Liên minh Hợp tác Việt Nam:
Chuyển giao khoa học công nghệ cho HTX sản xuất, chế biến hoa hồi đáp ứng yêu cầu xuất khẩu
Cây Hồi không chỉ có ở Lạng Sơn mà còn được trồng ở một số tỉnh miền núi phía Bắc của nước ta như Cao Bằng, Bắc Kạn, Quảng Ninh… Tuy nhiên, do được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu và thổ nhưỡng, sản phẩm Hoa Hồi Lạng Sơn vẫn được đánh giá là sản phẩm có chất lượng tốt nhất, hàm lượng tinh dầu cao. Hồi được trồng rải rác tại hầu hết các huyện và nhiều nhất là tại các huyện: Văn Quan, Bình Gia, Văn Lãng, Lộc Bình, Cao Lộc với tổng diện tích hơn 35.000 ha, chiếm trên 70% diện tích hồi cả nước.
Chỉ dẫn địa lý hoa hồi Lạng Sơn đã được công nhận và bảo hộ tại Liên minh châu Âu theo Hiệp định Thương mại tự do châu Âu - Việt Nam năm 2020. Huyện Văn Quan là nơi có diện tích hồi lớn nhất tỉnh Lạng Sơn, với trên 14.000 ha, phân bố đều khắp trên địa bàn. Năm 2020, sản lượng hồi ước đạt từ 27.000 - 30.000 tấn hồi tươi, thu nhập từ hồi trên địa bàn ước đạt khoảng 600 đến 700 tỷ đồng. Thị trường tiêu thụ sản phẩm hồi chủ yếu là thị trường trong nước và xuất khẩu, tập trung vào một số nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Indonesia, Anh, Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Đức…
Ông Hà Thành Trung - Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Lạng Sơn cho biết: Cây hồi đã góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế đồng bào dân tộc tỉnh Lạng sơn, tuy nhiên, các sản phẩm hồi được người dân thu lượm, hái trồng bán tươi và cũng chỉ dừng ở mức sơ chế, bán quả khô cho thương lái nên giá trị kinh tế chưa cao. Hình thức sơ chế của người dân vẫn theo phương pháp thủ công, truyền thống là ủ sau đó phơi nắng không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, hao hụt tinh dầu nhiều, hiệu quả kinh tế không cao, mẫu mã không đẹp, tốn nhiều công và phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết,… điều này đã làm giảm giá trị của sản phẩm hoa hồi của địa phương.
Xuất phát từ thực tế đó, Liên minh HTX tỉnh Lạng Sơn đã phối hợp với Trung tâm Khoa học Công nghệ và Môi trường thực hiện nhiệm vụ “Nghiên cứu ứng dụng và chuyên giao công nghệ sấy bơm nhiệt xây dựng mô hình sơ chế, bảo quản sản phẩm hoa hồi đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu”, đây là nhiệm vụ thực hiện theo đặt hàng của Liên minh HTX Việt Nam từ nguồn ngân sách sự nghiệp khoa học và công nghệ.
Các cán bộ khoa học của Trung tâm KHCN & MT, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã tiến hành nghiên cứu hoàn thiện công nghệ sơ chế và sấy sản phẩm hồi đạt chất lượng cao, phù hợp với quy mô HTX, đáp ứng các điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm và kéo dài tuổi thọ sản phẩm hoa hồi phục vụ xuất khẩu sang các thị trường khó tính. Bên cạnh đó, Trung tâm KHCN và MT cũng phối hợp với Liên minh HTX tỉnh Lạng Sơn hỗ trợ chuyển giao công nghệ và xây dựng mô hình điển hình về quy trình sản xuất chế biến sản phẩm hồi cho HTX Hoàng Gia tại thôn Nà Dảo, xã Khánh Khê, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn làm cơ sở tuyên truyền phổ biến, nhân rộng.
