Nữ Giám đốc Đỗ Thị Mỹ Thơm đi lên từ hai bàn tay trắng

Chanh dây của hợp tác xã
Sau khi ra nhập hội viên Hội Nông dân xã từ năm 2007, bà được tham gia các lớp tập huấn do Hội Nông dân huyện phối hợp với Phòng Nông nghiệp, Trạm Khuyến nông tổ chức. Từ đó, bà biết áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Năm 2008, lợi nhuận kinh tế không nhiều nhưng gia đình bà mạnh dạn mua thêm đất để trồng chanh dây, cây ăn trái, rau củ quả. Tiếp đó, bà mạnh dạn vay vốn ngân hàng để đầu tư sản xuất, trồng thêm chanh dây, liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho các hộ dân địa phương. Năm 2015, gia đình bà đã liên kết thành lập Công ty cung ứng trái cây xuất khẩu và năm 2017 thành lập Công ty thu mua và sơ chế, chế biến nông sản.
Diện tích ngày càng được mở rộng, sản phẩm nông nghiệp nhiều. Cùng với đó, được Hội Nông dân xã và huyện hướng dẫn, Hội Phụ nữ huyện và tỉnh vận động bà đứng ra liên kết với một số cá nhân thành lập HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Hùng Thơm Gia Lai vào năm 2018 do bà làm Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc.
HTX đã được hỗ trợ ngân sách cho đầu tư, ứng dụng và đổi mới công nghệ của tỉnh: Năm 2019, từ ngân sách hỗ trợ nông nghiệp tỉnh 1 tỉ đồng; năm 2020 được hỗ trợ 610 triệu đồng từ Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại (Sở Công Thương). Bà triển khai nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh như: Mô hình trồng rau của quả và cây ăn trái lấy ngắn nuôi dài, có giá trị kinh tế cao theo hướng hữu cơ, xây dựng thị trường đầu ra bền vững.
Triển khai mô hình trồng chanh dây sạch trong 2 năm (2019-2020) được 80 ha. Đến năm 2022, HTX có 38 thành viên chính thức, 61 thành viên kết nạp mới, trên 200 xã viên liên kết trồng, canh tác. Diện tích trồng chanh dây theo chuỗi giá trị năm 2022 trên 300 ha, trong đó 5 ha đã được chứng nhận Global gap, hơn 126 ha được chứng nhận 7 mã vùng trồng.
HTX phối hợp với Công ty cổ phần Quốc tế Thông Đỏ, Công ty cổ phần Nafood, các công ty ủy thác xuất khẩu, công ty phân bón cây trồng trong nước mở các lớp hội thảo về kỹ thuật trồng cây chanh dây, bón phân hợp lý cho các thành viên, hội viên nông dân, cam kết bảo đảm giống cây trồng và nguồn phân bón đạt tiêu chuẩn với mức bảo hiểm 4 tháng cho cây ra hoa, đậu quả ổn định bàn giao nông hộ. Bảo hiểm cây giống đổi trả 100% do lỗi kỹ thuật và đền bù 50% hỗ trợ trồng mới cho cây không ra hoa, đậu quả theo đúng cam kết chất lượng sản phẩm.
HTX tiếp tục thúc đẩy sản xuất, sơ chế, chế biến các mặt hàng như: Chanh dây tươi xuất khẩu, ruột chanh dây đông lạnh, nước cốt chanh dây, chanh dây sấy dẻo, nước sốt chanh dây, bột chanh dây, trà Detox chanh dây sấy giòn, tinh dầu chanh dây…và tiếp tục tìm tòi sáng tạo, tận dụng hết nguyên liệu, không lãng phí bằng cách dùng lá sau khi cắt tỉa bỏ và vỏ lụa sau khi tách lấy cơm và uột làm thức ăn nuôi bò.
Liên kết đầu mối tiêu thụ thịt bò giúp bà con có thêm nguồn thu. Áp dụng chuyển đổi số trong công tác quản lý canh tác kỹ thuật tạo mối liên kết giữa nông hộ canh tác. HTX quản trị điều hành đến khách hàng tiêu thụ sản phẩm, nắm bắt rõ thông tin minh bạch giữa các bên liên kết hợp tác từ nguồn gốc canh tác, sản phẩm đến điều hành sản xuất, đóng gói xuất nhập khẩu và thông tin phản hồi của người tiêu dùng. HTX tạo điều kiện vùng trồng cho thành viên canh tác theo hình thức xen canh, lấy thực vật nuôi thực vật, bằng phương án trồng cây dược liệu, gia vị như: Sả, nghệ, gừng, lá dứa, ớt, hoa cúc, các loại lá phục vụ trang trí hoa…Trồng xen canh hoa cúc thu hoạch hoa sấy khô cung cấp cho khách hàng và làm trà hoa cúc.
Đồng thời, tái tạo mô hình theo hướng du lịch cộng đồng, khám phá thiên nhiên từ mô hình trồng hoa và cây ăn trái các loại…cho du khách tham quan trải nghiệm thực tế, giúp gia tăng nguồn thu phụ cho bà con. Từ đó, HTX cho ra đời thêm các mặt hàng tiêu biểu như: Trà sả thảo mộc, trà hoa cúc, nghệ ngâm mật ong từ hoa, nghệ sấy, gừng sấy và các sản phẩm chủ lực chanh dây theo chuỗi giá trị sản phẩm đã và đang được chào hàng ra thị trường và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp quyết định về công bố nhãn hiệu.
Đã mở rộng kênh bán hàng thương mại điện tử trong nước và quốc tế như: Alibaba quốc tế, Lazada, kiti, sen đỏ, tiktok…HTX đã được cấp chứng nhận ISO 22000:2018; chứng nhận HACCP tạo điều kiện cho sản phẩm có hướng đi xa hơn, nâng giá trị sản phẩm phát triển đa dạng, bền vững; mã xuất khẩu mang tên HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Hùng Thơm Gia Lai; mã vùng trồng xuất khẩu. Đã đăng ký mã đóng gói giúp khách hàng và nhà sản xuất dễ dàng phục vụ công tác xuất nhập khẩu.

