Nâng cao năng lực, hiệu quả, trách nhiệm của Liên minh HTX tỉnh Phú Thọ với vai trò nòng cốt trong phát triển KTTT, HTX

Phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX) là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, trong đó phát triển kinh tế tập thể, HTX phải dựa trên nội lực của tổ chức là chính, Nhà nước xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển các mô hình kinh tế tập thể, HTX; cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, cùng với phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể chính trị, trong đó cần tiếp tục chú trọng nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động, tăng cường trách nhiệm của Liên minh hợp tác xã (LMHTX) tỉnh với vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế tập thể, HTX.

LMHTX tỉnh Phú Thọ từng bước nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền trên Bản tin kinh tế tập thể.

Năm 2020 với nhiều khó khăn, thử thách, kinh tế tập thể, HTX tỉnh Phú Thọ vẫn tiếp tục được củng cố và phát triển. Quy mô HTX tiếp tục tăng và hiệu quả hoạt động được nâng lên rõ rệt. Mặc dù ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 đến đời sống kinh tế, xã hội là rất khó khăn, song số lượng HTX thành lập mới trong năm 2020 trên địa bàn tỉnh Phú Thọ vẫn đạt 55 HTX, vượt 83% mục tiêu đề ra. Tổng giá trị tài sản của HTX tiếp tục tăng 492,1 tỷ đồng so với năm 2019, đạt 5.403,6 tỷ đồng. Doanh thu bình quân đạt 2, 5 tỷ đồng/HTX, lợi nhuận bình quân duy trì 170 triệu đồng/HTX, đều tăng so với năm 2019. Các HTX đã thu hút trên 108.000 thành viên tham gia, đồng thời tạo việc làm cho 5.989 lao động thường xuyên và hơn 50.000 việc làm ngắn hạn, thời vụ tại địa phương với thu nhập bình quân của lao động thường xuyên đạt 37,8 triệu đồng/năm và 250 nghìn đồng/ngày công đối với việc làm ngắn hạn, thời vụ. Đây cũng là năm mà các HTX đạt nhiều thành công trong việc phát triển các sản phẩm OCOP, với kết quả 18 sản phẩm của 14 HTX đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó có 4 sản phẩm đạt 4 sao được công nhận đã khẳng định hướng đi hiệu quả và vai trò của HTX trong phát triển các sản phẩm đặc trưng, có thế mạnh của địa phương.

Trong tổng số 557 HTX hiện có, số HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn chiếm đa số với trên 70%, tiếp theo đó là các HTX hoạt động trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp chiếm 12,2%, HTX hoạt động trong lĩnh vực tín dụng (Quỹ tín dụng nhân dân) chiếm 7,5%, còn lại là các HTX hoạt động trên nhiều lĩnh vực như: thương mại, giao thông vận tải, vệ sinh môi trường, xây dựng, điện năng. Các HTX đã và đang đóng góp đa dạng và thiết thực trên các mặt của đời sống kinh tế xã hội, góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, phát triển cộng đồng ở cả nông thôn và thành thị.

Ở các khu vực nông thôn, HTX đang khẳng định là thành phần kinh tế quan trọng trong xây dựng và hoàn thiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đến nay, tại hầu hết các xã trên địa bàn tỉnh đều có HTX đang hoạt động. Với nền tảng là sự đoàn kết, tập hợp đông đảo thành viên là những cá nhân, tổ chức có chung nhu cầu, cùng hoạt động sản xuất kinh doanh trong cùng lĩnh vực trên địa bàn, các HTX là nhân tố tích cực cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, xây dựng các mục tiêu phát triển kinh tế, tổ chức sản xuất, bảo đảm duy trì hoạt động sản xuất nông nghiệp ổn định, sử dụng đất có hiệu quả, hạn chế tình trạng bỏ ruộng. Điển hình có thể kể đến các HTX hoạt động dịch vụ nông nghiệp trên địa bàn huyện Lâm Thao, huyện Cẩm Khê, huyện Tam Nông. Bên cạnh đó, thông qua các HTX, đã thúc đẩy người dân liên kết, tích tụ, dồn đổi ruộng đất để hình thành các mô hình sản xuất nông nghiệp có quy mô lớn, mang lại hiệu quả kinh tế cao như mô hình trồng cây ăn quả tại HTX nông nghiệp an toàn Vĩnh Lại (h. Lâm Thao) với diện tích 10ha trồng ổi đạt tiêu chuẩn VietGAP, mô hình trồng măng tây tại HTX nông nghiệp hữu cơ Bắc Bộ (h. Cẩm Khê) với diện tích 3,6ha, tạo việc làm thường xuyên cho từ 8 – 10 lao động với mức thu nhập ổn định từ 5 – 6 triệu đồng/tháng.

