Những quy định mới bảo đảm cho hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân hoạt động an toàn, bền vững

Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 21/2019/TT-NHNN ngày 14/11/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư quy định về ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân và quỹ bảo đảm an toàn hệ thống quỹ tín dụng nhân dân (sau đây gọi tắt là Thông tư 21) và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/01/2020.

Một số nội dung thay đổi chủ yếu, đảm bảo hệ thống QTDND hoạt động an toàn, hiệu quả và bền vững hơn trong thời gian tới.

I. Về giới hạn địa bàn hoạt động của QTDND

Việc sửa đổi, bổ sung quy định về giới hạn địa bàn hoạt động được căn cứ vào chủ trương đã nêu tại Đề án “Củng cố và phát triển hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” ban hành kèm theo Quyết định số 209/QĐ-NHNN ngày 31/01/2019 của Thống đốc NHNN (gọi tắt là Đề án 209) đó là: Tại Mục III, điểm 1.1.d quy định: “Tiếp tục điều chỉnh địa bàn hoạt động của các QTDND theo hướng giới hạn hoạt động trên địa bàn một xã, phường, thị trấn. QTDND chỉ được hoạt động liên xã là các xã liên kề với xã nơi QTDND đặt trụ sở chính thuộc phạm vi trong cùng một quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt; tại các xã, phường, thị trấn khác được hình thành do thay đổi địa giới hành chính của các xã, phường, thị trấn đã được NHNN phê duyệt nhưng vẫn trong phạm vi cùng một tỉnh, thành phố trực thuộc tỉnh. QTDND ngành nghề hoạt động trên địa bàn theo hướng dẫn của NHNN”.

Do đó, tại Khoản 3 Điều 2 Thông tư 21 quy định, địa bàn hoạt động của QTDND là một xã, một phường hoặc một thị trấn (gọi chung là một xã);

Còn một số QTDND hoạt động trên với địa bàn liên xã, QTDND ngành nghề và QTDND bị thay đổi địa bàn hoạt động do chia tách địa giới hành chính, Thông tư 21 có điều khoản chuyển tiếp (Khoản 26 Điều 2) như sau:

- Đối với các QTDND hiện nay đang hoạt động trên địa bàn liên xã (trừ QTDND ngành nghề và QTDND bị thay đổi địa bàn hoạt động do chia tách địa giới hành chính) chỉ được tiếp tục hoạt động tại các xã liền kề hiện có nếu đáp ứng một số điều kiện cụ thể và phải duy trì các điều kiện này trong suốt quá trình hoạt động nhằm đảm bảo các QTDND phục vụ đúng đối tượng là các thành viên trên địa bàn, theo đó:

QTDND có địa bàn hoạt động liên xã là các xã liền kề với xã nơi QTDND đặt trụ sở chính thuộc phạm vi một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trước ngày 01/01/2020 được duy trì địa bàn hoạt động hiện tại khi đáp ứng các điều kiện sau:

i. Có từ 300 thành viên trở lên;

ii. Giá trị thực của vốn điều lệ tối thiểu bằng mức vốn pháp định1;

iii. Có cơ cấu tổ chức, bộ máy quản trị, điều hành, kiểm toán nội bộ, hệ thống kiểm soát nội bộ, người quản lý, người điều hành, thành viên Ban kiểm soát đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước;

iv. Không thuộc diện QTDND áp dụng can thiệp sớm và kiểm soát đặc biệt theo quy định của pháp luật;

v. Tổng mức nhận tiền gửi từ thành viên của QTDND tối thiểu bằng 60% tổng mức nhận tiền gửi của QTDND”.

- Đối với QTDND hoạt động theo ngành nghề, QTDND hoạt động theo từng doanh nghiệp được quy định tại các văn bản pháp luật trước đây2 được tiếp tục hoạt động trên địa bàn đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.

