Phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC ở Sơn La: Đổi mới tư duy, đẩy mạnh liên kết

Hơn 3 năm thực hiện Thông báo số 481-TB/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) với nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích tạo bước chuyển mình rõ rệt cho nông nghiệp của tỉnh. Tuy nhiên, để tiếp tục nâng cao vị thế sản phẩm nông sản của địa phương, thu hút nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) tập trung vốn đầu tư công nghệ vào sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản, các cơ quan chức năng của Sơn La và từng hộ nông dân cần đẩy mạnh liên kết trong sản xuất, tạo ra chuỗi giá trị hàng hóa bền vững.

Hơn 5 năm trước, bà Nguyễn Thị Luyến, ở bản Tự Nhiên, xã Đông Sang (Mộc Châu, Sơn La) cũng như bao hộ gia đình khác trồng rau theo phương thức cũ. Với khí hậu và đất đai được thiên nhiên ưu đãi, các loại rau, như: Bắp cải, su hào, rau cải, cà rốt, rau thơm… phát triển, sinh trưởng tốt, nhưng với thị trường tiêu thụ ít, rau làm ra nhiều mà không qua được “cửa kiểm duyệt” của các siêu thị vì chưa đạt tiêu chuẩn an toàn, dẫn đến thu nhập của người nông dân bấp bênh, nhiều người tính chuyện chuyển sang hướng làm kinh tế khác.

Đổi mới tư duy, đẩy mạnh liên kết

Bà Nguyễn Thị Luyến (đứng giữa), Giám đốc Hợp tác xã Rau an toàn tự nhiên, kiểm tra rau trước khi xuất bán.


Đối với ông Phan Doãn Hiệp, ở Tiểu khu 26-7, thị trấn Nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu, trước đây việc nuôi bò lấy sữa của gia đình chưa ứng dụng CNC, ảnh hưởng không nhỏ đến sản lượng và chất lượng sữa, khiến đời sống gặp nhiều khó khăn. Được sự hướng dẫn, hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm của Công ty Cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu, ông Hiệp và các hộ chăn nuôi bò sữa trên địa bàn mạnh dạn ứng dụng CNC vào chăn nuôi. Đến nay, 100% các hộ chăn nuôi bò sữa ở Mộc Châu đã sử dụng máy thay vì vắt sữa bò bằng tay như trước. Việc xây hầm, bể chứa, ứng dụng công nghệ sinh học trong xử lý chất thải của bò; sử dụng men vi sinh hoạt tính trong ủ, chế biến thức ăn chăn nuôi cũng được gia đình ông Hiệp thực hiện khoa học, bài bản... Hiện nay, trang trại bò sữa của gia đình ông có 145 con, trong đó bò sinh sản cho sữa 75 con, tổng thu nhập bình quân của gia đình đạt gần một tỷ đồng/năm.Thấy rõ tầm quan trọng của ứng dụng công nghệ trong nâng cao chất lượng, sản lượng của ngành nông nghiệp, tỉnh Sơn La đã có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, hộ nông dân tích cực ứng dụng công nghệ vào các khâu trong quá trình sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm. Từ chủ trương trên, bà Nguyễn Thị Luyến và các hộ nông dân ở xã Đông Sang được tham gia các lớp tập huấn về trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP. Bà Luyến mạnh dạn đứng ra thành lập HTX rau an toàn tự nhiên với 38 hộ tham gia, tổng diện tích trồng rau hơn 25ha. Đến nay, sản lượng thu hoạch rau hằng năm của HTX là hơn 1.000 tấn, lợi nhuận đạt 8 tỷ đồng/năm. Các sản phẩm rau an toàn của HTX đã có mặt tại các siêu thị lớn trong nước và xuất khẩu cải bắp ra thị trường nước ngoài, cho thu nhập trung bình 300 triệu đồng/ha đối với các hội viên.