Sản phẩm bưởi đặc sản Đoan Hùng của các Hợp tác xã được đánh giá cao tại Hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh.

Với những tiềm năng thế mạnh, sản phẩm đặc trưng truyền thống của địa phương, nhiều HTX đã khai thác phát triển sản phẩm theo hướng OCOP mang lại hiệu quả thiết thực, vừa bảo tồn các giá trị truyền thống, quảng bá, giới thiệu được hình ảnh, bản sắc địa phương, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Các sản phẩm nổi bật như sản phẩm chè xanh của HTX chè an toàn Long Cốc, HTX SXCB chè Đá Hen, HTX chè Yên Kỳ; bưởi đặc sản Đoan Hùng của HTX SXKD bưởi xã Chí Đám, HTX SXKD bưởi đặc sản xã Bằng Luân, các sản phẩm rau củ quả của HTX RAT Tứ Xã, HTX rau củ quả sạch Mạnh Liên,sản phẩm tương truyền thống của HTX tương làng Bợ, HTX tương Dục Mỹ, sản phẩm mì gạo của HTX mì gạo Hùng Lô, sản phẩm quả sấy của HTX NN&DVTH Xuân Phúc Phú Thọ, sản phẩm thịt chua của HTX thịt chua Thanh Sơn,...

Còn tại các khu vực trung tâm, thành thị tập trung dân cư, có thu nhập kinh tế cao, hoạt động của các Quỹ tín dụng nhân dân đã phát huy hiệu quả tích cực, trở thành kênh huy động vốn và cho vay tin cậy của người dân trên địa bàn. Hiệu quả hoạt động của các QTDND được thể hiện bằng các kết quả ấn tượng trong năm 2020, toàn tỉnh có 39 QTDND đang hoạt động tại 77 xã, phường, thị trấn của 11/13 huyện, thành, thị với 46.210 thành viên tham gia; tổng nguồn vốn đạt5.310 tỷ đồng, tăng 761 tỷ đồng so với năm 2019, tương đương 16,7%. Trong đó, vốn huy động đạt 4.580 tỷ đồng, tăng 966 tỷ đồng so với năm 2019, tương đương 26,7%. Dư nợ cho vay đạt 4.500 tỷ đồng, tăng 441 tỷ đồng, tương đương 10,7% so với năm 2019, lợi nhuận bình quân đạt 1.395 triệu đồng/Quỹ/năm, tăng 15,2% so với năm 2019. Các QTDND đang tạo việc thường xuyên cho 475 lao động, với thu nhập bình quân là 8,2 triệu đồng/người/tháng.

Để bảo đảm hoạt động của các Quỹ được an toàn, ổn định thì hoạt động quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chuyên môn thuộc Ngân hàng nhà nước được duy trì thường xuyên, kịp thời nhận diện rủi ro để cảnh báo và có biện pháp xử lý kịp thời giúp cho các QTDND khắc phục những hạn chế, thiếu xót bảo đảm an toàn tài sản, kho quỹ; xây dựng các phương án ứng phó với những ảnh hưởng của dịch Covid-19. Một số Quỹ có sự phát triển tốt thời gian qua như QTDND xã Hùng Lô, QTDND phường Vân Cơ (Tp Việt Trì), QTDND xã Hùng Việt (H. Cẩm Khê), QTDND thị trấn Thanh Thủy (H. Thanh Thủy),... Qua đó đã khẳng định được uy tín, niềm tin đối với thành viên, nhân dân, cấp ủy, chính quyền trong xây dựng phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.

