Quỹ Hỗ trợ phát triển Hợp tác xã:

Hỗ trợ cơ cấu lại nợ cho bà con hợp tác xã mùa dịch Covid-19

Trong bối cảnh đó, Nghị định 45/2021/NĐ-CP ngày 31/3/2021 của Chính phủ về thành lập, tổ chức và hoạt động Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã được ban hành như một luồng gió mới thổi vào cộng đồng kinh tế tập thể, hợp tác xã, khắc phục những bất cập, vướng mắc trong thời gian qua, tạo điều kiện cho hợp tác xã (HTX), Liên hiệp hợp tác xã (LHHTX), tổ hợp tác (THT) và thành viên các tổ chức này có điều kiện tiếp cận nguồn vốn ưu đãi vượt qua khó khăn, thách thức, vững bước đi lên. Trước sự kiện Nghị định về hệ thống Quỹ được ban hành, những giải pháp hỗ trợ giúp các hợp tác xã vượt qua giai đoạn khó khăn, Cổng Thông tin điện tử đã có buổi phỏng vấn ông Phạm Công Bằng, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ phát triển Hợp tác xã xung quanh vấn đề này.
Ông Phạm Công Bằng - Giám đốc Quỹ Hỗ trợ phát triển Hợp tác xã
Phóng viên: Thưa ông, Nghị định 45/2021/NĐ-CP của Chính phủ đã có tác động tích cực như thế nào đến việc hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể (KTTT), hợp tác xã (HTX)?
Ông Phạm Công Bằng: Nghị định 45/2021/NĐ-CP (NĐ 45) ngày 31/3/2021 được ban hành đánh dấu bước phát triển mới đối với Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX Việt Nam cũng như hệ thống Quỹ Hỗ trợ phát triển Hợp tác xã. Ngay từ khi dự thảo Nghị định, Thường trực Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã rất sát sao tích cực tham gia phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Tài chính tổ chức rất nhiều cuộc khảo sát, hội thảo, tọa đàm, tổ chức nhiều buổi làm việc với lãnh đạo Bộ và vụ chức năng, với hàng chục văn bản tham gia chính thức để xây dựng dự thảo Nghị định trình Chính phủ. Trong quá trình góp ý kiến, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam bám sát chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, căn cứ tình hình hoạt động của Quỹ Hỗ trợ phát triển Hợp tác xã, nhu cầu thực tiễn và xu thế phát triển của KTTT, HTX nên đã được Chính phủ, Bộ Tài chính và các Bộ ngành cơ bản ủng hộ, tiếp thu. Do đó, Nghị định 45 được ban hành đã cơ bản phù hợp với hoạt động thực tiễn của hệ thống Quỹ Hỗ trợ phát triển Hợp tác xã cũng như nhu cầu của khu vực KTTT, HTX, khắc phục những bất cập, vướng mắc của cơ chế cũ theo theo Quyết định 246/2006/QĐ-TTg và Quyết định 23/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định 59/2007/QĐ-BTC về phê duyệt điều lệ tổ chức và hoạt động Quỹ Hỗ trợ phát triển Hợp tác xã như: (1) Đã thống nhất về cơ chế, tăng cường liên kết hệ thống; mô hình hoạt động đã thiết kế theo hướng gọn nhẹ, các Quỹ hoạt động độc lập, tự chủ và tự chịu trách nhiệm; (2) quy định vốn điều lệ tối thiểu Quỹ địa phương là 20 tỷ đồng; (3) mở rộng đối tượng cho vay đến thành viên HTX, thành viên THT; (4) các Quỹ cho vay cả vốn ngắn, trung và dài hạn; (5) điều kiện cho vay thông thoáng hơn; (6) có cơ chế mở rộng huy động vốn từ thị trường; (7) xác định cơ chế quản lý và thẩm quyền quản lý Quỹ cụ thể, trao nhiều quyền tự chủ cho các Quỹ và Liên minh Hợp tác xã các cấp trong tổ chức hoạt động, quản lý rủi ro, phù hợp với đặc thù khu vực kinh tế tập thể. ...
Cụ thể, đối với Quỹ Hỗ trợ phát triển Hợp tác xã Việt Nam, điểm mới nổi bật thứ nhất là theo cơ chế cũ, Quỹ Hỗ trợ phát triển Hợp tác xã chỉ cho vay đối với HTX, LHHTX và chỉ cho vay đầu tư hình thành nên tài sản cố định, trong khi nhu cầu vay vốn của những thành viên HTX, thành viên THT là rất cần thiết. Bên cạnh đó, nhu cầu vay vốn ngắn hạn để phục vụ tính chất mùa vụ của sản xuất nông nghiệp đối với các HTX nông nghiệp rất phổ biến và hết sức cấp bách, nhưng Quỹ cũng không được cho vay. Như vậy cơ chế cũ nó bó hẹp cả về cả phạm vi đối tượng và phương thức cho vay.
