HTX Mỹ Lộc Thượng: Chủ động tìm hướng đi tích cực và phù hợp
Với việc được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận thương hiệu Gạo Lệ Thủy, sản phẩm của HTX Mỹ Lộc Thượng đang dần tìm được đầu ra ổn định, tạo được chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài tỉnh.
HTX Sản xuất, Kinh doanh, Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Lộc Thượng (An Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình) được thành lập từ năm 1960 và đã chuyển đổi thành công theo Luật HTX 2012.
Đến nay, HTX vẫn là HTX toàn xã với hơn 1.200 thành viên, hoạt động chính trên các lĩnh vực như dịch vụ giống cây trồng, dịch vụ vật tư phân bón, dịch vụ thủy nông, dịch vụ khâu làm đất; dịch vụ bảo vệ thực vật, dịch vụ bảo vệ ruộng đồng, tín dụng nội bộ, bao tiêu sản phẩm cho thành viên.
HTX chuyển đổi
Sau khi thực hiện việc chuyển đổi, HTX đã chủ động tìm những hướng đi tích cực và phù hợp nhất của địa phương để nâng cao thu nhập, bảo vệ lợi ích của mỗi một hộ thành viên.
Đặc biệt, từ năm 2011, HTX đã áp dụng hệ thống thâm canh lúa cải tiến (SRI) vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Anh Võ Văn Thắng - Giám đốc HTX Mỹ Lộc Thượng, cho biết thâm canh lúa cải tiến là biện pháp ứng dụng kỹ thuật mới vào sản xuất nhằm giảm mật độ gieo trồng, nước tưới, phân bón và thuốc trừ sâu. Khi gieo lúa, HTX đã triển khai gieo thưa 3 kg giống/ sào thay vì tập quán gieo dày (6 - 7 kg giống/ sào) như trước đây. Nhờ gieo thưa, cây lúa có đủ diện tích để bén rễ, hấp thụ ánh sáng mặt trời và chất dinh dưỡng nên phát triển tốt hơn, cho chất lượng lúa tốt hơn.
Ngoài ra, quá trình làm cỏ dại được thực hiện hoàn toàn bằng tay để nhổ được cả rễ cỏ, giúp thông khí cho đất, tạo điều kiện thuận lợi cho lúa hấp thụ chất dinh dưỡng khi bón phân thay vì sử dụng thuốc diệt cỏ.
Nhờ sản xuất theo phương pháp SRI, HTX đã giảm 25 - 30% lượng nước tưới, 40% lượng lúa giống; hạn chế tối đa lượng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật và thời gian chăm sóc; lợi nhuận tăng 25 - 35% so với phương pháp sản xuất truyền thống.
Với những lợi ích đó, toàn bộ 268 ha lúa của HTX đều được áp dụng phương pháp canh tác SRI sử dụng các giống lúa chất lượng cao như: P6, TBR225. Qua 5 năm áp dụng mô hình SRI, năng suất lúa bình quân đạt 74 tạ/ha, cao hơn lúa đại trà 4 tạ/ha. Thu nhập của HTX đạt trên 3 tỷ đồng/năm, lợi nhuận đạt 1,1 tỷ đồng…
"Gạo P6 Lệ Thủy" của HTX đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu |
Hỗ trợ đầu ra
Với những thành tích trên, trong nhiều năm qua, HTX Mỹ Lộc Thượng được đánh giá là điểm sáng của huyện Lệ Thủy trong phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới bằng nội lực và cách làm sáng tạo. Đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, chủ yếu là kinh tế nông nghiệp trên địa bàn xã.
Tuy nhiên, hiện nay HTX cũng như chính quyền địa phương đang gặp vấn đề lớn là đầu ra cho các sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, tạo tính cạnh tranh trên thị trường.
Từ sau khi áp dụng phương pháp canh tác mới SRI, mỗi năm, sản lượng HTX vào khoảng 2.700 tấn gạo sạch, với hàm lượng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật đều ở trong ngưỡng cho phép, thân thiện với môi trường, đã được Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm sở Y tế Quảng Bình cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, Chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Quảng Bình cấp xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.
Nhưng số lúa gạo dùng để ăn và tiêu thụ trong địa bàn chỉ khoảng hơn 1.000 tấn nên lượng lúa gạo người dân đưa ra bán trôi nổi trên thị trường là rất lớn, điều đó đồng nghĩa với việc người nông dân luôn đối mặt với tình trạng bị tư thương ép giá.
Tuy nhiều năm qua, HTX cũng như chính quyền địa phương đã đứng ra liên kết với một số cơ sở tiêu thụ, thu mua lúa cho người dân với giá cao hơn thị trường 3 - 5 giá, nhưng hiệu quả chưa cao do sản phẩm chưa có thương hiệu, chưa tìm được chỗ đứng trên thị trường.
Do đó, HTX đã tiến hành đăng ký nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm với tên gọi "Gạo Lệ Thủy" và trong tháng 5/2018, thương hiệu "Gạo P6 Lệ Thủy" của HTX đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu.
Giống lúa P6 sau khi thu hoạch từ đồng ruộng được phơi khô đến độ ẩm 14%, sau đó được làm sạch loại bỏ những hạt kém phẩm chất, hạt lép nhằm bảo đảm yêu cầu đồng đều về kích thước, khối lượng riêng, màu sắc, độ ẩm.
Chất lượng gạo P6 được kiểm tra bằng phương pháp cảm quan và độ ẩm được kiểm soát bằng máy đo thủy phân. Giá bán gạo P6 Lệ Thủy dao động 11.000 - 12.000 đồng/ kg và đang dần tìm được chỗ đứng trong và ngoài tỉnh.
Đây chính là điều kiện để lúa gạo của người nông dân ở đây nói riêng và hạt gạo của xứ lúa Lệ Thủy nói chung thâm nhập sâu rộng hơn vào thị trường tiêu thụ.
Theo TBKD
Tin liên quan
- Lâm Đồng: Hợp tác xã của "ông chủ 9X"
- HTX Hoa Sơn: Phát huy hiệu quả từ sau Luật HTX 2012
- HTX Mỹ Lộc Thượng: Chủ động tìm hướng đi tích cực và phù hợp
- Phát triển hợp tác xã ở Hà Nội: Những đóng góp quan trọng
- Lão nông "siêu" bán chuối khiến cả hội nghị xuất khẩu nông sản sững sờ
- HTX vận tải Tấn Thành tăng cường công tác bảo đảm an toàn giao thông
- Thái Nguyên: Các hợp tác xã chú trọng bảo vệ môi trường
- Hiệu quả từ hợp tác xã nhãn Vietgap ở Hưng Yên
- Thái Nguyên: Nữ giám đốc hợp tác xã năng động
- Hiệu quả từ mô hình hợp tác xã kiểu mới của thế hệ 9x