Hải Dương: Nông hộ tái đàn theo hướng an toàn sinh học

Sau thời gian khủng hoảng do dịch tả lợn châu Phi, tỉnh Hải Dương khuyến khích các gia trại, trang trại đủ điều kiện an toàn sinh học sản xuất trở lại.

Chăn nuôi lợn quy mô nông hộ đang có dấu hiệu phục hồi, phát triển theo hướng an toàn sinh học và thân thiện với môi trường.

Dịch bệnh vãn hồi

Từ khi công bố hết dịch (12/2019) tới nay, toàn tỉnh Hải Dương chưa ghi nhận sự xuất hiện của ổ dịch mới.

Nhưng bão dịch đi qua, đã để lại thiệt hại nặng nề cho địa phương này. Tính từ thời điểm ổ dịch đầu tiên được phát hiện (1/3/2019), sau một thời gian ngắn, đã lan rộng tới tất cả 12 huyện, thị xã, thành phố với 255 xã, phường, thị trấn.

Hải Dương đang khuyến khích các gia trại, trang trại thực hiện tái đàn. Ảnh: Kế Toại. 

Hải Dương đã phải tiến hành tiêu hủy gần 392 nghìn con lợn với tổng trọng lượng hơn 23,3 nghìn tấn.

Trong khoảng 9 tháng hoành hành, dịch tả lợn châu Phi đã khiến nhiều hộ chăn nuôi tán gia, bại sản. Nhiều gia trại, trang trại dù quy trình chăn nuôi chặt chẽ, cũng nao núng, đứng trước bờ vực phá sản. Tỉnh Hải Dương ước tính, tổng số tiền hỗ trợ các hộ chăn nuôi lợn bị thiệt hại và kinh phí phòng chống dịch bệnh lên đến hơn 900 tỷ đồng.

Nhằm chung tay người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, Hải Dương đã bố trí ngân sách, đồng thời xin Chính phủ bổ sung kinh phí hỗ trợ. Đến thời điểm công bố hết dịch, tỉnh Hải Dương đã chuyển xuống các địa phương số tiền trên 736 tỷ đồng hỗ trợ cho người chăn nuôi. Trong đó, tỉnh này đã phải sử dụng tạm nguồn cải cách tiền lương của tỉnh gần 160 tỷ đồng.

Ông Vũ Văn Hoạt, Chi cục trưởng Chi cục Thú y (Sở NN-PTNT Hải Dương) cho biết, 4 tháng sau công bố hết dịch, ngành nuôi lợn của địa phương đang từng bước phục hồi. Tuy nhiên, quan điểm chung của tỉnh là khuyến khích các hộ, gia trại, trang trại… đủ điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học. Còn lại, với những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, xen kẽ trong khu dân cư thì khuyến cáo, hạn chế tái đàn trở lại.

“Trên thực tế, việc cơ quan chuyên môn hạn chế cũng chỉ dừng ở mức khuyến cáo, vì không thể cấm hoàn toàn người dân chăn nuôi nhỏ lẻ. Bởi trước nay, nghề nuôi lợn trong nhân dân vẫn tự phát là chính, mạnh ai người nấy nuôi”, ông Hoạt chia sẻ.

Vị này nhận định, tuy dịch bệnh đã gây thiệt hại to lớn cho kinh tế, nhưng đây cũng là cơ hội để địa phương cơ cấu lại nghề nuôi lợn. Cái mất thì đã rõ, nhưng cái được to lớn có thể nhìn thấy là gì? Đó là tình hình môi trường nông thôn được cải thiệt rõ rệt. Đầu lợn trong các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ nay chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng đàn lợn của cả tỉnh. Đây cũng là lúc các gia trại, trang trại đảm bảo điều kiện chăn nuôi vươn lên vực lại kinh tế.

Ông Hoạt khẳng định, đây chỉ là sự chọn lọc tự nhiên của dịch bệnh. Với kiểu cách chăn nuôi nhỏ lẻ, ô nhiễm môi trường, thì đứng trước dịch bệnh sẽ phải tự đào thải.

Các trang trại đều nâng mức an toàn sinh học, hạn chế tối đa việc ra vào. Ảnh: Kế Toại. 

Thống kê mới nhất cho thấy, tổng đàn lợn của tỉnh Hải Dương đạt khoảng 280 nghìn con và vẫn tiếp tục tăng lên do nhiều trang trại đang đẩy mạnh tái đàn. Từ đầu năm đến nay, Hải Dương đã thực hiện tháng tiêu độc khử trùng toàn tỉnh. Đồng thời tiến hành tiêm vắc xin phòng bệnh trên đàn lợn, đạt tỷ lệ gần như 100%.

