Yên Mô (Ninh Bình):

Phát triển nông nghiệp hữu cơ - Tạo hướng đi bền vững

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ để cung cấp thực phẩm an toàn, đồng thời đảm bảo hệ sinh thái bền vững, bảo vệ môi trường... là mục tiêu mà huyện Yên Mô đề ra để hướng tới phát triển ngành nông nghiệp bền vững. Để hiện thực hóa mục tiêu đó, HĐND huyện Yên Mô đã thông qua Đề án Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo an toàn thực phẩm và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn giai đoạn 2022-2025.

Yên Mô: Phát triển nông nghiệp hữu cơ - tạo hướng đi bền vững

Thu hoạch cà chua tại HTX Phúc Long, xã Yên Từ.

Những năm qua, mặc dù bị ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, nhất là dịch COVID-19, bệnh dịch tả lợn Châu Phi, viêm da nổi cục trên trâu, bò... nhưng sản xuất nông nghiệp của huyện Yên Mô tiếp tục phát triển theo hướng hàng hóa. 

Đối với trồng trọt, cơ cấu mùa vụ có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, phù hợp với tình hình thực tế và nhu cầu thị trường. Tỷ lệ gieo cấy lúa chất lượng cao năm 2021 tăng 12,6% diện tích so với năm 2015. Toàn huyện có 65 ha canh tác 4 vụ/năm cho giá trị thu hoạch từ 300-350 triệu đồng/ha/năm. 

Việc ứng dụng công nghệ cao, sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm được các hộ nông dân từng bước triển khai như: lắp đặt hệ thống nhà màng, nhà lưới, tưới tiết kiệm, cho giá trị thu nhập trên 500 triệu đồng/ha/năm. Trên địa bàn huyện đã hình thành vùng sản xuất rau quả hàng hóa tập trung, đảm bảo an toàn thực phẩm tại các xã Yên Phong, Yên Lâm, Yên Thái, Yên Mạc.... 

Toàn huyện có 14 HTX nông nghiệp liên kết với 8 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để sản xuất từ 450-500 ha khoai tây, ngô ngọt, ớt, đậu tương rau... đảm bảo đầu ra ổn định. Bình quân giá trị sản xuất 1 ha canh tác năm 2021 ước đạt 139 triệu đồng/ha, tăng 29,4 triệu đồng/ha so với năm 2015. 

Chăn nuôi tiếp tục chuyển dịch theo hướng trang trại, gia trại, an toàn sinh học. Số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, tận dụng ở khu dân cư giảm hơn 50% so với năm 2015. Đến nay toàn huyện có 45 trang trại có doanh thu hàng năm trên 1 tỷ đồng và có 301 gia trại có doanh thu trên 500 triệu đồng (tăng 41 gia trại) so với năm 2015. 

Sản xuất thủy sản phát triển mạnh, nhất là ở các xã vùng chiêm trũng, chuyển từ sản xuất tận dụng sang thâm canh, ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang sản xuất lúa-cá, trồng cây ăn quả kết hợp nuôi thủy sản hoặc ao nổi nên năng suất, sản lượng, giá trị sản xuất thủy sản tăng cao. 

Bà Lê Thị Linh, Phó Phòng nông nghiệp và PTNT huyện Yên Mô cho biết: Tuy đạt được những kết quả tích cực nhưng việc lạm dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu trong sản xuất, chất thải chăn nuôi, rác thải... ngày càng gia tăng, tác động xấu đến môi trường. Sản xuất nông nghiệp của huyện nhìn chung còn nhỏ lẻ, phân tán, vùng sản xuất tập trung chưa nhiều, sản phẩm hàng hóa chưa phong phú, đa dạng. 

Để phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững và đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của thị trường, Yên Mô đang tập trung triển khai có hiệu quả Đề án Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo an toàn thực phẩm và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn giai đoạn 2022-2025. 

Với mục tiêu cụ thể là phấn đấu đến năm 2025 toàn huyện có 1.300 ha lúa trở lên được sản xuất theo hướng hữu cơ; 100 ha rau, củ, quả ứng dụng công nghệ cao; chuyển đổi được 1.000 ha đất cấy lúa kém hiệu quả sang các mô hình canh tác mới; có từ 8-10 trang trại, 10 - 15 gia trại ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo an toàn sinh học, vệ sinh môi trường.

