Bình Xuyên (Vĩnh Phúc):
Chuyển hướng sản xuất nông nghiệp, nhất là trồng trọt sang sản xuất hàng hóa
Bình Xuyên là huyện trọng điểm phát triển công nghiệp của tỉnh nên diện tích đất sản xuất nông nghiệp ngày càng được thu hẹp để ưu tiên dành đất cho phát triển công nghiệp. Trước thực trạng này, việc chuyển hướng sản xuất nông nghiệp, nhất là trồng trọt sang sản xuất hàng hóa, ứng dụng khoa học công nghệ để gia tăng giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích đang là giải pháp quan trọng được huyện Bình Xuyên triển khai nhằm duy trì ổn định, tăng trưởng cho sản xuất nông nghiệp.
Nhắc tới trồng trọt hàng hóa trên địa bàn huyện Bình Xuyên không thể không nhắc tới các mô hình sản xuất do Hợp tác xã dịch vụ Nông nghiệp Nhân Lý (Phú Xuân) triển khai trong thời gian qua.
Với tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp gần 150ha của gần 2.500 thành viên, HTX tổ chức làm 6 tổ sản xuất triển khai trồng lúa hai vụ chính và các cây màu vụ đông như ớt, khoai tây, cà chua, dưa chuột…
Đối với cây lúa, 100% diện tích trồng lúa của HTX là cây lúa hàng hóa. Hiện nay về cơ bản các khâu từ làm đất, gieo mạ, cấy lúa, thu hoạch…của HTX đều được ứng dụng cơ giới hóa, đưa máy móc vào thay thế dần sức lao động chân tay.
Bên cạnh đó, quy trình sản xuất được giám sát chặt chẽ từ các cơ quan chuyên môn và chính cách thành viên để đảm bảo chất lượng theo cam kết. Toàn bộ sản lượng lúa được HTX đứng ra bao tiêu với giá ổn định, các thành viên chỉ cần tập trung sản xuất, nâng cao chất lượng mà không cần bận tâm tới biến động của thị trường.
Nhờ vậy năng suất, chất lượng lúa do HTX sản xuất ngày càng tăng lên, có những vụ sản lượng đạt hơn 7 tấn/ha, góp phần đưa thu nhập trung bình của các thành viên trong HTX đạt mức khoảng 60 triệu đồng/người/năm.
Để có được kết quả trên, ngoài nỗ lực, quyết tâm của đội ngũ lãnh đạo HTX và bản thân các thành viên là sự hỗ trợ không nhỏ từ các cơ quan chuyên môn, các cấp chính quyền trong quy hoạch vùng sản xuất; hỗ trợ vốn vay ưu đãi; chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật; xây dựng, quảng bá thương hiệu…
Cách làm này cũng đang được huyện Bình Xuyên chỉ đạo triển khai tại nhiều xã, thị trấn khác trên địa bàn để từng bước mở rộng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, đa dạng các sản phẩm nông nghiệp, nâng cao giá trị sản xuất cho người nông dân.
Cùng với đó, huyện tập trung hoàn thiện quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp dựa trên tiềm năng, lợi thế thế mạnh, cũng như địa hình, khí hậu thổ nhưỡng, tập quán sản xuất của từng vùng miền trên cơ sở đó định hướng các sản phẩm nông nghiệp phù hợp.
Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hỗ trợ người dân duy trì ổn định diện tích sản xuất, không bỏ hoang hóa đồng ruộng; tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật đưa cơ giới vào sản xuất để giảm sức lao động, năng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, gia tăng giá trị kinh tế.
Xây dựng, nhân rộng các mô hình liên kết chuỗi từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; đảm bảo chất lượng hàng hóa gắn với đáp ứng nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng, mở rộng diện tích các loại cây trồng có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao.
Thực hiện đầy đủ, hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ của trung ương, của tỉnh với sản xuất nông nghiệp nói chung và trồng trọt nói riêng. Chỉ tính trong năm 2021, huyện Bình Xuyên đã phối hợp với các đơn vị chức năng của tỉnh hỗ trợ giống lúa chất lượng cao cho gần 2.900 ha diện tích sản xuất.
Hỗ trợ sản xuất rau ăn lá theo hướng hữu cơ cho diện tích sản xuất gần 120 ha tại 11 xã, thị trấn. Hỗ trợ sản xuất rau, quả theo tiêu chuẩn VietGap vụ Đông Xuân được gần 300 ha, với các loại cây trồng như dưa chuột, khoai tây, bí đỏ, rau ăn lá các loại, tăng hơn 70 ha so với cùng kỳ vụ sản xuất năm trước, tăng hiệu quả kinh tế mỗi ha lên 30-40 triệu đồng so với cây trồng truyền thống là cây ngô…
Phó phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Bình Xuyên Nguyễn Thị Ninh cho biết: Sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Bình Xuyên trong thời gian tới được dự báo sẽ đối diện với nhiều khó khăn, thách thức hơn, bên cạnh những khó khăn về thời tiết, thiên tai, thị trường là việc diện tích đất sản xuất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, thiếu hụt lao động…
Do đó, để duy trì tăng trưởng sản xuất, phát triển nông nghiệp hàng hóa, huyện định hướng tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đưa cơ giới vào sản xuất để giải quyết vấn đề lao động.
Quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa tập trung; xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao với các loại cây trồng mới năng suất, hiệu quả kinh tế từ đó nhân rộng ra các địa phương khác trong huyện.
Thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp; đồng thời tăng cường quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ, đảm bảo ổn định đầu ra sản phẩm, từ đó tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích, nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Bài, ảnh: Nguyễn Khánh/CTV báo Vĩnh Phúc
Tin liên quan
- Những thách thức của nông dân Quảng Trị trong thực hiện công nghệ 4.0
- Bạc Liêu: Thành lập các HTX nuôi tôm công nghệ cao
- Nhân rộng mô hình hợp tác xã 4.0
- Vai trò của khoa học và công nghệ đối với phát triển của khu vực KTHT, HTX
- Các HTX Dược liệu tham gia hội nghị hợp tác chuyển giao công nghệ y dược cổ truyền Việt Nam, Trung Quốc
- Hệ sinh thái truy xuất nguồn gốc và sàn giao dịch điện tử hỗ trợ xuất khẩu nông sản cho các HTX
- Phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC ở Sơn La: Đổi mới tư duy, đẩy mạnh liên kết
- HTX dịch vụ và sản xuất rau an toàn Tùng An (Thanh Hóa): Tiên phong trong triển khai mô hình nông nghiệp công nghệ cao
- Người Bahnar ở Ayun liên kết sản xuất lúa nước theo hướng VietGAP
- Máy sục khí Venturi cải tiến