Phát triển HTX từ làng nghề, phát huy giá trị các sản phẩm đặc trưng địa phương

Thời gian qua, trong tiến trình củng cố và phát triển các làng nghề đã xuất hiện một số mô hình hợp tác xã (HTX) hoạt động đã phát huy hiệu quả góp phần tích cực thúc đẩy phát huy giá trị các sản phẩm đặc trưng của địa phương. Phát triển HTX từ làng nghề tuy còn gặp những khó khăn, vướng mắc trong nhận thức, cách làm, chính sách, song, đây là hướng đi phù hợp cho các làng nghề, cần được nghiên cứu, triển khai, nhân rộng.

Tỉnh Phú Thọ hiện có 75 làng nghề, thuộc 4 nhóm ngành nghề chính là: nghề chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản, nghề thủ công mỹ nghệ, đồ gỗ, mây tre đan, nghề gây trồng, kinh doanh sinh vật cảnh, nghề xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng. Các làng nghề nông thôn của tỉnh đang phát triển ngày càng phong phú, đa dạng, đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích cực, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, khai thác tiềm năng lợi thế của tỉnh, giữ gìn và phát huy bản sắc văn, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới bền vững. Các hoạt động của làng nghề đang duy trì việc làm cho trên 15.000 lao động, tạo ra thu nhập gần 1.300 tỷ đồng mỗi năm.

