Nhân rộng mô hình hợp tác xã 4.0

Chủ động tiếp cận và mạnh dạn ứng dụng công nghệ, đưa máy móc vào thay thế lao động thủ công, nâng cao năng suất, tạo ra sản phẩm có chất lượng, hàm lượng giá trị gia tăng cao… là hướng đi của nhiều hợp tác xã (HTX) 4.0 tại TP. Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam trong bối cảnh hội nhập sâu rộng.

Chuyển đổi mạnh mẽ để tồn tại

HTX nông nghiệp Ái Nghĩa sở hữu thương hiệu “Bánh tráng Đại Lộc” - sản phẩm Mỗi xã, phường - một sản phẩm (OCOP) duy nhất của huyện Đại Lộc, dù trên địa bàn huyện có hơn 100 cơ sở sản xuất bánh tráng Đại Lộc. Theo ông Trương Cảm - Giám đốc HTX nông nghiệp Ái Nghĩa - sự khác biệt này đến từ việc chủ động thay đổi tư duy, mạnh dạn tiếp cận công nghệ và trang bị máy móc.

nhan rong mo hinh hop tac xa 40
Ứng dụng công nghệ máy hút chân không đã nâng thời gian sử dụng bánh tráng Đại Lộc

Hiện, 90% quy trình sản xuất bánh tráng thương hiệu Đại Lộc do HTX nông nghiệp Ái Nghĩa sản xuất được thực hiện bằng máy móc, từ vo gạo đến xay bột, tráng bánh, máy định hình quy cách, đóng gói, hút chân không, in thời hạn sử dụng; chỉ còn một công đoạn duy nhất là đưa bánh tráng vào bao là phải sử dụng bằng thủ công. Ông Trương Cảm cho biết, khi HTX nông nghiệp Ái Nghĩa đầu tư 2 máy hút chân không, sản phẩm bánh tráng được nâng thời gian sử dụng lên gấp 4 lần.

Tại HTX Kim Thanh, trước đây, trong công đoạn hấp bịch phôi giá thể làm nấm, các hội viên thường dùng bằng thùng phuy. HTX thường xây lò gạch và dùng củi, than tổ ong để tạo nhiệt lượng hấp phôi gây tốn kém về than và nhiệt lượng không đồng đều, tốn thời gian, gây ra những hư hỏng, tạo mầm bệnh về sau cho bịch giá thể; phôi giá thể không đảm bảo, ngoài ra còn gây ô nhiễm môi trường. Để giải quyết vấn đề này, HTX Kim Thanh đã lắp đặt lò hấp bằng inox có amiang cách nhiệt bao bọc, dùng bằng điện năng, giảm 70% thời gian, thao tác thuận lợi và không thải khí, chất độc tác động tới môi trường. HTX chủ động được thời gian sản xuất, chất lượng ổn định, năng suất được nâng cao...

Để phục vụ nghiên cứu các chủng loại giống mới, HTX Kim Thanh đã lắp đặt hệ thống phun sương tạo ẩm cảm biến làm mát môi trường trang trại nuôi trồng nấm. Đồng thời, dùng máy sấy thực phẩm để chủ động trong việc điều phối kế hoạch cung ứng thị trường, bảo quản và chế biến nấm. Nhờ ứng dụng công nghệ, các sản phẩm nấm của HTX Kim Thanh được thị trường đón nhận và có đầu ra ổn định dù mức giá cao hơn một số đơn vị trồng nấm khác.

Tháo gỡ khó khăn, liên kết phát triển

HTX nông nghiệp Ái Nghĩa và HTX Kim Thanh là 2 trong nhiều HTX tại miền Trung đang có những thay đổi mạnh mẽ để thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Theo ông Huỳnh Văn Mười - Giám đốc HTX Kim Thanh - việc đầu tư trang thiết bị dù đã chủ động nhưng vẫn còn thiếu. Bên cạnh đó, do đặc thù là mô hình HTX nên vẫn còn nặng hình thái xã hội, nặng tính giải quyết việc làm, cung cấp dịch vụ và bao tiêu đầu ra cho nông dân; mặt bằng nhà xưởng còn thiếu tập trung, vốn góp của hội viên còn ít nên trang thiết bị, máy móc, công nghệ còn chắp vá, chưa đồng bộ.

Từ những khó khăn đó, HTX Kim Thanh đang thực hiện kế hoạch liên kết, liên doanh các HTX cùng nhóm nghành nghề, các doanh nghiệp sản xuất gia công các công đoạn HTX có thế mạnh trong chuỗi giá trị. Qua đó, hợp tác đầu tư chiều sâu cũng như mở rộng phương án sản xuất, kinh doanh; đầu tư tập trung trọng điểm cơ sở sản xuất có quy mô khép kín, đồng bộ; bảo đảm năng lực sản xuất có hiệu quả tốt nhất, đáp ứng nhu cầu thị trường, từng bước nâng giá trị thương hiệu sản phẩm.

Ông Trương Cảm - Giám đốc HTX nông nghiệp Ái Nghĩa: Khó khăn lớn của HTX kiểu cũ chuyển sang kiểu mới là vấn đề nhân lực, trình độ nhân lực chưa theo kịp tốc độ phát triển công nghệ, máy móc. Lãnh đạo và các hội viên HTX đã chủ động tìm tòi, theo học các lớp, khóa tập huấn để nâng cao kiến thức, đủ khả năng sử dụng và làm chủ trang thiết bị phục vụ sản xuất.

Theo Công thương