Hà Giang: Đẩy mạnh công tác bảo tồn và khai thác giá trị chè Shan tuyết cổ thụ
Hà Giang là tỉnh có diện tích chè đứng thư 3 cả nước (sau Lâm Đồng và Thái Nguyên) với diện tích gần 21.000 ha; trong đó có 18.070 ha cho thu hoạch, tổng sản lượng chè búp tươi ước đạt 67.250 tấn. Diện tích chè của Hà Giang chủ yếu là chè Shan tuyết chiếm gần 90% diện tích (khoảng 18.700 ha); trong đó, diện tích chè Shan cổ thụ có độ tuổi hàng trăm năm đạt gần 7.200 ha.
Các diện tích chè Shan cổ thụ của Hà Giang được người dân trồng phân tán, không được đầu tư khoa học kỹ thuật, cây chỉ sinh trưởng tự nhiên, không có tác động của con người. Đa số các diện tích chè Shan tuyết cổ thụ được trồng trên các triền núi có độ cao trên 1.200 m so với mực nước biển. Các diện tích chè Shan cổ thụ của Hà Giang được trồng tập trung tại 5 huyện Hoàng Su Phì, Xín Mần, Bắc Quang, Quang Bình và Vị Xuyên; trong đó, huyện Hoàng Su Phì có diện tích chè cổ thụ lớn nhất tỉnh.
Có thể kể đến một số vùng chè cổ thụ nổi tiếng của Hà Giang như: Quần thể chè cổ thụ tại xã Cao Bồ huyện Vị Xuyên có diện tích trên 9,5 ha; chè cổ thụ tại xã Nậm Ty, xã Hồ Thầu… huyện Hoàng Su Phì có tổng diện tích khoảng 17,4 ha; quần thể chè cổ thụ tại xã Lũng Phìn huyện Đồng Văn có diện tích khoảng 12,5 ha…
Xác định các diện tích chè cổ thụ có độ tuổi hàng trăm năm là những nguồn gen quý cần được bảo tồn. Trong những năm qua, UBND tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo các ngành chức năng triển khai công tác bảo tồn, cải tạo, nâng cao năng suất, chất lượng chè cổ thụ theo hướng an toàn.
Theo báo cáo của ngành chức năng, hiện nay trên địa bàn Hà Giang đã có trên 1.950 ha chè được cấp chứng nhận chè hữu cơ, trong đó có các diện tích chè cổ thụ. Trên địa bàn Hà Giang hiện có 600 Công ty, các doanh nghiệp, HTX, các hộ kinh doanh và chế biến chế biến chè; nhưng chỉ có 1 công ty cổ phần, 3 doanh nghiệp và 2 HTX chế biến các sản phẩm chè hữu cơ. Sản phẩm chè hữu cơ của Hà Giang sau khi chế biến được sử dụng tiêu dùng trong nội tỉnh và xuất bán nguyên liệu thô đi các tỉnh khác trong nước với giá bình quân từ 350 000 – 400 000đ/kg. Riêng Công ty chè Hùng Cường huyện Vị Xuyên thu mua búp tươi của các cây chè cổ thụ, sau đó chế biến, phân loại, đóng gói…để xuất đi thị trường Mỹ và EU với giá cao.
Tuy nhiên, theo cáo cáo của ngành chức năng, các diện tích chè Shan tuyết nói chung và chè Shan tuyết cổ thụ nói riêng chưa phát huy được những giá trị vốn có. Năng suất búp tươi của chè Shan tuyết cổ thụ chỉ đạt 19,54 tạ/ha. Trong khi đó năng suất búp tươi của chè Shan tuyết đạt bình quân từ 35 – 38 tạ/ha. Nhưng giá thu mua của búp chè Shan tuyết cổ thụ loại 1 (1 tôm 2 lá) có giá cao gấp từ 4 đến 7 lần so với búp chè Shan tuyết bình thường. Điều đó cho thấy chè San tuyết cổ thụ của Hà Giang còn nhiều tiềm năng và giá trị chưa được khai thác. Ngoài ra, các sản phẩm chè Shan tuyết của Hà Giang đã được cấp chứng nhận Chỉ dẫn địa lý; các quần thể chè Shan tuyết cổ thụ của huyện Hoàng Su Phì và huyện Đồng Văn đã được công nhận là Cây di sản. Bên cạnh đó, tỉnh Hà Giang đang triển khai công tác bảo tồn chè Shan tuyết cổ thụ gắn với du lịch sinh thái tại những khu vực chè Shan…
Nhằm tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo tồn, cải tạo và nâng cao năng suất, chất lượng của các diện tích chè cổ thụ theo hướng an toàn VietGAP, tỉnh Hà Giang đã đề ra các chủ trương như: Qui hoạch các vùng sản xuất chè cổ thụ theo hướng sản xuất chè hữu cơ, đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp, các HTX xây dựng, chế biến các sản phẩm chè cổ thụ; lựa chọn 6 doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh đầu tư phát triển và chế biến chè theo tiêu chuẩn chè hữu cơ, trong đó có các diện tích chè cổ thụ theo chương trình hợp tác công tư; thành lập 56 nhóm sở thích trồng chè hữu cơ; phát triển sản phẩm chè hữu cơ gắn với quản lý, khai thác hiệu quả Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm chè Shan tuyết hữu cơ của Hà Giang.
Đồng chí Đặng Quốc Khánh, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang cho biết: Những cây chè Shan tuyết cổ thụ có độ tuổi hàng trăm năm là những “báu vật” đối với người trồng chè nói riêng và tỉnh Hà Giang nói chung. Từ đó cần khai thác và phát huy tối đa giá trị của những diện tích chè cổ thụ trên địa bàn tỉnh. Cần để cho du khách thấy được mỗi sản phẩm từ chè Shan tuyết cổ thụ khác so với những cây chè bình thường như thế nào. Đó không chỉ là công việc của người trồng chè, các doanh nghiệp, các HTX mà cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành trong tỉnh./.
Theo báo ĐCS
Tin liên quan
- Liên minh Hợp tác xã tỉnh Nghệ An thực sự phải là nòng cốt để phát triển kinh tế tập thể
- Nâng cao năng lực vận hành thương mại điện tử cho các hợp tác xã
- VCA hỗ trợ HTX Muối Tuyết Diêm giữ nghề truyền thống, phát triển bền vững theo chuỗi giá trị
- Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo làm việc với HTX Tân Bình, Đồng Tháp
- Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo làm việc với Hội quán tại Đồng Tháp
- Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo làm việc với UBND tỉnh Đồng Tháp về tình hình KTHT, HTX
- Kinh tế hợp tác Hải Phòng: Một năm nhìn lại!
- Cụm Tây Bắc tổng kết tình hình KTHT, HTX và hoạt động Liên minh HTX 7 tỉnh
- Hiệu quả từ mô hình thu gom rác thôn An Lợi ở Quảng Trị
- Ninh Bình: Các cấp ngành vào cuộc phát triển HTX