Những hạn chế đó bây giờ đã được khắc phục trong quy định của Nghị định 45 của Chính phủ, theo đó ngoài HTX, LHHTX, Quỹ HTX đã được cho vay đến thành viên của HTX, thành viên THT và được cho vay cả ngắn trung và dài hạn cho tất cả đối tượng vay để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khu vực KTTT, HTX để phát triển sản xuất kinh doanh, tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm bền vững. Đấy là một điểm mới tháo gỡ rất lớn vướng mắc về đối tượng, phương thức, loại hình cho vay của Quỹ HTX.
Điểm mới nổi bật thứ 2 của Nghị định 45 là cơ chế hoạt động của Quỹ HTX trước đây không được huy động vốn ngoài thị trường, thì theo quy định của Nghị định 45, Quỹ HTX được mở rộng hơn các hình thức huy động, đặc biệt là được phép huy động nguồn lực từ thị trường, nhận tiền gửi của các Quỹ địa phương, các nguồn huy động hợp pháp khác để bổ xung nguồn vốn hoạt động cho vay đối với khu vực KTTT, HTX.
Phóng viên: Như vậy, các thành viên của HTX, THT đã được chủ động vay vốn sản xuất, kinh doanh là một sự tạo điều kiện tích cực của Quỹ. Thưa ông, thành viên của HTX, tổ hợp tác được vay ở mức bao nhiêu?
Ông Phạm Công Bằng: Về giới hạn cho vay, Nghị định 45 quy định giới hạn cho vay đối với một khách hàng không quá 15% vốn điều lệ thực có và cho vay một khách hàng và người liên quan không quá 25% vốn điều lệ. Điều này có nghĩa là Nghị định 45 cũng mở rộng giới hạn cho vay mà vẫn đảm bảo an toàn nguồn vốn quỹ khi không tập trung quá nhiều vốn vay vào một đối tượng vay và người có liên quan.
So với quy định trước đây của Quỹ HTX, với một dự án vay vốn  không quá 10% vốn điều lệ thì quy định mới của Nghị định 45 đã mở rộng hơn và vì vậy Quỹ HTX có điều kiện cho vay các dự án lớn của các HTX có quy mô lớn, hoạt động trên địa bàn rộng, tác động dự án có ảnh hưởng lớn đến phát triển KTTT, HTX của cả vùng, miền hoặc phạm vi toàn quốc. Ví dụ, một HTX nào đó có dự án hiệu quả, khả thi, cung ứng đầu ra cho HTX trên địa bàn liên tỉnh, hoặc cả nước mà họ có nhu cầu chính đáng, đủ điều kiện tiếp cận vốn của Quỹ HTX thì có thể xem xét cho vay với quy mô lớn hơn, mang lại hiệu quả thiết thực, sâu rộng hơn cho Khu vực KTTT, HTX.
Phóng viên: Để triển khai Nghị định 45 trong thời gian tới Quỹ Hỗ trợ phát triển Hợp tác xã Việt Nam có kế hoạch gì để hỗ trợ Liên minh Hợp tác xã các tỉnh, thành phố trong việc thành lập Quỹ hoặc chuyển đổi mô hình Quỹ để hoạt động hỗ trợ vốn cho khu vực KTTT, HTX được tốt hơn, thưa Ông?
Ông Phạm Công Bằng: Theo chỉ đạo của Thường trực Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Quỹ HTX Việt Nam (Quỹ TW) ngoài việc hoàn thiện cơ chế theo Nghị định 45, ban hành và tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành những văn bản theo quy định để chuyển đổi mô hình hoạt động thì Quỹ TW còn có một sứ mệnh là hỗ trợ cho Liên minh hợp tác xã các tỉnh, thành phố trong việc thành lập mới các Quỹ Hỗ trợ phát triển Hợp tác xã (đối với các tỉnh chưa có Quỹ) và chuyển đổi mô hình cho các Quỹ địa phương đã thành lập để hoạt động theo quy định của Nghị định 45. Ban chấp hành Liên minh Hợp tác xã Việt Nam ban hành kế hoạch 351/KH-LMHTXVN ngay 8/6/2021 về triển khai thực hiện Nghị định số 45/2021/NĐ-CP của Chính phủ về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã. Kế hoạch này đã được gửi đến Liên minh Hợp tác xã các tỉnh, thành phố. Theo đó, phân loại để hướng dẫn đối với các tỉnh chưa thành lập Quỹ cũng như các tỉnh đã có Quỹ thì các bước triển khai như thế nào, thời gian cụ thể ra sao, nhiệm vụ của Liên minh các cấp và các Quỹ được quy định rất cụ thể. Tại Kế hoạch 351, Ban chấp hành Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã thành lập Tổ hỗ trợ, tư vấn hỗ trợ triển khai Nghị định 45. Tổ này sẽ kết hợp với Quỹ Hỗ trợ phát triển Hợp tác xã để hỗ trợ các tỉnh, thành phố trong triển khai Nghị định 45. Theo đó, Quỹ HTX Việt Nam sẽ dự thảo một hệ thống các văn bản để hướng dẫn Liên minh HTX và Quỹ các tỉnh, thành phố thực hiện Nghị định 45. Sau đó, các Văn bản dự thảo này sẽ thông qua Tổ hỗ trợ, tư vấn triển khai Nghị định 45 để hoàn thiện trình Thường trực Liên minh Hợp tác xã thông qua để gửi cho Liên minh Hợp tác xã các tỉnh, thành phố, hỗ trợ các đơn vị trong quá trình triển khai Nghị định 45, đảm bảo tiến độ và chất lượng tuân thủ đúng quy định của Nghị định 45, Ban chấp hành Liên minh Hợp tác xã Việt Nam; phù hợp với tình hình thực tiễn của từng địa phương.