- Việc thay đổi địa bàn hoạt động của QTDND do chia, tách địa giới hành chính kể từ ngày 01 tháng 6 năm 2015 được thực hiện như sau:

i. QTDND được tiếp tục hoạt động trên địa bàn liên xã bao gồm các xã được hình thành do chia, tách địa giới hành chính trong phạm vi một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

ii. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày 01/01/2020 đối với trường hợp văn bản điều chỉnh địa giới hành chính của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có hiệu lực thi hành trước ngày 01/01/2020 hoặc 30 ngày kể từ ngày văn bản điều chỉnh địa giới hành chính của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có hiệu lực thi hành đối với trường hợp văn bản điều chỉnh địa giới hành chính của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có hiệu lực thi hành sau ngày 01/01/2020, QTDND có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thông báo về việc điều chỉnh địa giới hành chính và đề nghị sửa đổi, bổ sung Giấy phép;

iii. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được văn bản của QTDND, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh ra quyết định sửa đổi, bổ sung Giấy phép của QTDND.

- Kể từ ngày 01/01/2020, QTDND có địa bàn hoạt động liên xã là các xã liền kề với xã nơi QTDND đặt trụ sở chính thuộc phạm vi một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương không đáp ứng một trong các điều kiện được hoạt động liên xã theo quy định tại điểm a, b, c, d và đ khoản 1 Điều 47 (đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 26 Điều 2 Thông tư 21) phải xây dựng phương án xử lý, trừ trường hợp QTDND áp dụng can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt thực hiện theo quy định của pháp luật hoặc trường hợp QTDND quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 47 (đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 26 Điều 2 Thông tư 21). Phương án xử lý phải có tối thiểu các nội dung sau đây:

i. Thực trạng về địa bàn hoạt động liên xã;

ii. Mức độ đáp ứng đối với từng điều kiện hoạt động liên xã theo quy định tại khoản 1 Điều 47 (đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 26 Điều 2 Thông tư 21;

iii. Kế hoạch, biện pháp xử lý theo từng quý và cam kết thực hiện đảm bảo trong thời hạn tối đa 12 tháng kể từ ngày 01/01/2020 (đối với trường hợp không đáp ứng điều kiện trước ngày 01/01/2020) hoặc kể từ ngày xác định không đáp ứng đủ điều kiện hoạt động liên xã phải đáp ứng đủ điều kiện hoạt động liên xã quy định tại khoản 1 Điều 47 (đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 26 Điều 2 Thông tư 21).

- Sau thời hạn xử lý tối đa quy định tại điểm c khoản 4 Điều 47 (đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 26 Điều 2 Thông tư 21), QTDND không đáp ứng một trong các điều kiện được hoạt động liên xã là các xã liền kề với xã nơi QTDND đặt trụ sở chính thuộc phạm vi một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo quy định tại điểm a, b, c, d và đ khoản 1 Điều 47 (đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 26 Điều 2 Thông tư 21) phải có phương án xử lý, trong đó tối thiểu có các nội dung sau đây:

i. Thực trạng về địa bàn hoạt động liên xã;

ii. Mức độ đáp ứng đối với từng điều kiện hoạt động liên xã theo quy định tại khoản 1 Điều 47 (đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 26 Điều 2 Thông tư 21);

iii. Kế hoạch, biện pháp xử lý theo từng quý và cam kết thực hiện đảm bảo trong thời hạn tối đa 24 tháng kể từ ngày kết thúc phương án xử lý nêu tại điểm c khoản 4 Điều 47 (đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 26 Điều 2 Thông tư 21), QTDND phải chấm dứt hoạt động tại xã liền kề, điều chỉnh hoạt động về địa bàn xã nơi đặt trụ sở chính.

