Người nâng tầm giá trị tre luồng ở Quan Hóa

Ông Nguyễn Duy Chính kiểm tra sản phẩm vàng mã trước khi xuất khẩu.
Ông Nguyễn Duy Chính sinh ra ở làng Quảng, xã Đông Vệ, thị xã Thanh Hóa (nay là phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa), làm việc tại Ty Thương nghiệp Thanh Hóa và được điều động lên huyện Quan Hóa công tác phụ trách lĩnh vực trồng rừng và trồng luồng. Năm 1995, do sức khỏe yếu ông xin nghỉ chế độ. Trong thời gian phụ trách trồng luồng ông nhận thấy giá trị của cây luồng chưa được khai thác triệt để, chủ yếu là để chế biến thô nên hiệu quả kinh tế thấp. Với ý tưởng thành lập xưởng chế biến lâm sản, ông đã lặn lội đi học hỏi kinh nghiệm các cơ sở chế biên lâm sản trong tỉnh và khu công nghiệp ở tỉnh Hải Dương. Năm 2007, bằng nguồn vốn tích lũy và vay mượn ông mua lại HTX chế biến lâm sản Hợp Phát với diện tích 600m2 ở bản Cổi, xã Xuân Phú (nay là xã Phú Nghiêm) để sản xuất đũa và thanh nam xuất khẩu, với tổng đầu tư 1,9 tỷ đồng.
Năm 2014, nhận thấy chất lượng luồng suy thoái do khai thác quá mức nên dẫn đến chất lượng đũa xuất khẩu bị ảnh hưởng, ông quyết định không sản xuất đũa xuất khẩu và đầu tư mua thêm 11.000m2 đất để xây dựng nhà xưởng, mua hệ thống máy móc để sản xuất giấy và vàng mã xuất khẩu sang thị trường Đài Loan (Trung Quốc) với tổng giá trị 50 tỷ đồng.
Ông cho biết, sản xuất giấy và vàng mã xuất khẩu sẽ tận dụng được nguồn nguyên liệu dôi dư từ các phụ phẩm ở các cơ sở, nhà máy chế biến lâm sản trong và ngoài huyện. Trong xây dựng nhà xưởng sản xuất, ông đặc biệt chú ý đến hệ thống xử lý môi trường, vì vậy đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý môi trường thu hồi nước quay vòng để tái sản xuất theo công nghệ tiên tiến của thế giới, với tổng giá trị trên 10 tỷ đồng. Khi xây dựng nhà xưởng, đào tạo công nhân xong, ông đã đến các địa phương có nguồn nguyên liệu dồi dào để ký hợp đồng thu mua và tìm các đối tác để tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, mỗi năm HTX chế biến lâm sản của ông tiêu thụ khoảng 15.000 tấn luồng, sản xuất được 5.500 tấn giấy và vàng mã xuất khẩu sang thị trường Đài Loan và một phần tiêu thụ trong nước, với giá trị xuất khẩu gần 6 triệu USD, tạo việc làm cho trên 178 lao động địa phương, với thu nhập bình quân từ 7,5 đến 25 triệu đồng/người/tháng.
Ngoài làm kinh tế giỏi ông còn tích cực tham gia các phong trào của địa phương và luôn đi đầu hưởng ứng các cuộc vận động ủng hộ của xã, thôn đóng góp xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ, tặng quà, nuôi dưỡng người nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Bài và ảnh: Vũ Khắc/ Báo Thanh Hóa
Tin liên quan
- Đẩy mạnh liên kết chăn nuôi an toàn, kiểm soát dịch bệnh
- Nông dân bán hàng vào siêu thị được miễn chiết khấu, bao tiêu sản phẩm
- Phát triển chuỗi rau, khắc phục cảnh `sáng tươi, chiều héo`: Kiến nghị từ thực tế
- Công nghiệp chế biến phát triển sẽ quyết định giá thành sản phẩm
- 314 tỷ USD bất ngờ "bốc hơi" khỏi thị TTCK Nhật Bản
- 7 lý do để Vincom Village là KĐT bậc nhất Châu Á
- Giảm phát trở lại trong tháng 5
- Giá vàng lại nới rộng chênh lệch mua - bán
- Hà Nội: Cận Trung thu, nhiều quầy bánh vẫn ế ẩm
- Nghề lạ ở Sài Gòn: Mót củi giữa lòng thành phố