Những khó khăn, hạn chế trong quá trình thực hiện chính sách phát triển HTX, Tổ hợp tác tại tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 - 2020
Kinh tế tập thể tỉnh Yên Bái thời gian qua đã có bước phát triển nhanh, phong trào hợp tác xã phát triển rộng khắp các huyện, thị xã và thành phố, hoạt động trong các lĩnh vực có lợi thế như khai thác và chế biến khoáng sản, các nông sản đặc sản.
Nhờ đó, KTTT tỉnh Yên Bái đã có những chuyển biến tích cực, số lượng và chất lượng HTX ngày một được nâng lên, các HTX hoạt động bài bản hơn, chủ động phát triển thêm nhiều ngành nghề, mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, tự chủ trong hoạt động, khắc phục khó khăn, khai thác những tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
Dự ước đến hết năm 2020, tổng số HTX toàn tỉnh là 465 HTX, tăng 141 HTX, bằng 43,5% so với năm 2016, số HTX thành lập mới là 280 HTX, số HTX đang hoạt động ước tính là 427 HTX. Số HTX hoạt động hiệu quả theo Luật HTX chiếm khoảng 70% trên số HTX đang hoạt động. Tổng số thành viên HTX trên 28.000 thành viên; Số lao động làm việc thường xuyên trong HTX là 7.780 người, tăng 8,1% so với năm 2016. Đóng góp của khu vực Kinh tế tập thể, HTX trên 36 tỷ đồng, tăng 8,9 tỷ đồng (32,8%) so với năm 2016.
Các hợp tác xã cơ bản đã thể hiện bản chất, nguyên tắc và giá trị của hợp tác xã. Quá trình thành lập theo đúng trình tự của Luật Hợp tác xã và các Nghị định hướng dẫn của Chính phủ. Quan hệ giữa hợp tác xã và thành viên thể hiện được quan hệ bình đẳng, hợp tác, trên cơ sở thoả thuận, tự nguyện, cùng có lợi và cùng chịu trách nhiệm trong sản xuất kinh doanh.
Đóng góp của HTX đã tác động lớn vào việc hỗ trợ Kinh tế hộ thành viên, góp phần tích cực vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đóng góp vào Ngân sách ngày một tăng.
Tuy nhiên, trong giai đoạn vừa qua, các HTX tỉnh Yên Bái phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, nhiều HTX vẫn trong tình trạng khó khăn, năng lực nội tại của HTX còn yếu, cơ sở vật chất còn nghèo nàn, trình độ về khoa học công nghệ lạc hậu, trình độ cán bộ quản lý HTX còn hạn chế, vì vậy khó đáp ứng được nhiệm vụ sản xuất kinh doanh trong điệu kiện kinh tế thị trường.
Những khó khăn, hạn chế trong quá trình thực hiện chính sách giai đoạn 2016-2020
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai chính sách phát triển KTTT, HTX vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cũng như khó khăn, vướng mắc:
Một số chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với khu vực Kinh tế tập thể, HTX triển khai thực hiện còn chậm và chưa hiệu quả. Nguồn lực phân bổ còn hạn chế, việc tháo gỡ khó khăn về vốn, đất đai xây dựng trụ sở và cơ sở sản xuất chế biến của HTX còn thiếu quy hoạch, chưa được giải quyết kịp thời. Chính sách hỗ trợ các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp chưa thực hiện được. Việc tiếp cận các nguồn vốn tín dụng ưu đãi để sản xuất, kinh doanh, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; đất đai để mở mang nhà xưởng, hạng mục công trình của các HTX còn khó khăn.
Công tác quản lý nhà nước về KTTT, HTX chưa được quan tâm đầy đủ, công tác báo cáo thực hiện chưa tốt, số liệu báo cáo liên quan đến KTTT, HTX không đầy đủ. HTX kiểu mới đã được tuyên truyền nhưng quy mô chậm phát triển, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ theo chuỗi giá trị còn yếu.
Số lượng các HTX đã tăng, nhưng tỷ lệ HTX hoạt động trung bình, yếu chiếm tỷ lệ còn cao. Số HTX xây dựng được thương hiệu sản phẩm chưa nhiều, giá trị xuất khẩu và cạnh tranh trên thị trường còn hạn chế; việc xử lý các HTX ngừng không hoạt động chưa dứt điểm; năng lực nội tại của HTX yếu, còn phụ thuộc nhiều vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
Đội ngũ cán bộ quản lý HTX tuy đã được nâng lên trong giai đoạn, nhưng chưa đồng đều, chưa đáp ứng được yêu cầu trong phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ hội nhập kinh tế, công tác quản trị - điều hành sản xuất, kinh doanh gặp không ít khó khăn, thiếu tiếp cận các nguồn thông tin, chính sách hỗ trợ, khuyến khích của Nhà nước.