- Tại thời điểm 01/01/2020, QTDND có địa bàn hoạt động tại các xã không liền kề xã nơi đặt trụ sở chính (trừ trường hợp quy định tại khoản 2, 3 Điều 47 (đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 26 Điều 2 Thông tư 21) hoặc có địa bàn hoạt động liên xã ngoài phạm vi một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do chia, tách địa giới hành chính phải xây dựng phương án xử lý, trong đó tối thiểu có các nội dung sau đây:

i. Thực trạng về địa bàn hoạt động liên xã của QTDND;

ii. Kế hoạch, biện pháp xử lý theo từng quý, bao gồm cả việc tổ chức lại dưới hình thức chia, tách theo quy định của pháp luật và cam kết thực hiện để đảm bảo sau thời hạn tối đa 36 tháng kể từ ngày 01/01/2020 hoặc kể từ ngày văn bản điều chỉnh địa giới hành chính của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có hiệu lực thi hành chấm dứt hoạt động tại các xã không liền kề, xã ngoài phạm vi một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

II. Về giới hạn quy mô hoạt động của QTDND

Để đảm bảo QTDND có quy mô tổng tài sản trên 500 tỷ đồng theo tinh thần tại Đề án 209 hoạt động an toàn, lành mạnh, Thông tư 21 quy định:

- Thứ nhất, tổng mức nhận tiền gửi không quá 20 lần vốn chủ sở hữu (khoản 3 Điều 2);

- Thứ hai, QTDND phải đảm bảo tỷ lệ nhận tiền gửi từ thành viên chiếm tối thiểu 70% tổng mức nhận tiền gửi (đối với các QTDND khác, tỷ lệ này là 50% nếu hoạt động trên địa bàn một xã và 60% nếu hoạt động trên địa bàn liên xã (khoản 19 Điều 2).

Việc quy định các QTDND có quy mô tổng tài sản trên 500 tỷ đồng phải đảm bảo tỷ lệ nhận tiền gửi từ thành viên chiếm tối thiểu 70% tổng mức nhận tiền gửi của QTDND và có thời gian thực hiện chuyển tiếp đối với các QTDND chưa đáp ứng tỷ lệ này là 24 tháng là đảm bảo tính khả thi, không gây xáo trộn đối với hệ thống QTDND (khoản 29 Điều 2).

Việc bổ sung thêm quy định về tỷ lệ nhận tiền gửi từ thành viên của các QTDND có quy mô tổng tài sản trên 500 tỷ một mặt đảm bảo các QTDND điều chỉnh hoạt động của các QTDND quay trở lại đúng tôn chỉ, mục đích hoạt động là liên kết, hỗ trợ thành viên; mặt khác, phù hợp với định hướng tại Đề án 209 về tỷ lệ nhận tiền gửi từ thành viên của QTDND.

- Thứ ba, nâng cao tiêu chuẩn, điều kiện đối với thành viên và chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên và Trưởng Ban kiểm soát, Giám đốc.

III. Về tiêu chuẩn, điều kiện đối với các chức danh quản trị, điều hành của QTDND

Bám sát các nội dung tại Đề án 209, Thông tư 21 quy định tiêu chuẩn, điều kiện của các chức danh Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát, Giám đốc theo hướng nâng cao, tăng tương ứng với quy mô hoạt động của các QTDND, tập trung vào 2 yếu tố là: bằng cấp và kinh nghiệm công tác, theo đó:

- Đối với nhóm các QTDND có tổng tài sản dưới 200 tỷ đồng: Nâng cao điều kiện, tiêu chuẩn so với quy định tại Thông tư số 04; đồng thời, bổ sung thêm điều kiện về năm kinh nghiệm công tác đối với các chức danh;

- Đối với nhóm các QTDND có tổng tài sản từ 200 đến 500 tỷ đồng: Nâng cao điều kiện, tiêu chuẩn so với quy định tại Thông tư số 04 và cao hơn so với tiêu chuẩn, điều kiện của QTDND có tổng tài sản dưới 200 tỷ, đồng thời bổ sung thêm điều kiện về năm kinh nghiệm công tác đối với các chức danh;

- Đối với nhóm các QTDND có tổng tài sản trên 500 tỷ đồng: Quy định tiêu chuẩn, điều kiện thành viên và chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên và Trưởng Ban Kiểm soát, Giám đốc gần tương đương với tiêu chuẩn, điều kiện thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban Kiểm soát của Ngân hàng thương mại.

