghiệp nhỏ, giúp các HTX sản xuất kinh doanh tốt hơn, bền vững hơn theo xu thế thời đại. Bên cạnh đó, trong thời gian tới các thành viên HTX sẽ được đào tạo về chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh và chính các thành viên này sẽ trở thành giảng viên đào tạo chính các HTX trong khu vực”. Đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Lê Văn Nghị: Chuyển đổi số là đòn bẩy quan trọng, tạo ra những cơ hội giúp khu vực KTTT, HTX phát triển.
Cùng nhận định vai trò quan trọng của chuyển đổi số, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Lê Văn Nghị cho rằng: Chuyển đổi số là đòn bẩy quan trọng, tạo ra những cơ hội giúp khu vực KTTT, HTX phát triển. Chuyển đổi số trong KTTT, HTX là số hóa quá trình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, ứng dụng công nghệ, để truy xuất nguồn gốc, sử dụng thương mại điện tử, để tăng hiệu quả kinh doanh, sử dụng các công nghệ thanh toán điện tử nhanh, gọn, chính xác..., từ đó giúp các HTX, THT ngày càng gia tăng năng lực cạnh tranh. Như vậy, chuyển đổi số là giải pháp, là cơ hội cho khu vực KTTT nói riêng, cho các địa phương và đất nước Việt Nam chuyển mình, cất cánh thành một quốc gia hùng cường.
Đồng chí Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam phát biểu tại Diễn đàn
Thông tin tại Diễn đàn về tình hình phát triển KTTT, HTX ở Quảng Nam, đồng chí Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: Từ khi Nghị quyết 13-NQ/TW ra đời, so với 20 năm trước, HTX trên địa bàn tỉnh đã thay đổi với diện mạo mới. Các hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX ngày cang đa dạng. Hiện nay, nhiều HTX đã đầu tư trang thiết bị hiện đại để tổ chức sản xuất, mở rộng ngành nghề, tăng thu nhập và tạo dựng niềm tin với xã hội về mô hình HTX.
“Tuy nhiên trong xu hướng hội nhập quốc tế và cách mạng công nghệ 4.0, khu vực KTTT không thể đứng ngoài cuộc trong chuyển đổi số. Đây là thời cơ và cũng là thách thức mà các HTX cần nhận diện để tham gia chủ động, tích cực vào quá trình chuyển đổi số quốc gia”. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chia sẻ tại Diễn đàn.
Lê Huy - Quang Trung
Tin liên quan
- Thành lập Ban Chỉ đạo “Diễn đàn Kinh tế tập thể, HTX khu vực miền Trung - Tây Nguyên, lần thứ nhất - 2022”, gắn với năm du lịch Quốc gia tỉnh Quảng Nam - 2022
- Thành lập Ban Tổ chức và các Tỉểu ban Diễn đàn Kinh tế tập thể, HTX khu vực miền Trung - Tây Nguyên, lần thứ nhất - 2022”, gắn với năm du lịch Quốc gỉa tỉnh Quảng Nam - 2022
- Thành lập Hội đồng Giám khảo Hội thi HTX tiêu biểu khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2022
- Kế hoạch Tổ chức Diễn đàn kinh tế tập thể, HTX khu vực miền Trung - Tây Nguyên, lần thứ nhất, gắn với Năm Du lịch Quốc gia Quảng Nam -2022
- Chuyển đổi số trong khu vực HTX nhằm phát huy lợi thế và nâng cao hiệu quả hoạt động SXKD trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19 và thời đại công nghiệp 4.0
- HTX Sáu Nhung - Nâng cao năng lực hiệu quả hoạt động kinh tế tập thể HTX thích ứng thời đại công nghệ 4.0
- Kinh tế tập thể phát triển với nhiều hình thức hợp tác đa dạng, trong đó hợp tác xã là nòng cốt
- Tiềm năng, lợi thế của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã
- Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho cán bộ quản lý hợp tác xã
- Giải pháp nâng cao hiệu quả, phát triển sản xuất trong thời kỳ dịch Covid-19 và đổi mới, ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số, liên kết sản xuất theo chuổi giá trị