Một số giải pháp chính cần đẩy mạnh để thực hiện hiệu quả chính sách phát triển KTTT của tỉnh Yên Bái
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vai trò của KTTT, HTX, xây dựng và phát triển các Hợp tác xã kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa, trong đó Hợp tác xã đóng vai trò nòng cốt trong việc tổ chức sản xuất, chế biến và liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ hàng hóa cho người dân.
Về hoàn thiện khung khổ pháp lý, cơ chế chính sách: Nghiên cứu rà soát, chỉnh sửa, hoàn thiện Luật HTX năm 2012 và các văn bản hướng dẫn phù hợp với điều kiện thực tế. Đồng bộ hóa các văn bản Luật liên quan đến phát triển KTTT như đất đai, thuế, tín dụng,... Hoàn thiện các quy định pháp luật về THT, bổ sung các chính sách ưu đãi thích hợp đối với THT, khuyến khích phát triển THT trên địa bàn. Ban hành Chương trình hỗ trợ phát triển KTTT, HTX giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Có chính sách ưu tiên đối với các tổ chức KTTT, HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, địa bàn khó khăn và đặc biệt khó khăn.
Về huy động nguồn lực xã hội để phát triển KTTT, HTX: Tiếp tục huy động, tranh thủ nguồn lực từ các lực lượng xã hội, các tổ chức đoàn thể trong nước và quốc tế tham gia thúc đẩy phát triển KTTT. Bố trí kinh phí từ nguồn Ngân sách Trung ương và địa phương để hỗ trợ các địa phương thực hiện chính sách phát triển HTX. Thực hiện lồng ghép các nguồn vốn từ các Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình giảm nghèo bền vững, Chương trình mỗi xã một sản phẩm hỗ trợ tích cực cho KTTT, HTX. Tranh thủ nguồn vốn ưu đãi từ Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã ở Trung ương và nguồn vốn ưu đãi từ các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại, các Quỹ khác để hỗ trợ HTX Thực hiện hiệu quả chính sách đưa cán bộ có trình độ đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn tại HTX; Tăng cường năng lực quản trị hợp tác xã theo hướng công khai, minh bạch; củng cố công tác hạch toán, kế toán HTX. Phát triển tổ hợp tác để tổ chức sản xuất trên nhiều lĩnh vực, đa dạng ngành nghề, nâng dần thành HTX; phát triển HTX gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của địa phương, trên cơ sở liên kết hộ sản xuất với doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ hàng hóa, tăng sức cạnh tranh, mở rộng thị trường.
Đẩy mạnh công tác hỗ trợ để nâng cao hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu các sản phẩm chủ lực; hỗ trợ các HTX tích cực tham gia các chương trình phát triển HTX của Trung ương và địa phương, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của đơn vị; tư vấn, hướng dẫn các HTX ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ và khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Đỗ Nhân Đạo- Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Yên Bái
(yenbai.gov.vn)
Tin liên quan
- Vĩnh Phúc: Tháo gỡ khó khăn cho hợp tác xã nông nghiệp
- Thừa Thiên Huế: Phát triển sản phẩm OCOP ở Hương Trà
- Hà Tĩnh yêu cầu hoàn thành giải thể hợp tác xã yếu kém trước 15/9
- Quảng Ngãi: Hợp tác xã khó tiếp cận nguồn vốn ưu đãi
- Nữ Giám đốc HTX La Bằng: Mong muốn sản xuất chè hữu cơ, xây dựng khu du lịch sinh thái giải quyết việc làm cho bà con dân tộc
- Đồng Nai: Xã viên HTX vẫn khó vay vốn ngân hàng
- Những khó khăn, hạn chế trong quá trình thực hiện chính sách phát triển HTX, Tổ hợp tác tại tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 - 2020
- Lâm Đồng: Hợp tác xã xin đối ứng vốn để bê tông hoá giao thông nội đồng
- Cần tạo dựng liên kết giữa hợp tác xã và doanh nghiệp để đưa nông sản vào siêu thị
- Giải thể HTX kém hiệu quả, vướng mắc từ đâu