Phát triển các mô hình hợp tác xã tại những địa bàn khó khăn: Giải pháp thúc đẩy giảm nghèo bền vững

Phú Thọ là tỉnh thuộc trung du miền núi phía bắc, điều kiện kinh tế xã hội ở một số nơi còn nhiều khó khăn, trong đó khó khăn lớn nhất là phát triển sinh kế, nâng cao thu nhập tiến tới giảm nghèo bền vững cho người dân. Bằng sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền cùng chung tay với bà con nhân dân đã hình thành nên các mô hình hợp tác xã để liên kết giúp nhau làm kinh tế, từ đó dần ổn định cuộc sống, một số mô hình đã có sự phát triển, tạo dựng được thương hiệu.

HTX chè an toàn Long Cốc (huyện Tân Sơn) phát triển chế biến sản phẩm từ vùng nguyên liệu theo
tiêu chuẩn VietGap tạo việc làm bền vững cho người dân địa phương

Theo “Công bố kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2018 theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020” của 63 tỉnh, thành phố của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnhPhú Thọ thấp thứ 3 trong 11 tỉnh khu vực miền núi Đông Bắc. Đến năm 2018, tỉnh Phú Thọ có 28.667 hộ nghèo, chiếm 7,09%; số hộ cận nghèo là 26.134 hộ, chiếm 6,46%. Trong đó 27.531/28.667 hộ nghèo ở khu vực nông thôn; 9.177/28.667 hộ nghèo là dân tộc thiểu số. Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh hằng năm giảm đạt mục tiêu đề ra. Những kết quả đạt được đó có một phần nguyên nhân từ việc cấp ủy, chính quyền địa phương hỗ trợ, tạo điều kiện thúc đẩy người dân ở những khu vực khó khăn thay đổi phương thức sản xuất, thông qua liên kết để tập trung nguồn lực đầu tư, đảm bảo nguyên tắc quản lý chặt chẽ.

Huyện Tân Sơn đã được công nhận thoát nghèo theo Quyết định số 275/QĐ-TTg ngày 07/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Trong những năm qua, huyện đã tích cực tạo điều kiện để các HTX nông nghiệp củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động, kiên quyết giải thể các HTX yếu kém, đồng thời vận động, tổ chức các HTX mới theo Luật HTX năm 2012 đáp ứng nhu cầu của người dân địa phương. Một số HTX được lựa chọn để tổ chức cung ứng giống cây, con cho các hộ thành viên từ chương trình 30a, 135, xây dựng nông thôn mới; khuyến khích phát triển mô hình mới như HTX thu gom và xử lý rác thải tại xã Minh Đài, Xuân Đài. Trong đó nổi lên mô hình của HTX sản xuất chè an toàn Long Cốc được xây dựng trở thành điển hình, làm điểm để học tập, rút kinh nghiệm, đến nay, sản phẩm của HTX đã có mặt tại nhiều thị trường trong và ngoài tỉnh, giải quyết việc làm thường xuyên cho 10 lao động địa phương, với thu nhập 4 – 5 triệu đồng/người/tháng. Các sản phẩm của HTX sản xuất chè an toàn Long Cốc ngày càng đa dạng, có giá trị kinh tế cao, giá bán từ 500.000 đồng đến 1,3 triệu đồng/kg chè khô. Với sự giúp đỡ của UBND huyện, các cơ quan chuyên môn HTX đã tạo lập được nhãn hiệu tập thể chè Long Cốc. Theo ông Tạ Ngọc Yến – Chủ tịch UBND huyện Tân Sơn đánh giá “mô hình kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã là giải pháp quan trọng để tập hợp sức mạnh của người dân, đây là xu hướng tất yếu để nâng cao sức cạnh tranh, từ đó phát huy các thế mạnh của địa phương, giúp người dân cùng nhau vươn lên xóa đói, giảm nghèo”. Trong thời gian tới, huyện Tân Sơn tiếp tục phát huy, mở rộng hơn nữa mô hình HTX gắn với chương trình giảm nghèo, đồng thời khuyến khích khai thác phát triển các sản phẩm truyền thống làng nghề, sản phẩm đặc sản như gà nhiều cựa, rượu ngô, các sản phẩm dệt thổ cẩm và phát triển du lịch cộng đồng.

Còn tại huyện Thanh Sơn, cây chè từ lâu đã là cây mang lại giá trị kinh tế ổn định cho người người dân, giúp cho không ít hộ thoát nghèo. Tuy nhiên, nhìn lại quá trình đó, cũng thấy rằng giá trị từ việc sản xuất, bán nguyên liệu thô mang lại giá trị thấp, khó thúc đẩy người dân vươn lên, cải thiện nhiều mặt đời sống. Xuất phát từ những yêu cầu rất thực tiễn đó, mà tại một số vùng, người dân đã tự nguyện liên kết hợp tác thành các hợp tác xã, tổ hợp tác để đầu tư máy móc, thiết bị chế biến chè nhằm tận dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ, tạo ra sản phẩm có giá trị cao hơn. Ông Hoàng Xuân Thanh – Giám đốc HTX chè an toàn Thanh Hà cho biết “HTX thành lập với 30 thành viên là những hộ đang trồng chè trên địa bàn xã Võ Miếu, nhận thấy mô hình HTX có nhiều ưu điểm, phù hợp với trình độ và nhu cầu của người dân ở đây, nên đã thành lập, tổ chức sản xuất nguyên liệu với 20 ha, theo hướng hữu cơ, HTX cũng đầu tư máy móc thiết bị chế biến, sản phẩm làm ra được đóng gói và gắn mác chung của HTX”. Nhờ phát triển thêm hoạt động chế biến mà mỗi thành viên HTX chè an toàn Thanh Hà có thu nhập tăng thêm từ 3 – 4 triệu đồng/người/tháng, đời sống của thành viên cải thiện đáng kể. Theo báo cáo của UBND huyện Thanh Sơn, chỉ trong 2 năm 2018 và năm 2019, toàn huyện đã thành lập mới 6 HTX sản xuất chế biến chè, bên cạnh đó còn nhiều mô hình HTX khác hình thành với quy mô sản xuất lớn như HTX nông nghiệp An Phú chăn nuôi trên 30 vạn gà thịt mỗi năm, HTX thịt chua Thanh Sơn tiêu thụ trên 2.000 sản phẩm mỗi tháng.

Có thể thấy mô hình HTX đang dần đi vào cuộc sống của những người dân khu vực đặc biệt khó khăn, trở thành một giải pháp thúc đẩy nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người dân đồng thời thông qua mô hình HTX đã khuyến khích, phát triển sinh kế mới cho nhiều người, đặc biệt thay đổi tư duy sản xuất từ nhỏ lẻ manh mún, sang hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau. Tiếp tục khẳng định vai trò, phát huy hơn nữa những kết quả đạt được trong phát triển HTX ở khu vực khó khăn, ông Nguyễn Thành Nam – Chủ tịch LMHTX tỉnh khẳng định “Phát triển HTX ở khu vực khó khăn là việc làm cần thiết và phù hợp, do đó trong thời gian tới, LMHTX tỉnh cùng với địa phương, các ngành của tỉnh sẽ tiếp tục tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tiếp tục có những chính sách cụ thể, giải pháp đồng bộ tạo điều kiện hình thành các HTX, tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh, trong đó ưu tiên những khu vực khó khăn, trên tinh thần tự nguyện, đáp ứng đúng nhu cầu của người dân”.

Trung tâm Thông tin- Tuyên truyền