Nghề làm nón Sai Nga (Cẩm Khê) và làng nón Gia Thanh (Phù Ninh) của tỉnh Phú Thọ

Tuy nhiên, quy mô sản xuất của các làng nghề còn nhỏ lẻ, manh mún; nguồn vốn đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh ít, khả năng huy động vốn hạn chế. Sản phẩm của làng nghề hầu hết chưa có nhãn hiệu hàng hóa, chưa đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ. Sự liên kết các cơ sở trong làng nghề còn hạn chế, chất lượng sản phẩm chưa đồng đều, thị trường tiêu thụ sản phẩm hẹp, chủ yếu vẫn là thị trường nội tiêu. Đây chính là nút thắt trong quá trình phát triển làng nghề cần phải tháo gỡ.
Để giải quyết vấn đề này, thời gian qua, tại một số làng nghề đã hình thành mô hình HTX nhằm tập trung các nguồn lực về vốn, con người, kiến thức kinh nghiệm để phát triển các sản phẩm của làng nghề. Toàn tỉnh, hiện có 12 HTX phát triển từ nền tảng của làng nghề, sản phẩm đã được tạo lập, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể, giúp cho hoạt động kinh doanh sản phẩm của làng nghề được tốt hơn. Các sản phẩm như: mì gạo (HTX mì gạo Hùng Lô, Việt Trì), tương (HTX tương Dục Mỹ, Lâm Thao), chè xanh (HTX sản xuất chế biến chè Phú Thịnh, Phú Thọ), cá chép đỏ (HTX cá chép đỏ Thủy Trầm, Cẩm Khê) ngày càng khẳng định giá trị, thị trường tiêu thụ liên tục được mở rộng.
Các HTX phát triển ngày càng đa dạng, phù hợp với nhu cầu và trình độ phát triển của làng nghề, được củng cố, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động. Thông qua hoạt động của HTX nhiều tiến bộ kỹ thuật mới được chuyển giao, ứng dụng trong sản xuất và đã hình thành được một số mô hình đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt; góp phần tăng năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất, giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, tăng cường sức cạnh tranh trên thị trường; đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn; góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế hộ trong làng nghề phát triển.
Đối với những hộ tại làng nghề sản xuất chế biến chè Phú Thịnh, từ khi tham gia HTX, luôn nhận được sự quan tâm, động viên, tạo điều kiện của các cấp, các ngành trong tỉnh trong định hướng phát triển; đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, tay nghề sản xuất, chế biến chè chất lượng cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; hỗ trợ máy móc, trang bị, vốn để HTX cải thiện năng suất, chất lượng sản phẩm; tạo lập nhãn hiệu tập thể, dán tem truy suất nguồn gốc. Qua đó, thành viên tham gia HTX có thêm các cơ hội phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Hiện nay, sản phẩm chè xanh của thành viên HTX có giá bán cao gấp 3 lần so với trước khi vào HTX, bình quân từ 250.000 – 300.000 đồng/kg; doanh thu của HTX năm 2018, đạt 1.350 triệu đồng, dự kiến năm 2019 tiếp tục tăng lên 1.950 triệu đồng tăng gấp 22 lần so với khi mới thành lập năm 2016.
Hiện nay, làng nghề không phải là tổ chức kinh tế có tư cách pháp nhân nên rất hạn chế trong các giao dịch thương mại với các pháp nhân khác, thì HTX có đầy đủ tư cách pháp nhân để tham gia các hoạt động giao dịch, ký kết hợp đồng, tạo tập nhãn hiệu. HTX mì gạo Hùng Lô được thành lập dựa trên nền tảng làng nghề chế biến nông sản thực phẩm Đoàn Kết với ngành nghề sản xuất kinh doanh mì gạo, bún khô, phở khô, kế thừa kinh nghiệm sản xuất truyền thống, cùng với việc đầu tư máy móc thay thế, giảm dần lao động thủ công, kiểm soát được chất lượng sản phẩm, tạo ra sản phẩm đồng đều. Nhờ có tư cách pháp nhân, HTX mì gạo Hùng Lô đã ký kết hợp đồng cung cấp sản phẩm với hệ thống siêu thị lớn trong nước như BigC, Vinmart, Aloha, mở rộng được thị trường ra khắp cả nước và đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Công hòa Séc. Trung bình mỗi tháng HTX sản xuất và tiêu thụ khoảng 30 tấn mì gạo, doanh thu 8 tỷ đồng/năm. HTX hoạt động có hiệu quả đã giúp giải quyết việc làm ổn định thường xuyên cho 25 lao động của địa phương với mức thu nhập 4,5 triệu đồng/người/tháng.
Tuy nhiên, để HTX phát triển cùng với làng nghề, phát huy các giá trị sản phẩm đặc trưng địa phương, còn gặp không ít những khó khăn, trong đó thiếu quỹ đất để xây dựng khu vực sản xuất tập trung là vấn đề vướng mắc nhất hiện nay. Đơn cử như HTX tương Dục Mỹ, huyện Lâm Thao đã phải từ chối đơn hàng lớn từ một số hệ thống siêu thị uy tín do chưa có khu vực sản xuất tập trung, đảm bảo cung cấp được số lượng ổn định, chất lượng đồng đều. HTX mì gạo Hùng Lô được chính quyền xã tạo điều kiện cho thuê đất công ích với thời hạn 5 năm, thời gian thuê đất quá ngắn nên HTX chưa thể yên tâm đầu tư mở rộng, nâng cấp thêm nhà xưởng chế biến, phơi mì để đảm bảo hơn nữa chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, nhận thức về HTX của các cấp ủy, chính quyền, nhân dân tại nơi các làng nghề hoạt động chưa đầy đủ, chưa phân biệt rõ ràng giữa HTX và làng nghề, cùng với trình độ quản lý, điều hành cán bộ HTX, ban quản lý làng nghề còn nhiều hạn chế làm cản trở sự phát triển của HTX.
Phát triển HTX trong làng nghề là nhu cầu tất yếu giải quyết những khó khăn làng nghề đang gặp phải, hướng tới giữ gìn và phát triển, nâng cao giá trị sản phẩm truyền thống. Cùng với đó, các cấp, các ngành cần quan tâm giải quyết vấn đề về đất đai, vấn đề ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, vận dụng các chính sách về vốn và xây dựng thương hiệu, bảo đảm đầu vào và đầu ra tiêu thụ sản phẩm ổn định để làng nghề phát triển hiệu quả.
Trong thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh tiếp tục phối hợp với các sở, ngành tích cực, chủ động tham mưu với Tỉnh ủy-UBND tỉnh về phát triển KTTT nói chung và phát triển HTX trong làng nghề nói riêng. Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về HTX gắn với phát triển làng nghề và các chủ trương phát triển KTTT/HTX của Đảng, Nhà nước và của tỉnh. Tập trung tư vấn thành lập HTX trong làng nghề, hỗ trợ HTX xây dựng phương án sản xuất kinh doanh nhằm tạo ra quy trình sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị từ khâu thiết kế, cải tiến mẫu mã sản phẩm đến tổ chức tốt quy trình sản xuất và tiêu thụ theo một liên kết chuỗi giúp nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Phát triển HTX trong làng nghề tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập thành viên HTX và người lao động, tạo động lực cho từng hộ làm nghề và tăng cường liên kết thúc đẩy sản xuất làng nghề, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, HTX.
Nguyễn Thành Nam -Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Phú Thọ