Cũng theo ông Hoạt, đối với các hộ dân, cơ quan thú y đã tiến hành xong tiêm phòng đợt 1/2020 trên đàn lợn. Đối với các trang trại, họ sẽ chủ động tiêm phòng theo quy định. Thậm chí, nhiều trang trại còn tiến hành tiêm bổ sung đồng thời nhiều loại vắc xin. Bởi lẽ, an toàn sinh hoạt và phòng bệnh luôn là điều kiện tiên quyết số 1 của những đơn vị chăn nuôi lớn. Sau mỗi đợt, các trang trại sẽ có báo cáo gửi về cơ quan chuyên môn để rà soát.

Nâng cao an toàn sinh học

Ngành thú y tỉnh Hải Dương đánh giá, hai địa phương có dấu hiệu tái đàn tốt là huyện Cẩm Giàng và Thanh Miện. Trong khi các huyện khác tự chuyển đổi cơ cấu sang chăn nuôi, trồng trọt nhiều loại cây, con khác.

Ông Bùi Duy Hưng, cán bộ Phòng NN-PTNT Cẩm Giàng cho biết, tổng đàn lợn toàn huyện hiện nay khoảng 23,4 nghìn con. Trong đó, tập trung chủ yếu ở các gia trại và trang trại chăn nuôi quy mô lớn. Nhiều trang trại đang sản xuất 700 – 1.000 con nái, cơ sở trung bình cũng đạt trên 100 nái.

Theo ước tính, số lợn nuôi trong các hộ dân chỉ chiếm từ 20 – 30% tổng đàn của toàn huyện. Sau bão dịch, nhiều hộ đã bỏ trống chuồng hoặc chuyển đổi sang nuôi các loại vật nuôi khác. Ông Hưng khẳng định, chính vì vậy, môi trường nông thôn vài tháng trở lại đây được cải thiện trông thấy.

Khách đến làm việc bắt buộc phải đi qua khu sát trùng, không tiếp cận khu vực chăn nuôi. Ảnh: Kế Toại. 

Ông Nguyễn Đắc Viêm, chủ trang trại lợn gần như lớn nhất huyện Cẩm Giàng cho biết, dù không bị thiệt hại bởi dịch bệnh, nhưng kinh tế cũng bị khủng hoảng một thời gian dài. Trước thời điểm dịch bệnh nổ ra, ông Viêm nuôi khoảng 700 con nái, 4.000 lợn thịt cùng khoảng 1.000 lợn con trong khuôn viên trang trại 54 nghìn mét vuông. Bắt đầu chăn nuôi từ năm 2017, đến nay ông Viêm đã đầu tư khoảng 7 tỷ đồng vào đàn lợn.

Khi dịch xảy ra, ông Viêm đã tiến hành giảm đàn lợn nái xuống 400 con, nâng cao an toàn sinh học trang trại. Từ cuối 2019, sau khi tỉnh công bố hết dịch, ông bắt đầu cho tái đàn trở lại. “Giờ tôi không nuôi dày như trước mà tiến hành cách ly chuồng, ô cách ly ô. Trước đây, mỗi tuần trang trại tổ chức phun sát trùng một lần. Nhưng nay tôi cho phun ba lần một tuần. Xung quanh khu vực chuồng nuôi, tôi cho giăng toàn bộ lưới chống muỗi, hạn chế côn trùng truyền nhiễm bệnh tật”, ông Viêm cho hay.

Ngoài ra, toàn bộ 25 nhân công làm việc tại trang trại phải tuân thủ nghiêm ngặt chế độ làm việc cách ly. Mỗi tháng, công nhân chỉ được nghỉ phép về thăm nhà 1 lần. Và khi trở lại, bắt buộc cách ly 48 giờ, trước khi tiếp xúc với khu vực chăn nuôi. Để làm được việc này, toàn bộ nhân công làm việc tại đây được bố trí chỗ ăn, ngủ khép kín, tách biệt khu vực sản xuất. Trang trại luôn trong trạng thái nội bất xuất, ngoại bất nhập.

Theo ông Viêm, trang trại vừa tiến hành tiêm phòng trên toàn bộ đàn lợn theo khuyến cáo của cơ quan thú y. Đồng thời, tiêm bổ sung một số loại vắc xin cần thiết cho vật nuôi.

“Thông thường, lợn đạt trọng lượng 1 tạ là xuất bán. Nay nếu nuôi lên thành 1,2 tạ vẫn bán được, không sao. Nhưng nếu như dịch Covid-19 kéo dài, chắc chắn người sản xuất như chúng tôi sẽ gặp khó khăn…”, ông Viêm chia sẻ.