Người phụ nữ Khmer thành công với nghề đan đát truyền thống

 Huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng lâu nay nổi tiếng với nhiều nghề truyền thống trăm tuổi của đồng bào Khmer, trong đó có nghề đan đát. Những năm gần đây, chị Trương Thị Bạch Thuỷ đã từng bước vực dậy làng nghề, phát triển thành HTX và nâng tầm cây tre, cây trúc tạo ra những sản phẩm đa dạng, đặc trưng, không chỉ đáp ứng cuộc sống hằng ngày mà con phục vụ cho nhà hàng, khách sạn.
 

Tham quan kho hàng sản phẩm được làm từ các nguyên liệu cây tre, trúc… chúng tôi thực sự choáng ngợp với hàng trăm mặt hàng sản phẩm từ hàng tiêu dùng đến trang trí, quà tặng… để cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Tại đây, chị Trương Thị Bạch Thuỷ, hiện tại là Giám đốc HTX Mây tre đan Thuỷ Tuyết tâm sự, Phú Tân là địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống, có làng nghề đan đát từ xa xưa, nhiều bà con đã giỏi nghề, nhưng do chủ yếu làm nhỏ lẻ, đặc biệt sản phẩm chưa được sáng tạo, chủ yếu phục vụ cuộc sống hàng ngày nên chưa thực sự phát triển. Thế nên chị quyết định thành lập HTX để hướng tới tạo sự liên kết sản xuất, kinh doanh, phát triển du lịch, dịch vụ giữa các hộ dân với nhau, từ đó từng bước nâng cao giá trị của làng nghề.

“Thành lập HTX để chung tay hợp tác, cộng hưởng, đôi bên đều có lợi. Mình được sự tín nhiệm của bà con ở đây bầu làm Giám đốc HTX kiêm luôn Hội đồng quản trị, bà con tin tưởng nên mình cố gắng làm để đem lại thu nhập, cùng bà con phát triển nghề này. Vào HTX thì ai cũng có trách nhiệm, làm sao làm đạt năng suất, không còn giống như làm truyền thống trước đây. Làm truyền thống thì làm nhiều thì tôi bán nhiều, làm ít thì bán ít, nhưng bây giờ mỗi một thành viên HTX đều phải có trách nhiệm với công việc của mình, không đùn đẩy. Vào HTX thì năng suất, trách nhiệm phải cao hơn, cùng nhau làm, cùng nhau phát triển”, chị Trương Thị Bạch Thuỷ nói.

Chị Thuỷ sinh ra và lớn lên ở tỉnh Bạc Liêu trong gia đình có truyền thống với nghề đan đát… Tiếp nối nghề truyền thống của gia đình, năm 17 tuổi, chị bắt đầu thành lập cơ sở đan đát của riêng mình. Để phát triển, chị luôn tìm hướng đi riêng, sáng tạo của riêng mình.

“Hồi nhỏ đi học một buổi, đi bán sản phẩm truyền thống một buổi do cha mẹ làm ra. Lúc trước, ông bà, cha mẹ làm chủ yếu mặt hàng tiêu dùng, truyền thống như là thúng, rổ, cần xé… Sau này em đi học và được nhà nước tạo điều kiện cho đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm thì thấy các tỉnh cũng từ mặt hàng mây tre này nhưng được học làm để phục vụ du lịch. Về mới suy nghĩ là tại sao mình không nâng tầm cây tre, sáng tạo lên để giống tỉnh bạn. Qua những lần tham qua như vậy, mình về cũng nghĩ người ta làm được thì mình sẽ làm được. Do đó, em đã nâng tầm cây tre lên một bước nữa. Hiện phục vụ cho nhà hàng, du lịch, từ đó, đưa giá trị kinh tế nâng lên, nguồn thu nhập cũng cao hơn hàng thông thường. Ngoài ra, mình làm theo những thứ khách cần, chứ không phải làm những thứ mình có”, chị Thuỷ chia sẻ.

Từ cơ sở đan đát, chị đã từng bước phát triển lên thành doanh nghiệp và hiện nay là HTX, được đặt tại xã Phú Tân, huyện Châu Thành. Để nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã, chị Thuỷ đã phải rất nỗ lực trong sáng tạo ra những sản phẩm mới, quy trình sản xuất mới, sau đó truyền dạy cho các thành viên. Đặc biệt, chị còn tham gia các lớp tập huấn tài chính tín dụng, lớp tập huấn hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, lớp ứng dụng công nghệ thông tin... và tham dự các buổi sự kiện kết nối kinh doanh cùng với các chị em phụ nữ khởi nghiệp, tổ hợp tác, HTX trong và ngoài tỉnh, từ đó, giúp chị có nhiều cơ hội để kết nối giao lưu, giới thiệu sản phẩm mây tre của mình.

“Hiện tại HTX có trên 700 sản phẩm. Ở đây, sản phẩm cung ứng cho thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu. Đối với xuất khẩu đa phần là hàng tiêu dùng, như: sọt đựng quần áo phục vụ cho nhà hàng, khách sạn. Chúng tôi còn làm thêm mảng xây dựng bằng mây tre, như homestay, khu nghỉ dưỡng, khu du lịch. Đối với hàng tiêu dùng thì chúng tôi sử dụng tre trúc miền Nam, bởi yếu tố mềm, đối với xây dựng công trình thì chúng tôi lấy tre từ miền Bắc vì tre cứng hơn”, chị Thuỷ cho biết thêm.

Hiện nay, nghề đan đát đã hỗ trợ đào tạo cho người dân địa phương có việc làm ổn định, không phải chịu cảnh tha hương cầu thực trước đây giúp các hộ dân có cuộc sống ổn định. Đây cũng là nơi để chuyển giao kiến thức cho lớp trẻ, góp phần giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Đặc biệt, giúp hơn 30 xã viên trong HTX và hơn 60 hội viên phụ nữ vùng lân cận thu nhập bình quân hàng tháng từ 4.000.000 - 5.000.000 đồng.

“HTX Mây tre Thuỷ Tuyết cũng có kế hoạch phối hợp với Uỷ ban nhân dân xã để mở các lớp dạy nghề, mang tính giải quyết việc làm ở địa phương cho số thanh niên trong độ tuổi lao động. Vưa qua, HTX cũng đã đào tạo được hơn 10 học viên, đây là tín hiệu tích cực khi mà các em đang trong độ tuổi lao động còn ham chơi đã tham gia HTX làm việc và kiếm được thu nhập”, bà Dương Thị Trang, Bí thư Đảng ủy xã Phú Tân, huyện Châu Thành cho biết.

Chia sẻ về dự định sắp tới, chị Trương Thị Bạch Thuỷ, Giám đốc HTX Mây tre đan Thuỷ Tuyết cho biết, chị đã có làm dự án khôi phục làng nghề và du lịch cộng đồng, để duy trì làng nghề truyền thống, mang lại thu nhập ổn định, cải thiện đời sống, kinh tế cho bà con.


Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam

Giấy phép số: 175/GP-TTDT ngày 10 tháng 10 năm 2023 của Cục Phát thanh truyền hình và TTĐT thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông.

Ghi rõ nguồn: "vca.org.vn" khi phát hành thông tin từ trang này.

Copyright 2013 vca.org.vn - Technology Supported by ECPVietnam