Phóng viên: Trong thời gian qua đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến kinh doanh sản xuất ở địa phương, đặc biệt là khu vực KTTT, HTX. Thời điểm khó khăn chung này, Quỹ HTX đã có phương án như thế nào để hỗ trợ bà con vượt qua khó khăn?
Ông Phạm Công Bằng: Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất nặng nề đến các doanh nghiệp cũng như các HTX, tổ hợp tác. Đặc biệt, mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 tác động nặng nề hơn với các HTX, tổ hợp tác bởi đây là nơi nguồn lực yếu, dễ bị tổn thương, khả năng chống chịu kém. Thường trực Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, trong đó có Quỹ HTX Việt Nam tạo mọi điều kiện cho các HTX vượt qua thời kì khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Quỹ  HTX Việt Nam đã tiến hành rà soát tất cả các HTX đang có dư nợ tại Quỹ HTX, rà soát phân loại đánh giá và báo cáo Thường trực liên minh Hợp tác xã Việt Nam về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX vay vốn do ảnh hưởng dịch Covid-19.
Trên cơ sở đó, Quỹ HTX đã gửi công văn đên tất cả các HTX còn dư nợ tại quỹ đề nghị báo cáo tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, tình hình thực hiện các dự án đang vay vốn của Quỹ HTX và khả năng trả nợ, đề xuất cơ cấu lại nợ nếu thấy cần thiết. Ngay sau đó,  chúng tôi đã nhận được 40 đơn đề nghị cơ cấu lại nợ của 40 HTX với nhu cầu chủ yếu là xin giãn nợ tức là điều chỉnh kỳ hạn trả nợ gốc và chưa có HTX nào có đề nghị về việc xóa nợ hoặc khoanh nợ. Trên cơ sở báo cáo của các HTX đang vay vốn Quỹ HTX, chúng tôi đã tham mưu cho Hội đồng quản lý Quỹ ban hành Nghị quyết về việc hỗ trợ các HTX đang vay vốn quỹ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.  
Sau khi xem xét từng trường hợp cụ thể, Quỹ HTX đã cơ cấu lại nợ cho 38 HTX với số tiền nợ cơ cấu là 31 tỷ đồng của đợt 1 năm 2020. Đến đợt dịch thứ 2 năm 2021, thực hiện chỉ đạo của Thường trực liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Quỹ HTX tiếp tục rà soát và nhận được những đơn đề nghị cơ cấu lại nợ của những HTX tiếp tục bị khó khăn bởi đại dịch Covid-19  lần thứ 2, chúng tôi đã tiếp tục cơ cấu lại nợ cho 7 HTX với số tiền là 25 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Quỹ HTX cũng đẩy mạnh công tác cho vay mới rất nhiều dự án để các HTX, liên hiệp HTX có nguồn lực đầu tư đổi mới hoạt động, đổi mới sản phẩm, tăng cường liên kết, thích nghi với giai đoạn khó khăn chung của nền kinh tế. 
Đến hôm nay, các HTX đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ thì đã phục hồi lại sản xuất kinh doanh và cũng đã dần ổn định để tiếp tục phát triển. Sau khi hết thời kì cơ cấu nợ thì các HTX này đã trả nợ đầy đủ cả nợ gốc và nợ lãi cho Quỹ HTX, không có HTX nào có hiện tượng chậm trả. Bên cạnh đó, các HTX không có đơn điều chỉnh cơ cấu lại nợ của những đợt dịch vừa rồi thì các HTX đó cũng chấp hành rất tốt nghĩa vụ trả nợ cho quỹ trong 2 năm vừa qua.
Có thể nói, được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Thường trực Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, công tác hỗ trợ của Qũy HTX đã rất kịp thời, đúng đối tượng, đã phát huy tác dụng rất tốt đối với các HTX bị ảnh hưởng đại dịch, qua đó giúp các HTX đã tạm thời vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, ổn định sản xuất kinh doanh và tiếp tục phát triển.
Phóng viên: Xin cảm ơn Ông
 
Vân Khánh – Quang Trung (Thực hiện)


Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam

Giấy phép số: 175/GP-TTDT ngày 10 tháng 10 năm 2023 của Cục Phát thanh truyền hình và TTĐT thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông.

Ghi rõ nguồn: "vca.org.vn" khi phát hành thông tin từ trang này.

Copyright 2013 vca.org.vn - Technology Supported by ECPVietnam