Các quy định mới này nhằm đảm bảo nâng cao năng lực, trình độ của cán bộ QTDND theo nội dung Đề án 209 cũng như tính khả thi của quy định trong thực tế.

IV. Quy định về nhiệm kỳ đối với Chủ tịch Hội đồng quản trị và Trưởng Ban kiểm soát QTDND

Thông tư 21 giới hạn nhiệm kỳ đối với chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị và Trưởng Ban kiểm soát của QTDND, theo đó, Chủ tịch Hội đồng quản trị và Trưởng Ban kiểm soát của QTDND giữ chức vụ không quá 02 nhiệm kỳ liên tiếp, nhiệm kỳ tại thời điểm 01/01/2020 được tính là nhiệm kỳ đầu tiên.

Quy định này đảm bảo các QTDND có tối thiểu một nhiệm kỳ để tìm kiếm nhân sự đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện của chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị và Trưởng Ban Kiểm soát, nhất là khi quy định về tiêu chuẩn, điều kiện của chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị và Trưởng Ban Kiểm soát tại Thông tư được quy định theo hướng nâng cao (về kinh nghiệm và bằng cấp), đặc biệt là đối với các QTDND có tổng tài sản dưới 200 tỷ đồng.

V. Quy định về tổ chức và hoạt động của Ban kiểm soát QTDND

Các QTDND có tổng tài sản dưới 200 tỷ đồng, tổ chức và hoạt động của Ban kiểm soát giống quy định tại Thông tư số 04, đó là các QTDND này phải có 03 thành viên, trong đó phải có ít nhất 01 thành viên chuyên trách.

Đối với QTDND có tổng tài sản từ 200 tỷ đồng trở lên, Ban kiểm soát phải có ít nhất 03 thành viên, trong đó phải có ít nhất 1/2 tổng số thành viên là thành viên chuyên trách, không đồng thời đảm nhiệm chức vụ, công việc khác tại tổ chức tín dụng hoặc doanh nghiệp khác.

Thông tư 21 giữ nguyên quy định về số lượng thành viên Ban kiểm soát và kiểm soát viên chuyên trách đối với các QTDND có tổng tài sản từ 8 tỷ đồng trở xuống, bỏ tiêu chí “có dưới 1.000 thành viên” vì số lượng thành viên về cơ bản không phản ánh khối lượng công việc của Ban kiểm soát (được lựa chọn thành lập Ban kiểm soát hoặc chỉ bầu 01 kiểm soát viên chuyên trách).

VI. Quy định về xác lập tư cách thành viên của QTDND

Quy định về xác lập tư cách thành viên được xây dựng trên cơ sở quy định có liên quan của Luật Các tổ chức tín dụng. Về cơ bản, quy định tại Thông tư về xác lập tư cách thành viên của QTDND hoàn toàn phù hợp với quy định có liên quan tại Luật Các tổ chức tín dụng (điểm d khoản 2 Điều 80, khoản 7 Điều 82)3.

Trong quá trình lấy ý kiến khi soạn thảo Thông tư, có nhiều ý kiến đề nghị quy định nội dung này giống Thông tư số 04 hoặc Luật Hợp tác xã. Tuy nhiên, việc sửa đổi, bổ sung quy định về xác lập tư cách thành viên của QTDND chỉ có thể sửa đổi trong trường hợp các quy định có liên quan tại Luật Các tổ chức tín dụng được sửa đổi, bổ sung.

VII. Về mức phí trích nộp Quỹ bảo toàn

Thông tư 21 (Điều 5) sửa đổi khoản 2 Điều 4 Thông tư số 03/2014/TT-NHNN ngày 23/01/2014 của Thống đốc NHNN quy định về quỹ bảo đảm an toàn hệ thống QTDND, theo đó, mức phí trích nộp Quỹ bảo toàn được quy định giảm từ mức 0,08% xuống mức 0,05% dư nợ cho vay bình quân năm liền kề trước kết thúc vào ngày 31/12 của ngân hàng hợp tác xã, QTDND.

