Một số khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện phá sản đối với HTX theo Luật Phá sản
Liên minh HTX Việt Nam thực hiện nhiều hoạt động tư vấn, hỗ trợ pháp lý, các dịch vụ công, chỉ đạo Liên minh HTX các tỉnh, TP tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời nắm bắt, phản ánh những khó khăn, vướng mắc và tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho các tổ chức của thành phần kinh tế tập thể.
Theo đó, Liên minh HTX Việt Nam thực hiện tư vấn, phối hợp với các ngành chức năng, chỉ đạo, hướng dẫn việc chuyển đổi, cơ cấu lại HTX, hoạt động kém hiệu quả, giải thể, phá sản những HTX hoạt động không hiệu quả, ngừng hoạt động nhiều năm theo Luật phá sản năm 2014.
Theo số liệu của Liên minh HTX Việt Nam, tính đến hết 31/12/2019, cả nước có 24.618 HTX, trong đó, có: 15.495 HTX nông nghiệp; 1.183 quỹ tín dụng nhân dân; 2.435 HTX công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; 2.041 HTX thương mại, dịch vụ: 1.478 HTX vận tải; 995 HTX xây dựng; 512 HTX môi trường; 479 HTX dịch vụ khác. Có 85 Liênhiệp HTX, phần lớn là Liên hiệp HTX nông nghiệp và khoảng 110.000 THT…
Trong giai đoạn 2015- 2019, cả nước giải thể 4.856 HTX hoạt động yếu kém, ngừng hoạt động (tăng 39% so với giai đoạn 2010-2015); trong đó có 3.208 HTX nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp và thủy sản; 32 HTX xây dựng; 24 HTX vận tải đường bộ và đường thủy; 68 HTX thương mại và dịch vụ; 66 quỹ tín dụng nhân dân… (số lượng giải thể chủ yếu là vùng đồng bằng sông Hồng; đồng bằng sông Cửu Long; Bắc Trung bộ, Tây bắc); giải thể 28 Liên hiệp HTX.
Hiện nay, cả nước còn 1.000 HTX đã ngừng hoạt động nhiều năm chưa giải thể được, nhưng khó khăn, lúng túng trong thực hiện thủ tục phá sản, nguyên nhân chủ yếu do quy định của Luật phá sản năm 2014 có điểm chưa rõ ràng, chưa đầy đủ; thiếu cơ chế đồng bộ, khả thi để các quy định của Luật có thể triển khai trong thực tiễn; việc hướng dẫn thi hành luật và các vấn đề liên quan trên cơ sở đảm bảo tính thống nhất áp dụng luật còn hạn chế. Cụ thể:
Luật Phá sản chưa quy định cụ thể tiêu chí doanh nghiệp, HTX lâm vào tình trạng phá sản và chế tài xử phạt nghiêm đối với chủ thể có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản nhưng không nộp đơn kịp thời hoặc nộp đơn không đúng. Dẫn đến tính trạng khi HTX rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán, các chủ thể có nghĩa vụ nộp đơn phá sản, nhưng hầu như không thực hiện nghĩa vụ, còn các chủ thể có quyền nộp đơn có thể chưa hiểu biết nhiều về việc mình được bảo vệ thông qua thủ tục phá sản hoặc do tâm lý ngại kiện tụng, không tin tưởng vào phương pháp đòi nợ này nên ít thực hiện quyền nộp đơn.
Luật chưa quy định thủ tục phá sản trong trường hợp chưa tìm thấy địa chỉ của người mắc nợ.
Điểm nữa, quy định về tài liệu nộp kèm theo đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản còn chưa rõ ràng. Điểm a khoản 3 Điều 28 Luật phá sản 2014 quy định: “3. Đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản phải kèm theo các giấy tờ, tài liệu sau: a) báo cáo tài chính của doanh nghiệp, HTX trong 03 năm gần nhất. Trường hợp doanh nghiệp, HTX được thành lập chưa đủ 03 năm thì kèm theo báo cáo tài chính của doanh nghiệp, HTX trong toàn bộ thời gian hoạt động”. Nhưng không yêu cầu doanh nghiệp, HTX nộp báo cáo tài chính bắt buộc phải kiểm toán hay không? Nếu không quy định cụ thể việc kiểm toán báo cáo tài chính doanh nghiệp, HTX sẽ ảnh hưởng đến tính trung thực của doanh nghiệp, HTX, của tòa án; bởi vì Tòa án không phải là cơ quan chuyên môn để có thể xác định tính trung thực của các báo cáo tài chính mà HTX đã nộp. Trên thực tế, chỉ có HTX, Liên hiệp HTX quy mô lớn mới thực hiện kiểm toán HTX 2 năm/lần. Vấn đề này cũng là cơ sở cần bổ sung, chỉnh lại Luật phá sản và Luật HTX (các HTX cần được kiểm toán định kỳ).
Bên cạnh đó, chưa có quy định cụ thể về việc xử lý tài sản đảm bảo trong trường hợp khoản nợ được đảm bảo bằng tài sản của bên thứ ba; thực tế các HTX không có tài sản bảo đảm khi vay vốn ngân hàng; để có tài sản bảo đảm thường mượn tài sản của bên thứ ba (lãnh đạo, thành viên HTX)… do đó, khi thực hiện các thủ tục phá sản theo Luật gặp khó khăn, vướng mắc về quyền lợi các chủ nợ có bảo đảm tài sản của bên thứ ba.
Để việc triển khai, thực hiện Luật phá sản năm 2014, Liên minh HTX Việt Nam đề xuất một số nội dung sửa đổi trong Luật phá sản năm 2014 như sau: Sửa đổi, bổ sung quy định Điều 4: xác định doanh nghiệp, HTX lâm vào tình trạng phá sản; doanh nghiệp, HTX mất khả năng thanh toán. Đồng thời, bổ sung quy định chế tài xử phạt; quy định nộp báo cáo tài chính của doanh nghiệp, HTX trong 03 năm gần nhất phải được kiểm toán; quy định việc xử lý tài sản bảo đảm…
Liên minh HTX Việt Nam
Tin liên quan
- Định hướng nâng cao hiệu quả hoạt động Qũy hỗ trợ phát triển HTX
- Định hướng xây dựng Quỹ hỗ trợ phát triển HTX từ TW đến địa phương
- Giải pháp tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho HTX
- Phát triển chuỗi kết nối tiêu thụ NS: Các nhà phải nâng trách nhiệm
- Chuyên gia kinh tế chỉ ra nhiều điểm nghẽn của nông sản Việt
- Giải pháp phát triển NNHC: Thay đổi hành vi sản xuất
- 1.000 thương hiệu Quốc gia: Hành trình nhiều thách thức
- Bắc Ninh: Tái cơ cấu nông nghiệp gắn xây dựng nông thôn mới
- Định vị vai trò kinh tế tập thể & hợp tác xã
- HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN KHU VỰC KINH TẾ HTX