Định hướng nâng cao hiệu quả hoạt động Qũy hỗ trợ phát triển HTX

Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX, sau gần 10 năm hoạt động đã có nhiều đóng góp thiết thực cho phong trào phát triển kinh tế hợp tác, HTX.

Đến hết năm 2017, ngoài Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX do Thủ tướng Chính phủ thành lập, gọi tắt là Quỹ Trung ương với vốn điều lệ 100 tỷ đồng. Tính đến 31/12/2016, nguồn vốn hoạt động của Quỹ đạt 135,86 tỷ đồng. Trong 03 năm từ 2013-2016, Quỹ đã tiếp nhận và chủ động đi khảo sát 98 dự án tại 34 tỉnh, thành phố; đã ký hợp đồng giải ngân cho vay 41 dự án tại 23 tỉnh, thành phố với số tiền 99.248 triệu đồng, dư nợ cuối năm 2016 đạt 88.886 triệu đồng. Riêng năm 2016, Quỹ cho vay 21 dự án, giải ngân với số tiền đạt 40 tỷ đồng; tổng dư nợ cho vay là 90 tỷ đồng. Quỹ đã tập trung chú trọng cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, miền núi; các HTX phát triển chuỗi giá trị sản phẩm, hàng hóa chủ lực có quy mô lớn và sức lan tỏa, các HTX sản xuất nông sản an toàn Việt Nam (cho vay lĩnh vực nông nghiệp chiếm 36,58%; phát triển chuỗi giá trị sản phẩm, hàng hóa chủ lực chiếm tỷ trọng 21,9%; khu vực miền núi và Tây Nguyên chiếm tỷ trọng 43,9%; các HTX làm hạt nhân thành lập liên hiệp HTX chiếm tỷ trọng 17%).[1]

Cả nước, đã có 47 Quỹ hỗ trợ phát triển HTX (Quỹ địa phương) được thành lập với tổng số vốn hoạt động là 1.470.509 triệu đồng. Việc ra đời và đi vào hoạt động của Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX đã tạo thêm một kênh hỗ trợ về vốn đối với các HTX, liên hiệp HTX. Các HTX sau khi vay vốn tại Quỹ đã tăng trưởng đáng kể về quy mô và hiệu quả sản xuất kinh doanh: doanh thu, lợi nhuận sau thuế tăng bình quân 50% - 60%; số thành viên tăng bình quân 4%; số lao động tăng bình quân 37%; thu nhập bình quân tăng 35%; số nộp ngân sách tăng bình quân 74%. Hoạt động của các Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu ngành nghề trong khu vực kinh tế tập thể, giúp các đơn vị vay vốn tăng quy mô hoạt động, doanh thu, lợi nhuận cho HTX, tổ hợp tác, thành viên và người lao động, tạo công ăn việc làm, thúc đẩy phát triển và thành lập mới các HTX, tổ hợp tác, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo…

Về cơ bản, các HTX sau khi vay vốn của Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX đều phát triển tốt. Các dự án đầu tư phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội, nâng cao sức cạnh tranh, mang lại lợi nhuận cao cho các HTX; thu nhập cho thành viên, người lao động tăng lên và tạo thêm nhiều việc làm mới, đặc biệt cho lao động ở nông thôn; đóng góp vào việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, xoá đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội; góp phần thúc đẩy phát triển ngành nghề có thế mạnh ở các vùng, địa phương… Tuy nhiên, nguồn vốn ban đầu được ngân sách nhà nước cấp cho Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX ở Trung ương rất ít, chỉ có 100 tỷ đồng, trong khi nhu cầu vay vốn hàng năm của các HTX lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng. Đến hết năm 2016, Quỹ đã giải ngân cơ bản hết nguồn vốn cho vay, đầu năm 2017, Quỹ không còn nguồn vốn để cho vay hỗ trợ cho các HTX, liên hiệp HTX; nhu cầu vay vốn lưu động, bảo lãnh tín dụng và hỗ trợ lãi suất sau đầu tư của các HTX, liên hiệp HTX là rất cấp thiết để phát triển sản xuất kinh doanh, trong khi Quỹ chỉ cho vay đầu tư, thủ tục vay vốn theo quy định còn chặt chẽ, phức tạp...

Bên cạnh kết quả đạt được, nhìn chung, hoạt động của các Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX còn nhiều hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng được nhu cầu rất lớn và đa dạng về vốn phát triển sản xuất kinh doanh của các HTX, liên hiệp HTX. Điển hình là chưa có hành lang pháp lý thống nhất cho việc thành lập và tổ chức hoạt động của các Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX ở địa phương dẫn đến mỗi nơi tùy điều kiện cụ thể có cách làm khác nhau, chưa huy động được các nguồn lực trên thị trường. Hoạt động của các Quỹ chủ yếu dựa vào nguồn ngân sách của các tỉnh, thành phố còn khó khăn; nguồn vốn đóng góp của các cơ sở kinh tế hợp tác, HTX còn thấp, nên nguồn vốn hoạt động cho các Quỹ nhìn chung còn rất hạn chế so với nhu cầu rất lớn và đa dạng của khu vực HTX. Cơ chế cho vay, phạm vi, phương thức và giới hạn cho vay còn bất cập và không thống nhất. Quy mô nguồn vốn nhỏ nên cơ sở vật chất của các Quỹ, trang thiết bị, phương tiện và điều kiện làm việc còn nhiều hạn chế. Chưa liên kết hệ thống với các Quỹ khác từ Quỹ Trung ương đến Quỹ các tỉnh, thành phố, nên chưa phát huy được sức mạnh toàn hệ thống trong việc tương trợ lẫn nhau, điều hòa vốn… Vì vậy, dễ gây ra rủi ro và tâm lý không yên tâm cho người thực thi; chưa có sự liên kết hệ thống để hỗ trợ, bổ sung cùng phát triển; cơ chế còn nặng tính bao cấp, khả năng huy động vốn hạn hẹp trong khi các HTX rất khó tiếp cận các tổ chức tín dụng.

Chi tiết bài viết xin file đính kèm

Ông Nguyễn Văn Tiến
Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp - Nông thôn, Ban Kinh tế Trung ương


Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam

Giấy phép số: 175/GP-TTDT ngày 10 tháng 10 năm 2023 của Cục Phát thanh truyền hình và TTĐT thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông.

Ghi rõ nguồn: "vca.org.vn" khi phát hành thông tin từ trang này.

Copyright 2013 vca.org.vn - Technology Supported by ECPVietnam