Sự đổi thay của các hộ nông dân trên địa bàn huyện Mộc Châu cũng là bức tranh chung trong nền nông nghiệp ứng dụng CNC của tỉnh Sơn La. Hiện tại, toàn tỉnh có hơn 430ha cây trồng áp dụng hệ thống tưới nước tự động; 50ha trồng rau, củ quả, hoa trong nhà lưới, nhà kính; hơn 10.000ha cây ăn quả được ghép cải tạo bằng giống mới cho năng suất, chất lượng cao; hơn 9.800ha cây trồng áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hoặc các tiêu chuẩn tương tự; duy trì và phát triển 61 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn; 16 sản phẩm nông sản được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ. Toàn tỉnh thu hút các doanh nghiệp, HTX đầu tư xây dựng 31 cơ sở, xưởng, nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu, sản lượng hơn 100.000 tấn sản phẩm/năm, trong đó 80% sản phẩm tham gia xuất khẩu. Theo đó, lần đầu tiên giá trị hàng hóa xuất khẩu của tỉnh đạt 115 triệu USD, trong đó giá trị hàng nông sản chiếm hơn 98%.

Tuy nhiên, việc ứng dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Sơn La đang gặp một số khó khăn, như: Nhận thức một bộ phận nông dân về ứng dụng CNC trong sản xuất còn hạn chế; diện tích đất canh tác nhỏ, phân tán, địa hình không bằng phẳng; nguồn lực từ ngân sách Nhà nước và nguồn vốn tín dụng trong đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC chưa đáp ứng yêu cầu; doanh nghiệp, HTX chưa được hưởng các chính sách tín dụng khuyến khích sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC theo quy định…. Tại buổi làm việc mới đây với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, đồng chí Nguyễn Hữu Đông, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La đã yêu cầu ngành nông nghiệp tiếp tục thực hiện tái cơ cấu theo chủ trương của tỉnh; đẩy mạnh ứng dụng CNC trong sản xuất, tạo ra các giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao. Tiếp tục tăng quy mô sản xuất nông nghiệp sạch và nông nghiệp hữu cơ; thống nhất sản xuất nông nghiệp hàng hóa, nâng cao chất lượng cạnh tranh; quan tâm sản xuất hàng hóa thế mạnh của tỉnh theo chuỗi giá trị….

Khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, các sở, ngành chức năng của tỉnh Sơn La đang tích cực phối hợp với các huyện, thành phố tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân tiếp tục nhân rộng mô hình ứng dụng CNC theo chuỗi liên kết, đổi mới mạnh mẽ tư duy trong sản xuất đối với các hộ nông dân. Toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2020, có 20.000ha cây ăn quả áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp VietGAP, GlobalGAP và các tiêu chuẩn khác; 12.000ha cà phê áp dụng tiêu chuẩn 4C, UTZ, hoặc tiêu chuẩn quốc tế khác; 200ha cây trồng ứng dụng công nghệ nhà lưới, nhà kính; 1.000ha cây trồng ứng dụng tưới nước tự động, tiết kiệm. Tỉnh cũng hướng tới xây dựng, quản lý và phát triển thương hiệu cho 25 sản phẩm nông sản; duy trì và phát triển thương hiệu 16 sản phẩm nông sản đã có nhãn hiệu được bảo hộ, góp phần hiện thực hóa lộ trình tái cơ cấu nền nông nghiệp tỉnh.

Một trong những vấn đề được Sơn La quan tâm là việc liên kết trong sản xuất để tránh tình trạng “được mùa, mất giá”, sản phẩm cung ứng mất cân đối với thị trường; phấn đấu giảm chi phí đầu tư, hạ giá thành sản phẩm. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thế Phương, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Sơn La cho biết: "Thực hiện chủ trương của tỉnh, chúng tôi đang chuẩn bị các thủ tục thành lập liên hiệp HTX, đẩy mạnh liên kết sản xuất giữa các HTX trong tỉnh, góp phần giúp các HTX cung ứng sản phẩm đúng theo nhu cầu thị trường, không bị ép giá sản phẩm; tiếp cận các dịch vụ đầu vào như phân bón, cây, con giống với giá thành ưu đãi hơn. Việc tiếp cận nguồn vốn cũng sẽ được cân đối, bảo đảm hài hòa giữa các HTX".

Với sự đổi mới trong tư duy sản xuất của các hộ nông dân, sự liên kết chặt chẽ giữa các HTX từ khâu sản xuất, bảo quản sau thu hoạch đến thị trường tiêu thụ, giá trị sản phẩm nông nghiệp sẽ được nâng cao, mang lại thu nhập ngày càng cao cho người nông dân, đồng thời tạo đòn bẩy để ngành nông nghiệp thực sự là động lực phát triển của tỉnh Sơn La.

Theo QĐND