Chanh dây chuẩn bị đóng thùng xuất khẩu
Khẳng định thương hiệu của sản phẩm tập thể dưới sự giúp đỡ của các ban, ngành, đoàn thể, sự hướng dẫn của Liên minh HTX tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, vận động của Hội Nông dân và Hội Phụ nữ các cấp, HTX đã mạnh dạn đăng ký tham gia “Chương trình mỗi xã một sản phẩm”. Đến cuối năm 2022, HTX có 2 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao như: Chanh dây quả, tinh cốt chanh dây nguyên chất và 5 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao gồm: Nước cốt chanh dây Hùng Thơm, tinh dầu chanh dây, chanh dây sấy dẻo, bộ sản phẩm Ruột chanh dây cấp đông, trà Sả thảo mộc…
Năm 2022, HTX được chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu về mặt hàng là bộ sản phẩm Chanh dâu của Sở Công thương tổ chức; được chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp Khu vực miền Trung và Tây Nguyên đối với bộ sản phẩm Chanh dây; đạt giải nhất sản phẩm Chanh dây qua Hội thi sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu do Hội Nông dân tỉnh đăng cai.

Chanh dây sấy dẻo
Đến nay, HTX có tổng vốn cố định 1 tỉ đồng, vốn lưu động 2,5 tỉ đồng. Việc phát triển HTX cũng như mở rộng diện tích liên kết hợp tác trồng chanh dây của HTX đã tạo việc làm cho 20 lao động thường xuyên, với mức lương 5,5 triệu đồng/ tháng và 50 lao động thời vụ. HTX cũng hỗ trợ 14 hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn xã về giống, phân bón, kỹ thuật, giúp các hộ có điều kiện phát triển sản xuất, tăng thu nhập, từng bước thoát nghèo. Hằng năm, cứ dịp tết cổ truyền của dân tộc, HTX tặng quà tết cho công nhân và các hộ nghèo trên địa bàn xã. Mỗi năm, HTX cũng ủng hộ Qũy Hỗ trợ nông dân và Qũy vì người nghèo 4 triệu đồng và tích cực tham gia các hoạt động xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Riêng gia đình bà Đỗ Thị Thơm đạt lợi nhuận 1,4 tỉ đồng/năm.


Năm 2020, bà được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện chương trình mỗi xã 1 sản phẩm OCOP; UBND tỉnh Gia Lai tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác góp phần xây dựng và phát triển HTX trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015-2020. Năm 2022, bà được UBND tỉnh tặng Bằng khen vì đã đạt thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững Cấp tỉnh lần thứ VI; Hội Nông dân Việt Nam tặng Bằng khen đạt danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022”.
Văn Thư/ Theo doanh nghiệp và trang trại Việt Nam
Tin liên quan
- Công bố Sách trắng Hợp tác xã Việt Nam và Doanh nghiệp Việt Nam 2020
- HTX nông nghiệp sông Đà (Phú Thọ): Thu nhập hơn 800 triệu đồng mỗi năm từ trồng măng tây
- Kinh tế hợp tác, HTX đóng góp quan trọng trong phát triển KT - XH đất nước
- Mô hình HTX chăn nuôi tập trung cho hiệu quả kinh tế cao
- HTX Bảo hiệu: Giám đốc trẻ đưa cả làng ăn nên làm ra nhờ loài cây dại
- Đưa nông sản Việt vào chuỗi cung ứng giá trị
- Mai Linh ra mắt mô hình HTX taxi truyền thống kết hợp công nghệ
- Khẩn trương xây dựng bộ dữ liệu quốc gia về kinh tế tập thể, hợp tác xã
- Quảng Bình: Thí điểm đưa cán bộ trẻ vừa tốt nghiệp đại học - cao đẳng về làm việc tại các hợp tác xã nông nghiệp
- Hợp tác xã... gom rác trên biển