Quy định này nhằm giảm bớt gánh nặng từ các mức phí đối với QTDND.

VIII. Về đại hội thành viên bất thường của QTDND được kiểm soát đặc biệt

Theo quy định tại khoản 5, 6 Điều 35 Thông tư số 04, trong trường hợp không đảm bảo số lượng thành viên tham dự đại hội thành viên, Đại hội thành viên bất thường sẽ tạm hoãn và triệu tập lại trong thời hạn 30 ngày. Tuy nhiên, trên thực tế, đối với các QTDND được kiểm soát đặc biệt, các thành viên QTDND có tâm lý “bỏ mặc”, không quan tâm đến hoạt động của QTDND, do vậy rất khó khăn cho các QTDND triệu tập đủ số thành viên theo quy định để tổ chức Đại hội thành viên quyết định các vấn đề cấp bách. Do vậy, để đảm bảo việc xử lý đối với các QTDND được kiểm soát đặc biệt, khoản 23 Điều 2 Thông tư 21 bổ sung khoản 6a vào Điều 35 Thông tư số 04 quy định về yêu cầu số lượng thành viên khi QTDND được kiểm soát đặc biệt tổ chức Đại hội thành viên tương tự như quy định tại Khoản 6 Điều 31 Luật Hợp tác xã 2012, đó là:

“Đại hội thành viên được tiến hành khi có ít nhất 75% tổng số thành viên, hợp tác xã thành viên hoặc đại biểu thành viên tham dự; trường hợp không đủ số lượng thành viên thì phải hoãn đại hội thành viên.

Trường hợp cuộc họp lần thứ nhất không đủ điều kiện tiến hành thì triệu tập họp lần thứ hai trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày dự định họp lần thứ nhất. Cuộc họp của đại hội thành viên lần thứ hai được tiến hành khi có ít nhất 50% tổng số thành viên, hợp tác xã thành viên hoặc đại biểu thành viên tham dự.

Trường hợp cuộc họp lần thứ hai không đủ điều kiện tiến hành thì triệu tập họp lần thứ ba trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày dự định họp lần thứ hai. Trong trường hợp này, cuộc họp của đại hội thành viên được tiến hành không phụ thuộc vào số thành viên tham dự”.

IX. Quy định về quản lý sổ tiết kiệm trắng

Thời gian vừa qua, việc buông lỏng công tác quản trị, điều hành, đặc biệt là trong việc in ấn và quản lý sổ tiết kiệm trắng tại một số QTDND đã dẫn đến sai phạm nghiêm trọng, gây hậu quả tiêu cực đến uy tín và tài sản của QTDND nói riêng, hệ thống QTDND nói chung và ảnh hưởng đến quyền lợi của người gửi tiền.

Để phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng trên, khoản 20 Điều 2 Thông tư 21 quy định, kể từ ngày 01/01/2020, các QTDND chỉ được sử dụng sổ tiết kiệm trắng theo mẫu thống nhất để nhận tiền gửi không kỳ hạn, có kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm của thành viên, tổ chức, cá nhân khác bằng đồng Việt Nam. Sổ tiết kiệm này do NHHTX đầu mối triển khai việc in ấn, quản lý và cung cấp cho các QTDND.

X. Các quy định mới khác

1. NHNN giao NHHTX “kiểm tra, giám sát hoạt động QTDND thành viên theo yêu cầu của NHNN”

Tại Điểm b mục 1.2 phần III Đề án 209 nêu rõ: “Tiếp tục tăng cường vai trò ngân hàng đầu mối kết nối hệ thống đối với các QTDND thành viên trong việc cho vay, hỗ trợ tài chính, điều hòa vốn nhàn rỗi giữa các QTDND thành viên; thực hiện việc kiểm tra, giám sát đối với các QTDND thành viên theo chỉ đạo của NHNN; hướng dẫn nghiệp vụ, việc thực hiện các quy định về an toàn của QTDND, hỗ trợ đào tạo, kiểm toán nội bộ của ngân hàng hợp tác xã đối với QTDND thành viên”.