Năm nay là năm đầu tiên triển khai Đề án, Yên Mô tập trung hỗ trợ 40% kinh phí xây dựng một số mô hình nhà màng, nhà lưới trồng dưa và rau sạch, chủ yếu ở Yên Phong, Yên Từ, Mai Sơn; hỗ trợ 50% chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho 200 ha lúa sản xuất theo phương pháp hữu cơ; hỗ trợ 50% chi phí mua máy ép tách phân. Các mô hình đang triển khai và dự kiến cuối năm nay sẽ đánh giá hiệu quả bước đầu. Trên cơ sở đó, huyện tiếp tục khuyến khích nhân dân nhân rộng mô hình trong thời gian tới, phấn đấu đạt mục tiêu đã đề ra.

Cùng với việc hỗ trợ các mô hình đang được xây dựng điểm, một tín hiệu vui là hiện nay trên địa bàn huyện Yên Mô đã xuất hiện một số mô hình phát triển kinh tế tổng hợp, các trang trại bước đầu chú trọng nhiều hơn đến sản xuất hữu cơ, đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn an toàn nông sản. Chủ yếu chuyển sang sử dụng phân bón hữu cơ trong sản xuất để thay thế cho phân hóa học, đem lại hiệu quả cao hơn mà không gây ảnh hưởng xấu đến môi trường. 

Yên Mô Phát triển nông nghiệp hữu cơ tạo hướng đi bền vững
Mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ của anh Lã Phú Thuận ở xã Khánh Thịnh.

Là một trong những người tiên phong trong triên khai phương pháp sản xuất hữu cơ anh Lã Phú Thuận ở xã Khánh Thịnh chia sẻ, với mục tiêu sản xuất ra những sản phẩm sạch đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường, hiện anh đang áp dụng phương pháp hữu cơ an toàn cho mô hình trồng khoai ngọt lấy ngó kết hợp nuôi thủy sản. Trên diện tích 12 mẫu ruộng trũng trước đây cấy lúa kém hiệu quả, anh tạo luống cao để trồng khoai, dưới rãnh nước thả cá trắm cỏ, nuôi ốc nhồi và phát triển tự nhiên các con thủy sản có lợi như tôm, tép và cua. Cây khoai được bón bằng phân vi sinh với lượng vừa đủ, các con nuôi tự ăn thức ăn trong đồng, không sử dụng bất cứ một loại chất hóa học nào. Việc sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh chứa nhiều vi sinh vật sẽ có lợi cho cây trồng, giúp đất tơi xốp, giữ được độ ẩm, không làm bạc màu đất. 

Bên cạnh đó, phân bón hữu cơ vi sinh còn cung cấp gần như đầy đủ chất dinh dưỡng, tăng khả năng miễn dịch của cây trồng, giúp năng suất tăng thêm 20% so với khi sử dụng phân bón vô cơ. 

Ngoài ra, định kỳ anh Thuận sẽ bơm nước để cho cá trắm lên dọn sạch cỏ, vừa giảm công lao động vừa tận dụng làm thức ăn cho con nuôi. Cũng theo anh Thuận, việc trồng cây theo hướng hữu cơ càng lâu thì đất càng được cải tạo, phục hồi. Càng về sau, cây trồng có nhiều chất dinh dưỡng, năng suất cao và thu hút nhiều loại thủy sản tự nhiên về sinh sống. 

Tuy nhiên so với sản xuất đại trà hiện nay thì sản xuất nông nghiệp hữu cơ đòi hỏi phương pháp canh tác kỹ hơn, tốn nhiều công lao động và tuân thủ nghiêm ngặt hơn các quy trình sản xuất.

Với sự chỉ đạo quyết liệt, sâu sát cùng sự hỗ trợ kịp thời của huyện Yên Mô sẽ khích lệ nông dân phấn đấu vươn lên, khắc phục hạn chế, khó khăn, giành được nhiều kết quả trong việc thực hiện chủ trương phát triển nông nghiệp hữu cơ, tạo ra sản phẩm sạch, an toàn có sức cạnh tranh mạnh trên thị trường. 

Bài, ảnh: Hồng Giang/ Báo Ninh Bình


Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam

Giấy phép số: 175/GP-TTDT ngày 10 tháng 10 năm 2023 của Cục Phát thanh truyền hình và TTĐT thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông.

Ghi rõ nguồn: "vca.org.vn" khi phát hành thông tin từ trang này.

Copyright 2013 vca.org.vn - Technology Supported by ECPVietnam