Dây thìa canh hợp đất Hải Lộc
So với cây lúa, ngô và một số cây trồng khác, cây dây thìa canh mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 3 - 4 lần.
Là một trong những hộ đầu tiên của xã trồng loại cây dược liệu này, bà Nguyễn Thị Muôn (xóm 4, Hải Lộc) cho hay, gia đình bà trồng dây thìa canh đã 10 năm nay. Hiện, đang canh tác gần 1 mẫu.
Theo bà Muôn, đây là cây loại dược liệu dễ trồng, dễ chăm sóc, ít sâu bệnh, sức sống dai; trồng 1 lần có thể thu hoạch trên 10 năm. Mỗi năm cho thu hoạch 3 - 4 vụ. Thu hoạch đến đâu, cho vào máy chém rồi phơi hoặc sấy khô luôn đến đó.
Bà nhẩm tính, với diện tích 8 sào, mỗi năm gia đình thu hoạch được khoảng 3 tấn dây thìa canh thành phẩm (đã phơi khô). Giá bán dao động từ 32.000 - 35.000đ/kg, tùy vào từng thời điểm. Toàn bộ sản phẩm được bán cho thương lái tự do.
“Trồng dây thìa canh không phải mất công sức nhiều. Hiệu quả kinh tế cao hơn so với cây lúa, ngô... từ 3 - 4 lần”, bà Muôn nói.
Chia sẻ về cách trồng dây thìa canh, bà Muôn bảo, khi xuống giống phải lựa chọn những hạt giống tốt nhất, chắc mẩy, kích thước dài. Sau đó, ươm hạt vào các bầu đất trong môi trường thích hợp.
Cây dây thìa canh là loài cây thân thảo, một dược liệu quý hiếm giúp phòng ngừa và hỗ trợ điều trị các bệnh tiểu đường, mỡ máu.
Bên cạnh đó, khâu làm đất cũng hết sức quan trọng. Đất được băm nhỏ, để hả hơi, phơi 2 - 3 nắng rồi kéo luống. Mỗi luống cách nhau từ 1,3 - 1,5m để cây có thể hứng ánh nắng mặt trời được nhiều nhất và tạo thuận lợi cho việc chăm sóc, đi lại.
Giàn leo được dựng từ những cột bê tông cao hơn 1m và buộc với lưới thép. Có như vậy, mới không bị mưa bão quật đổ. Hệ thống thoát nước hợp lý, bởi đặc tính của cây này không ưa trũng, ngập úng.
Nhằm giúp dây thìa canh sinh trưởng, phát triển tốt, gia đình bà Muôn chủ yếu bón phân chuồng đã ủ hoai mục, nguồn nước sạch sẽ… Bà Bảo, mọi quy trình sản xuất đều được thực hiện theo hướng an toàn, đảm bảo sức khỏe.
Còn ông Trần Văn Bộ (xóm 8, xã Hải Lộc) chia sẻ, do trồng lúa không hiệu quả, lại vất vả nên gia đình ông đã chuyển sang mô hình trồng dây thìa canh từ năm 2015. Nói chung, mô hình đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình.
Dẫn chúng tôi đi tham quan mô hình trồng dây thìa canh của gia đình, ông Bộ thổ lộ, mùa nắng cây sinh trưởng, phát triển tốt hơn nên sẽ cho thu hoạch nhanh hơn. Từ khoảng tháng 10 dương lịch trở đi, khi thời tiết chuyển sang dịu mát thì cây sẽ phát triển chậm lại.
Theo tính toán của ông Bộ, trung bình 1 sào dây thìa canh thu được 3 - 4 tạ thành phẩm. Sản phẩm được bán cho HTX trồng cây dược liệu Hải Lộc với mức giá 35.000đ/kg.
Tuy nhiên, dịp nào xuống giá, không đảm bảo lợi nhuận, ông Bộ thu hoạch xong rồi phơi khô, chờ thị trường ổn định lại mới xuất bán.
Với diện tích 3 sào, sau khi trừ chi phí, một năm gia đình ông thu về từ 40 - 50 triệu đồng. “Tính ra, dây thìa canh cho thu nhập gấp nhiều lần so với cây lúa, ngô và một số cây dược liệu khác…”, ông Bộ nhấn mạnh.
Trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo UBND xã Hải Lộc bộc bạch, mô hình trồng cây dây thìa canh tại địa phương đã có 10 năm nay. Đây là loại cây cho thu nhập cao. Lợi nhuận gấp 3 - 5 lần so với trồng lúa và một số cây khác.
Thống kê, hiện toàn xã đang trồng hơn 10ha loại cây dược liệu này. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là bán cho thương lái tự do và HTX trồng cây dược liệu Hải Lộc.
“Thời gian tới, địa phương giữ nguyên diện tích đã trồng để quản lí cho tốt và khuyến cáo người dân không mở rộng diện tích, không trồng ồ ạt”, vị này cho biết thêm.
Với các ưu điểm dễ trồng, ít công chăm sóc, chi phí đầu vào thấp và nhanh cho thu hoạch, nên dây thìa canh đang được nhiều người dân trên địa bàn một số xã của huyện Hải Hậu trồng.
Mới đây, huyện Hải Hậu có thêm 26 sản phẩm của 14 cơ sở sản xuất đăng ký xây dựng thành sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Trong đó, có sản phẩm dây thìa canh sấy khô của HTX trồng cây dược liệu Hải Lộc
Tin liên quan
- Xử lý tài sản khi hợp tác xã giải thể
- Thông tư 24/2017/TT-BTC hướng dẫn chế độ kế toán HTX, Liên hiệp HTX
- Nghị định 77/2019/NĐ-CP của Chính phủ: Nâng cao vị thế tổ hợp tác
- Ngân hàng Nhà nước ghi nhận kiến nghị của quỹ tín dụng nhân dân
- Nghị định mới về tổ hợp tác có hiệu lực kể từ ngày 25/11/2019
- Thống nhất miễn lệ phí môn bài đối với hợp tác xã nông nghiệp
- Hướng dẫn phân loại và đánh giá hợp tác xã
- Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp cần nộp những loại thuế gì?
- Mẫu Biên bản hủy hóa đơn không sử dụng hoặc in thừa
- Hà Nội hướng dẫn thủ tục đăng ký thành lập hộ kinh doanh, hợp tác xã