Liên minh Hợp tác xã tỉnh Hòa Bình:

Giải pháp phát triển chuỗi giá trị nông sản giúp HTX phát triển nhanh và bền vững

Phát triển kinh tế tập thể, HTX là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các Bộ, ngành trung ương, địa phương, sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị; cùng với sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của thành viên, người lao động, khu vực kinh tế tập thể, HTX đã đạt được nhiều thành tựu, góp phần tạo sự thay đổi tích cực diện mạo, đời sống vật chất, tinh thần của người dân, trong đó có đóng góp quan trọng của các HTX ứng dụng công nghệ cao, sản xuất gắn với chuỗi giá trị sản phẩm.

Xác định nhóm nông, lâm, thủy sản là nhóm mặt hàng có vị trí quan trọng trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của tỉnh. Thời gian qua, các cấp, các ngành, Liên minh HTX tỉnh đã xây dựng, triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại qua các hội nghị, hội chợ, diễn đàn tăng cường kết nối, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng thương hiệu, phát triển sản phẩm chủ lực, đặc trưng của địa phương. Dưới sự chỉ đạo của tỉnh, nỗ lực hỗ trợ sản xuất từ các cơ quan chuyên môn và địa phương; sự chủ động của doanh nghiệp, hợp tác xã và sự cần cù, sáng tạo của người sản xuất, một số sản phẩm chủ lực cũng đã được xuất khẩu đem lại lợi nhuận cao như Bưởi đỏ Tân Lạc, Bưởi Diễn Yên Thủy, Bưởi diễn Lương Sơn, mía tươi Lạc Sơn, nhãn Sơn Thủy, cam Cao Phong, ớt muối  chua thành phố Hòa Bình…

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, khu vực HTX phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, tốc độ tăng trưởng chậm, thiếu ổn định, một số HTX chưa tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật, năng lực nội tại còn yếu, chưa tiếp cận được vốn vay của các tổ chức tín dụng; sự liên kết, hợp tác giữa các hợp tác xã với nhau và với doanh nghiệp còn hạn chế, phần lớn các HTX quy mô nhỏ, không đủ sức cạnh tranh trên thị trường; đội ngũ cán bộ quản lý được đào tạo bài bản còn hạn chế; cơ sở vật chất còn khó khăn như chính sách về đất đai để đầu tư về nhà xưởng, khu sơ chế nông sản, kho bảo quản nông sản. Hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã tuy đã được cải thiện nhưng vẫn còn thấp so với mặt bằng chung của nền kinh tế. Một số HTX nông nghiệp còn thụ động, phụ thuộc vào nguồn kinh phí hỗ trợ, chậm tái cơ cấu hoạt động sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị. Việc hỗ trợ các HTX tìm kiếm thị trường, tiếp cận các nguồn vốn, giới thiệu đối tác kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm còn lúng túng và chưa hiệu quả.

Để khắc phục những hạn chế nêu trên nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, mang lại nhiều hơn nữa lợi ích cho thành viên, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương cần tập trung thực hiện một số giải pháp phát triển chuỗi giá trị sản phẩm như sau:
Một là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho HTX thông qua bồi dưỡng, nâng cao trình độ và năng lực cho cán bộ quản lý chủ chốt của HTX về trình độ quản trị, kỹ năng xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, kiến thức quản trị; kỹ năng xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, kiến thức quản trị; đào tạo về kỹ thuật chuyên môn cho thành viên HTX áp dụng quy trình công nghệ cao, sản xuất theo tiêu chuẩn, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường. Xây dựng và hỗ trợ thực hiện các chương trình khởi nghiệp trong HTX. Ngoài ra, cần có chính sách hỗ trợ HTX thuê người quản lý HTX, cán bộ kinh doanh để làm việc cho HTX. Bên cạnh đó cần có cơ chế chính sách hỗ trợ thành lập lực lượng tư vấn hỗ trợ phát triển HTX nông nghiệp, đổi mới chương trình khuyến nông để hỗ trợ đào tạo cán bộ HTX.
Hai là, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp liên kết với HTX. Doanh nghiệp được xác định là đầu tàu của liên kết, vì thế để thúc đẩy HTX tham gia liên kết cần khuyến khích doanh nghiệp đầu tư liên kết thông qua HTX. Nhà nước cần có quy định pháp lý rõ ràng hơn và có cơ chế chính sách ưu đãi cao hơn những chính sách hiện nay để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, đồng thời tham gia liên kết với HTX, trở thành thành viên của HTX. Tạo điều kiện hình thành những mô hình liên kết hiệu quả giữa Doanh nghiệp- HTX- nông dân gắn với ứng dụng công nghệ cao.
Ba là, đẩy mạnh xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng sản phẩm sản xuất theo chuỗi, gắn với truy suất nguồn gốc sản phẩm, đáp ứng các điều kiện về VSATTP. Theo đó, cần hỗ trợ HTX, nông dân về chi phí chứng nhận, hướng dẫn áp dụng thực hành quy trình kỹ thuật, hỗ trợ ứng dụng công nghệ IT, công nghệ blockchain để truy suất nguồn gốc sản phẩm. Bên cạnh đó, đẩy mạnh hỗ trợ HTX liên kết xây dựng, khai thác thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm; chi phí đăng ký, chứng nhận; tem nhãn, bao bì sản phẩm. Hỗ trợ, tạo điều kiện các HTX liên kết tham gia vào chương trình ‘ Mỗi xã một sản phẩm” ưu tiên sản phẩm của HTX liên kết được tham gia hội chợ giới thiệu sản phẩm; hỗ trợ xây dựng trang Web; hỗ trợ xây dựng cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm.
Bốn là, rà soát và đổi mới cơ chế chính sách hỗ trợ HTX nông nghiệp và liên kết. Bên cạnh việc tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế chính sách hiện nay, cần tiếp tục rà soát, bổ sung, hướng dẫn thực hiện cơ chế chính sách, nhất là tập trung tháo gỡ những khó khăn vướng mắc mà các HTX hiện đang gặp phải như: tiếp cận các nguồn tín dụng; hỗ trợ thủ tục xác nhận, chứng nhận sở hữu đất đai của HTX và thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp để HTX xây dựng hạ tầng; hỗ trợ kết cấu hạ tầng sản xuất, đặc biệt là hạ tầng phục vụ chế biến, bảo quản và thương mại; miễn thuế giá trị gia tăng đối với sản phẩm trao đổi giữa các thành viên HTX với nhau./.

                                       Đinh Thị Ngọc Hoa

PCT Liên minh HTX tỉnh Hòa Bình

 


Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam

Giấy phép số: 175/GP-TTDT ngày 10 tháng 10 năm 2023 của Cục Phát thanh truyền hình và TTĐT thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông.

Ghi rõ nguồn: "vca.org.vn" khi phát hành thông tin từ trang này.

Copyright 2013 vca.org.vn - Technology Supported by ECPVietnam