Hoạt động của khu vực kinh tế tập thể của tỉnh nói chung và nhu cầu phát triển của các HTX nói riêng ngày càng cao, điều đó đặt ra yêu cầu cho Liên minh hợp tác xã tỉnh cần tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu quả, trách nhiệm với vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế tập thể, HTX để đáp ứng được nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Để thực hiện mục tiêu nhiệm vụ này, LMHTX tỉnh đã và đang tích cực tham mưu triển khai các chủ trương lớn của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể, HTX với trọng tâm thực hiện Kết luận số 70-KL/TW ngày 9/3/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, Chiến lược phát triển KTTT, HTX giai đoạn 2021 – 2030, Chương trình hành động của Chính phủ, Chương trình hỗ trợ phát triển KTTT, HTX giai đoạn 2021 – 2025, Đề án lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới hiệu quả tại các địa phương trên cả nước giai đoạn 2021 – 2025. Phối hợp cùng với UBND tỉnh, Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội triển khai thực hiện các nội dung phát triển KTTT, HTX.

Công tác tuyên truyền tiếp tục được duy trì và mở rộng, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí của tỉnh và LMHTX Việt Nam trong việc đưa tin, tuyên truyền về phát triển KTTT, HTX, giới thiệu các điển hình, mô hình hoạt động hiệu quả tạo sức lan tỏa, nhân rộng. Tiếp tục quan tâm đầu tư nâng cao chất lượng hoạt động của website, Bản tin kinh tế tập thể, mở rộng truyền thông trên các nền tảng mạng xã hội để những tin tức về KTTT, HTX dễ dàng tiếp cận đến cộng đồng xã hội.

Năm 2020, LMHTX tỉnh tiếp tục hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho trên 2.200 lượt cán bộ, người lao động tại các HTX với kinh phí thực hiện là 1.800 triệu đồng,  xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm cho trên 200 lượt HTX thành viên, triển khai đồng bộ thông qua các việc tham gia hội chợ thương mại, trưng bày sản phẩm tại các sự kiện chính trị, xã hội ở trong và ngoài tỉnh, hỗ trợ thành lập các gian hàng tiêu thụ sản phẩm nông sản, thực phẩm địa phương, nghiên cứu xây dựng sàn giao dịch thương mại điện tử cho các sản phẩm của HTX, đồng thời liên kết để các thành viên tương trợ, giúp nhau tiêu thụ sản phẩm khi khó khăn.

Triển khai chương trình hỗ trợ góp phần thúc đẩy các mô hình HTX hoạt động thiết thực, hiệu quả. Trong đó tập trung xây dựng 02 mô hình sản xuất chế biến chè xanh đặc sản chất lượng cao tại huyện Cẩm Khê và thâm canh bưởi diễn theo hướng hữu cơ an toàn tại huyện Đoan Hùng, hỗ trợ thành lập mớicho 25 HTX với kinh phí là 250 triệu đồng, hỗ trợ xây dựng mới trụ sở cho 3 HTX nông nghiệp với kinh phí là 150 triệu đồng, hỗ trợ cải tiến bao bì, nhãn mác sản phẩm cho 16 HTX với kinh phí 1.100 triệu đồng, hỗ trợ các HTX 22,5 tỷ đồng vốn tín dụng ưu đãi thông qua Quỹ hỗ trợ phát triển HTX.

Kịp thời giải quyết những vướng mắc, khó khăn do HTX phản ánh, bảo đảm quyền, lợi ích của thành viên; tôn vin, khen thưởng các cá nhân, tập thể có nhiều thành tích trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế tập thể, HTX.

