Phú Thọ: Phát huy vai trò của hợp tác xã trong phát triển kinh tế nông thôn
Hiện nay, khu vực kinh tế tập thể (KTTT), nòng cốt là hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh đã từng bước bắt nhịp thị trường, áp dụng khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, đồng thời chủ động ứng dụng công nghệ thông tin, tham gia kết nối cung - cầu tiêu thụ hàng hóa, ổn định đầu ra sản phẩm. HTX trở thành điểm tựa vững chắc cho kinh tế hộ, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, quốc phòng - an ninh ở các địa phương.
Sản phẩm mì gạo của HTX mì gạo Hùng Lô, xã Hùng Lô, thành phố Việt Trì có mặt ở nhiều hệ thống siêu thị lớn như Big C, Winmart, Co.opmart… và xuất khẩu.
Góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn
Thời gian qua, việc triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã tạo thêm động lực cho các HTX mạnh dạn đầu tư phát triển các sản phẩm có lợi thế của mình; từng bước nâng cao chất lượng, quy chuẩn sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn nhiều thị trường khác nhau gắn với hình thành, phát triển các hình thức sản xuất nông thôn phù hợp. Đồng thời, việc đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đã khuyến khích, tạo động lực cho các chủ thể tham gia chương trình, tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện sản phẩm, phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết và tiêu thụ, mang lại giá trị kinh tế cao hơn. Nhiều sản phẩm của HTX đã và đang được phân phối tại hệ thống các siêu thị, nhà hàng, cơ sở kinh doanh trong, ngoài tỉnh, góp phần phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực, nâng cao thu nhập, đời sống nhân dân.
HTX Liên Gia Trang, xã Thụy Liễu, huyện Cẩm Khê được thành lập tháng 9/2019, với 10 thành viên, chuyên sản xuất các sản phẩm có thế mạnh của địa phương như: Cá thính, rau sắn muối chua, ốc nhồi... Ông Trần Văn Công - Giám đốc HTX cho biết: Việc liên kết sản xuất theo mô hình HTX với các hộ dân sẽ đảm bảo được nguồn nguyên liệu đầu vào, đầu ra ổn định, sản phẩm bán ra thị trường có xuất xứ rõ ràng thông qua truy xuất nguồn gốc. Đặc biệt, HTX có thuận lợi được thành lập tại vùng nguyên liệu có sẵn, nhân lực sản xuất tại chỗ nên tiết kiệm được chi phí và có doanh thu, lợi nhuận ổn định. Hiện sản phẩm rau sắn nếp muối chua của HTX đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao tiêu thụ trong các hệ thống siêu thị lớn như: Big C, WinMart… và trên các sàn giao dịch thương mại điện tử. Năm qua, doanh thu HTX đạt gần 500 triệu đồng. Sản phẩm của HTX được khách hàng tại nhiều địa phương trong cả nước biết đến, đặt mua, góp phần phát triển kinh tế hộ tại địa phương.
Theo thống kê của Liên minh HTX tỉnh, toàn tỉnh có 162 HTX có sản phẩm hàng hóa, trong đó 75 HTX đã triển khai sản xuất theo chuỗi giá trị. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 139 sản phẩm OCOP đạt hạng ba sao trở lên, trong đó khu vực HTX có 46 HTX và ba tổ hợp tác với 83 sản phẩm đạt OCOP (chiếm 59,8% tổng sản phẩm OCOP toàn tỉnh), giá trị hàng hóa từ các sản phẩm OCOP tăng lên từ 10 - 15%.
Sản phẩm OCOP của các HTX bước đầu ghi dấu ấn trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đặc biệt, với những nơi sở hữu sản phẩm nông nghiệp đặc sản, bản địa, nhiều HTX đã lựa chọn cho sản phẩm của mình theo hướng đi riêng, đặc thù gắn với Chương trình OCOP để phát huy lợi thế về chất lượng, yếu tố sản xuất, tiêu dùng mang tính văn hóa, truyền thống. Nhờ phát triển đa dạng các hình thức hợp tác, tăng cường tư vấn hỗ trợ dịch vụ cho thành viên tham gia chương trình OCOP là cơ hội tốt để HTX khẳng định chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất của các HTX, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu sản xuất ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững.
