Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam vì mục tiêu “Doanh nghiệp vững mạnh – Quốc gia hùng cường, thịnh vượng”

Đại hội đại biểu toàn quốc VCCI lần thứ VII, nhiệm kỳ 2021 – 2026 được tổ chức long trọng trong hai ngày 30 – 31/12 theo hình thức trực tiếp tại Hà Nội kết hợp trực tuyến.

Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Phạm Minh Chính.

Đặc biệt, Đại hội vinh dự chào đón Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Phạm Minh Chính tới tham dự và chỉ đạo.

Đại hội là sự kiện đặc biệt quan trọng đối với VCCI và cộng đồng doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước những yêu cầu phát triển của giai đoạn mới, những vận hội và thách thức chưa từng có, đặc biệt là tác động của đại dịch Covid-19.

Đại hội có sự hiện diện của các lãnh đạo Đảng, nhà nước, lãnh đạo các Ban/Bộ/Ngành, cơ quan trung ương và các địa phương: Ông Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Ông Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Ông Nguyễn Long Hải, Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Đảng uỷ khối Doanh nghiệp TƯ; Ông Nguyễn Xuân Thành, Phó chủ nhiệm VPCP; Ông Nguyễn Tường Văn, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh; Ông Ngô Trung Thành, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật; Ông Đoàn Văn Việt, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; Ông Phạm Đức Long, Thứ trưởng Bộ TTTT; Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam; Ông Ngô Văn Cương, Bí thư BCH Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; Ông Phan Anh Sơn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp các tổ chức hữu nghị VN; Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương; Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội; Ông Lại Xuân Lâm, Phó Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương; Bà Thang Thị Hạnh, Vụ trưởng Vụ Tổ chức phi chính phủ, Bộ Nội vụ; Đại tá Đỗ Quang Phương, Phó Cục trưởng Cục An ninh Kinh tế, Bộ Công an; Ông Hà Minh Mạnh, Vụ trưởng Vụ Đổi mới doanh nghiệp, VPCP; Ông Bùi Lê Thái, Chánh Văn phòng Ban Ban Đối ngoại TW.

Các đại biểu thực hiện nghi lễ chào cờ.

Có 434 đại biểu chính thức tham dự Đại hội, trong đó 256 đại biểu tham dự trực tiếp tại Hà Nội, các đại biểu còn lại tham dự trực tuyến tại các Chi nhánh, Văn phòng Đại diện VCCI ở Đà Nẵng, Khánh Hòa, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Vũng Tàu; 73 đại biểu tham dự trực tuyến tại đơn vị.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia Đoàn Chủ tịch Đại hội. 

Cơ cấu đại biểu theo thành phần gồm: 30 đại biểu là đại diện Tập đoàn, Tổng Cty, Doanh nghiệp Nhà nước, 183 đại biểu là các hiệp hội ngành nghề trung ương và địa phương, 216 đại biểu là các doanh nghiệp cổ phần, tư nhân, 2 đại biểu là đại diện các Hợp tác xã. Trong số 218 đại biểu doanh nghiệp, đơn vị có số lao động thấp nhất là 100 và đơn vị có số lao động cao nhất là trên 104.000 lao động. 100% hoạt động sản xuất kinh doanh tốt, đóng góp ngân sách nhà nước thấp nhất 0,4 tỷ, nhiều nhất trên 100.000 tỷ trong năm 2020.

Ban chấp hành VCCI khóa VII đã có sự đổi mới nhân sự với 28 ủy viên tham gia lần đầu, chiếm 31% trên tổng số (93) ủy viên. Ban chấp hành VCCI khóa VII hầu hết là những doanh nhân tiêu biểu, trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn, đầu ngành có đóng góp quan trọng đối với kinh tế xã hội của Đất nước.

Thực hiện các chỉ đạo của Ban Bí thư, trên cơ sở rà soát các quy định pháp luật liên quan, đặc biệt là các văn bản pháp luật mới và đánh giá thực tiễn thực hiện Điều lệ 2016, VCCI nhận thấy cần thiết phải sửa đổi Điều lệ này ở 03 khía cạnh với phương án sửa đổi cụ thể như sau: sửa đổi Tên tiếng Việt của VCCI từ “Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam” thành “Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam”.