Phơi, sấy hoa hồi truyền thống
Qua khảo sát nghiên cứu các điều kiện thực tế sản xuất, Trung tâm KHCN&MT đã xây dựng phương án hỗ trợ chuyển giao công nghệ và chuẩn hóa quy trình sản xuất cho HTX Hoàng Gia gồm những nội dung như: hoàn thiện quy trình sấy hoa hồi bằng thiết bị sấy bơm nhiệt; Xây dựng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn ISO 22000 - Hệ thống quản lý An toàn thực phẩm, tiêu chuẩn ISO 14001- Hệ thống quản lý chất lượng môi trường và hỗ trợ xây dựng tem truy suất nguồn gốc sản phẩm. Sau 6 tháng phối hợp triển khai tại HTX, đến nay, sản phẩm của HTX Hoàng Gia đã được chứng nhận đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ, thị trường các nước A rập và Châu Âu.
Tại buổi lễ nghiệm thu và bàn giao các hạng mục công việc đã triển khai hỗ trợ cho HTX Hoàng Gia có Ông Hà Thành Trung - Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Lạng Sơn; Bà Nguyễn Thị Hoà, Phó Tổng Giám đốc và các cán bộ Trung tâm KHCN&MT, Liên minh HTX Việt Nam. Ông Nguyễn Tuấn Dương , chủ tịch HĐQT kiêm giám đốc HTX cho biết, do HTX mới được thành lập nên còn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là về công nghệ chế biến và quy trình quản lý kỹ thuật, ... Vì vậy, sự hỗ trợ của Trung tâm Khoa học Công nghệ và Môi trường là rất hữu ích, mở ra cơ hội cho HTX được tiếp cận với công nghệ và quy trình sản xuất tiên, sản phẩm đã đủ điều kiện để xuất khẩu sang nhiều thị trường mới. Ngoài ra, sản phẩm của HTX cũng đã được Trung tâm hỗ trợ gắn tem truy suất nguồn gốc nên đã mang lại niềm tin cho khách hàng đồng thời chống được hiện tượng hàng giả, hàng nhái.
Nghiệm thu, bàn giao tại HTX Hoàng Gia
Ông Hà Thành Trung - Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Lạng Sơn chia sẻ: HTX Hoàng Gia hiện nay là HTX duy nhất hoạt động trong lĩnh vực thu mua, sơ chế hoa Hồi trên địa bàn tỉnh, vì vậy hoạt động sản xuất của HTX đã tạo điều kiện cho thành viên HTX và cộng đồng dân cư tại xã Khánh Khê nói riêng và trên địa bàn huyện Văn Quan nói chung yên tâm phát triển sản xuất sản phẩm hoa Hồi, góp phần giảm nghèo và phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn. Ông Trung cũng đề nghị Trung tâm KHCN&MT - Liên minh HTX Việt Nam, tiếp tục quan tâm hỗ trợ cho HTX Hoàng Gia về Công nghệ chế biến, bảo quản để HTX hoàn thiện được quy trình sơ chế, chế biến và bảo quản hoa Hồi xuất khẩu.
CTV Hoàng Hoa
Tin liên quan
- Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo chủ trì hội nghị giao ban đánh giá công tác 4 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ công tác tháng 5
- Bắc Giang: Nâng lợi nhuận, thuận đầu ra
- VCA: Hội thảo về phát triển HTX theo Luật HTX năm 2012
- VCA hỗ trợ HTX diêm nghiệp Doanh Điền ở miền đất cực Nam phát triển theo chuỗi giá trị
- Hoạt động kỷ niệm 25 năm ngày thành lập Liên minh HTX Việt Nam
- [ẢNH]: Lễ ký chương trình phối hợp giữa MTTQ với các đoàn thể, hiệp hội
- Không khí Tết sớm của người Mông ở Pà Cò
- VCA ủng hộ đồng bào lũ lụt
- Đại hội V Liên minh Hợp tác xã Thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2017-2022
- Chủ tịch công tác Liên minh Hợp tác xã tỉnh Thanh Hóa