Theo đó, Thông tư 21 quy định rõ NHHTX chỉ thực hiện việc “Kiểm tra, giám sát hoạt động QTDND thành viên theo yêu cầu của NHNN” và cũng để tránh việc NHHTX lạm dụng “quyền lực nhà nước” của NHNN.

2. Về chủ trương cấp phép QTDND trong từng thời kỳ

Hiện nay, NHNN có chủ trương tạm thời chưa cấp phép thành lập mới QTDND để tập trung thực hiện củng cố, chấn chỉnh hệ thống. Tuy nhiên, chủ trương này chưa được cụ thể hóa tại các văn bản pháp lý. Do vậy, để tạo cơ sở pháp lý trong việc chưa chấp thuận cấp phép thành lập mới QTDND trong các trường hợp hoặc giai đoạn cụ thể, Thông tư 21 đã sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 2 Điều 52 Thông tư số 04 về Trách nhiệm của NHNN như sau:“Thẩm định, cấp Giấy phép QTDND theo quy định tại Thông tư này và chủ trương của Ngân hàng Nhà nước trong từng thời kỳ…”

3. Về điều chỉnh tỷ lệ tổng mức nhận tiền gửi so với vốn chủ sở hữu

Thông tư 21 sửa đổi tỷ lệ này thành “QTDND phải đảm bảo tổng mức nhận tiền gửi không được vượt quá 20 lần vốn chủ sở hữu”.

Đồng thời, để đảm bảo QTDND có đủ thời gian điều chỉnh tỷ lệ này theo quy định, Thông tư 21 quy định QTDND có thời hạn chuyển tiếp là 24 tháng để điều chỉnh tỷ lệ nhận tiền gửi so với vốn chủ sở hữu.

Với những quy định mới trên đây sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để hệ thống QTDND hoạt động an toàn, hiệu quả và phát triển bền vững.

1 Hiện nay NHNN đang trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 141/2006/NĐ-CP ngày 22/11/2006 ban hành Danh mục mức vốn pháp định của các tổ chức tín dụng. Theo đó, mức vốn pháp định đối với các QTDND hoạt động trên địa bàn liên xã, liên xã phường, liên phường là 01 tỷ đồng (gấp 10 lần mức vốn pháp định theo quy định hiện hành là 100 triệu đồng). Do vậy, để đảm bảo tính khả thi và thống nhất của quy định, Thông tư 21 đã chỉnh sửa nội dung về điều kiện duy trì hoạt động liên xã liên quan đến mức vốn điều lệ thành: “Giá trị thực của vốn điều lệ tối thiểu bằng mức vốn pháp định”.

2 Thông tư số 06/2007/TT-NHNN ngày 06 tháng 11 năm 2007 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sửa đổi, bổ sung Thông tư số 08/2005/TT-NHNN ngày 30 tháng 12 năm 2005 của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn thực hiện Nghị định số 48/2001/NĐ-CP ngày 13 tháng 8 năm 2001 về tổ chức và hoạt động của QTDND và Nghị định số 69/2005/NĐ-CP ngày 26 tháng 5 năm 2005 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 48/2001/NĐ-CP ngày 13 tháng 8 năm 2001 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của QTDND

3 Điểm d khoản 2 Điều 80: “Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch và thành viên khác của Hội đồng quản trị; Trưởng ban và thành viên khác của Ban kiểm soát”

Khoản 7 Điều 82: “Xét kết nạp thành viên mới và giải quyết việc thành viên xin ra, trừ trường hợp khai trừ thành viên và báo cáo để Đại hội thành viên thông qua”

Chi tiết Thông tư số 21/2019/TT-NHNN  tại đây


Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam

Giấy phép số: 175/GP-TTDT ngày 10 tháng 10 năm 2023 của Cục Phát thanh truyền hình và TTĐT thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông.

Ghi rõ nguồn: "vca.org.vn" khi phát hành thông tin từ trang này.

Copyright 2013 vca.org.vn - Technology Supported by ECPVietnam