Đại hội cũng sẽ xác định 6 nhiệm vụ trọng tâm bao gồm: Chủ động, tích cực tham gia xây dựng pháp luật, chính sách, thúc đẩy thuận lợi hóa môi trường kinh doanh; Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.Tăng cường hoạt động kết nối, hỗ trợ phát triển hiệp hội doanh nghiệp và hội viên; Phát triển đội ngũ doanh nhân, tiên phong thúc đẩy xây dựng hoá kinh doanh Việt Nam;Tăng cường kết nối và nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế và Đổi mới tổ chức, phương thức hoạt động, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của VCCI.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ cho Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Khối trưởng Khối Thi đua các Bộ ngành kinh tế năm 2020 đã hoàn thành xuất sắc, toàn diện nhiệm vụ công tác, dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước toàn quốc.

Đồng thời, ba đột phá chiến lược cũng được đưa ra trong Đại hội gồm Thúc đẩy xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi;Tiên phong xây dựng văn hóa kinh doanh Việt Nam và Đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong doanh nghiệp.

Với quan điểm định hướng hoạt động của VCCI phải đồng bộ với định hướng phát triển của đất nước, Đại hội sẽ đưa ra Tầm nhìn của VCCI là: Doanh nghiệp vững mạnh – Quốc gia thịnh vượng; Sứ mệnh của VCCI là liên kết, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp bền vững, văn minh, hội nhập và ngang tầm thế giới, cùng phấn đấu xây dựng Việt Nam đến năm 2045 trở thành quốc gia phát triển, phồn vinh, hạnh phúc. 

Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, VCCI đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ công tác chủ yếu Đại hội VCCI lần thứ VI đề ra và những nhiệm vụ khác được Đảng, Nhà nước giao. Các hoạt động chính của VCCI như xây dựng pháp luật, chính sách, cải thiện môi trường kinh doanh, xúc tiến thương mại – đầu tư, đào tạo, tư vấn, cung cấp thông tin cho doanh nghiệp,… đã được đẩy mạnh, tăng 20% so với nhiệm kỳ trước, đạt mức độ tăng trưởng bình quân 7,5%/năm. Các mặt công tác được triển khai toàn diện và chất lượng được nâng cao theo hướng chuyên nghiệp hóa.

Trao tặng Huân chương và Bằng khen của Chủ tịch nước cho các cá nhân: Ông Vũ Tiến Lộc - nguyên Bí thư Đảng đoàn, nguyên Chủ tịch VCCI; Ông Phạm Tấn Công- Chủ tịch VCCI; và trao Bằng khen của Thủ tướng cho ông Nguyễn Quang Vinh- Ủy viên Đảng đoàn, Phó Chủ tịch VCCI.

Cùng với đó, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp thông qua thúc đẩy liên kết và nâng cao năng lực các hiệp hội doanh nghiệp được xác định là hoạt động chủ đạo, trọng tâm. Hội đồng Trung ương các Hiệp hội doanh nghiệp được VCCI thành lập đã phối hợp, liên kết và hỗ trợ cho trên 400 hiệp hội, hội, câu lạc bộ doanh nghiệp trong toàn quốc; hướng dẫn thành lập và hỗ trợ hoạt động của 53/63 hiệp hội doanh nghiệp đa ngành cấp tỉnh, thành phố.

VCCI đã tiên phong trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững, nâng cao trách nhiệm xã hội với các hoạt động tiêu biểu như đề xuất và thực hiện “Diễn đàn Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững” thường niên; xây dựng Bộ chỉ số Doanh nghiệp bền vững (CSI) và tổ chức đánh giá, trao giải thưởng "Doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam”; triển khai các chương trình, dự án thúc đẩy liêm chính trong kinh doanh, nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. 

Vai trò của VCCI trong tham gia xây dựng thể chế, chính sách pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính ngày càng được khẳng định và đề cao. VCCI đã chú trọng tăng cường tính liên kết và nâng cao năng lực của các hiệp hội, cơ bản hoàn thành việc thành lập và triển khai hoạt động của các hiệp hội doanh nghiệp cấp tỉnh; phát huy chức năng đại diện cho người sử dụng lao động… Vị thế, uy tín của VCCI được nâng cao ở trong nước và quốc tế.

Nguồn: DDDN


Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam

Giấy phép số: 175/GP-TTDT ngày 10 tháng 10 năm 2023 của Cục Phát thanh truyền hình và TTĐT thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông.

Ghi rõ nguồn: "vca.org.vn" khi phát hành thông tin từ trang này.

Copyright 2013 vca.org.vn - Technology Supported by ECPVietnam