Có thể nhận thấy rằng, nâng cao hiệu quả trong hoạt động hỗ trợ, thúc đẩy kinh tế tập thể, HTX cần sự vào cuộc trách nhiệm, cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm trên cơ sở là sự gắn bó mật thiết với các HTX thành viên. Cũng từ thực tiễn hoạt động của các HTX đã chỉ ra những khó khăn, tồn tại căn bản ảnh hưởng đến sự phát triển của KTTT, HTX, đó là: Nhiều cấp ủy, chính quyền cơ sở mới tập trung khuyến khích phát triển nông trại, gia trại, chưa chú trọng việc tuyên truyền, vận động quần chúng, nhân dân liên kết phát triển thành HTX sản xuất, kinh doanh theo quy mô lớn, tập trung; trình độ, năng lực quản lý, điều hành của đội ngũ lãnh đạo các HTX nhìn chung còn nhiều hạn chế, chưa thực sự năng động, chưa mạnh dạn trong đầu tư phát triển, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, kinh doanh; nguồn lực đầu tư, hỗ trợ cho các HTX, nhất là khâu tiêu chuẩn hóa sản phẩm và xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm còn rất hạn chế, thiếu các trung tâm, đơn vị hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm có quy mô đủ lớn bảo đảm hoạt động thường xuyên, liên tục.

Bước sang năm 2021, kinh tế tập thể, HTX đang đứng trước nhiều cơ hội, điều kiện mới thuận lợi hơn giai đoạn trước, với sự vào cuộc quyết liệt, cụ thể của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Liên minh hợp tác xã Việt Nam và các bộ, ngành, tổ chức chính trị xã hội. Do đó, để kinh tế tập thể, HTX hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, với vai trò của mình, LMHTX tỉnh Phú Thọ tiếp tục tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Ban Đổi mới và phát triển kinh tế tập thể tỉnh tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, đảng, chính quyền các địa phương trong tỉnh thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế tập thể, HTX tại địa phương, đồng thời huy động các nguồn lực, nghiên cứu thực hiện có hiệu quả một số nhiệm vụ giải pháp, đó là: Tham mưu ban hành Kế hoạch phát triển KTTT, HTX giai đoạn 2021-2025, triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển KTTT, HTX giai đoạn 2021 – 2025, triển khai thực hiện đề án lựa chọn, hoàn thiện mô hình HTX kiểu mới hoạt động hiệu quả; Củng cố hệ thống cơ sở dữ liệu, đánh giá phân loại HTX; Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về phát triển kinh tế tập thể, HTX, trong đó phối hợp chặt chẽ với Mặt trận tổ quốc tỉnh, Ban tuyên giáo Tỉnh ủy, các cơ quan báo chí của tỉnh và LMHTX Việt Nam, phát triển đa dạng các kênh tuyên truyền cả trực quan và trên nền tảng mạng xã hội; Tiếp tục thu  hút các nguồn lực đầu tư hỗ trợ các HTX phát triển các sản phẩm mới, đổi mới quy trình, công nghệ sản xuất, tích tụ, dồn đổi ruộng đất, mở rộng quy mô, thu hút thêm thành viên; Tăng cường các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các HTX, nhất là đội ngũ cán bộ quản lý, lao động kỹ thuật có tay nghề trong các HTX; thường xuyên hỗ trợ các HTX kết nối, tiêu thụ sản phẩm bằng nhiều hình thức, tham gia các hội chợ, triển lãm, trưng bày giới thiệu sản phẩm, tư vấn, hỗ trợ hình thành một số điểm tiêu thụ sản phẩm tại trung tâm các huyện, thành, thị trong tỉnh; Tư vấn, hỗ trợ các HTX hoàn thiện, xây dựng hồ sơ sản phẩm tham gia chương trình OCOP; Tiếp tục nâng cao năng lực giải ngân, bổ sung vốn điều lệ của Quỹ hỗ trợ phát triển HTX; Kịp thời xử lý các vướng mắc, khó khăn, phản ảnh từ HTX thành viên, tuyên dương, khen thưởng các cá nhân, tập thể có nhiều đóng góp trong sự nghiệp phát triển kinh tế tập thể, HTX.


Đồng chí Nguyễn Thành Nam
 
TUV – Chủ tịch Liên minh hợp tác xã tỉnh Phú Thọ