HTX chè an toàn xã Long Cốc, huyện Tân Sơn sản xuất và chế biến chè theo tiêu chuẩn VietGAP, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Hỗ trợ kinh tế tập thể phát triển
HTX mì gạo Hùng Lô được thành lập năm 2016, tiền thân từ làng nghề truyền thống của xã Hùng Lô, thành phố Việt Trì. Ông Cao Đăng Duy - Giám đốc HTX cho biết: Từ thời điểm tham gia kinh tế hợp tác, tổng sản lượng mì xuất bán của các hộ làm nghề được nâng lên đáng kể. Sản xuất quanh năm, không làm theo “thời vụ” như trước nên bắt buộc các thành viên HTX phải đổi mới tư duy trong sản xuất hàng hóa từ máy móc, trang thiết bị để sản phẩm đồng đều về chất lượng, mẫu mã, khối lượng... Nhờ đó, sản phẩm của HTX được mở rộng thêm nhiều thị trường ngoài tỉnh và đưa vào hệ thống siêu thị.
Cùng với HTX mì gạo Hùng Lô, các HTX trên địa bàn tỉnh đã có nhiều đổi mới về nhân lực, phương thức kinh doanh theo hướng kinh tế thị trường để trở thành một tổ chức kinh tế tiềm năng, hoạt động hiệu quả. Nhiều HTX đã tổ chức tốt hơn các hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ, năng động hơn trong cơ chế thị trường. Chỉ tính riêng năm 2022, Liên minh HTX tỉnh đã hỗ trợ, thành lập mới 50 HTX, nâng tổng số HTX trên địa bàn tỉnh lên 662 HTX. Doanh thu bình quân trên một HTX đạt 2,9 tỉ đồng/năm, tạo việc làm ổn định cho hơn 5.000 thành viên, người lao động, tạo việc làm thời vụ cho trên 52.000 lao động.
Theo đồng chí Nguyễn Quốc Dũng - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, để đạt được mục tiêu đến năm 2025 toàn tỉnh có trên 720 HTX, hơn 1.550 tổ hợp tác, trong đó 60% số HTX hoạt động đạt loại tốt, khá, Liên minh HTX tỉnh sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn sâu rộng về KTTT từ cấp tỉnh đến các HTX; phát huy vai trò “cầu nối”, hỗ trợ các HTX tiếp cận với các nguồn tín dụng ưu đãi; đẩy mạnh tư vấn, hỗ trợ các HTX tham gia vào Chương trình OCOP nhằm nâng cao giá trị, xây dựng thương hiệu sản phẩm. Đồng thời, giúp các HTX củng cố tổ chức, xác định tư cách thành viên, phát huy nội lực, tăng cường năng lực quản trị, đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh; xây dựng mô hình liên kết chuỗi giữa các thành viên, giữa HTX với HTX gắn với phát triển sản phẩm chủ lực địa phương…
Để phát triển mạnh mẽ khu vực KTTT, các ngành chức năng tiếp tục phối hợp củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động, vai trò của HTX, tổ hợp tác, trong đó phát triển mạnh các mô hình HTX dịch vụ nông nghiệp gắn liền với các sản phẩm ngành nghề nông thôn và sản phẩm đặc trưng có lợi thế của tỉnh; nâng cao năng lực quản lý, điều hành hoạt động của HTX; đào tạo, tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ năng chuyên ngành cho các thành viên HTX để tổ chức sản xuất, kinh doanh hiệu quả; khuyến khích, hỗ trợ lao động trẻ, sinh viên tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng làm việc tại các tổ chức KTTT, HTX.
Cùng với đó, tiếp tục bổ sung các cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ KTTT, HTX trên địa bàn tỉnh về đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, giao đất, cho thuê đất, tiếp cận vốn, xúc tiến thương mại, ứng dụng khoa học công nghệ; tạo điều kiện vốn vay để các HTX, tổ hợp tác và các thành viên phát triển sản xuất, kinh doanh; nghiên cứu, xây dựng cơ chế để các HTX có đủ năng lực, điều kiện được tham gia thực hiện một số nội dung của các chương trình mục tiêu Quốc gia và chương trình đầu tư công; nâng cao vai trò, hiệu quả hoạt động của các HTX tham gia dịch vụ môi trường, xây dựng, duy trì cảnh quan, môi trường nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững.
Tin liên quan
- Quy trình thành lập Hợp tác xã
- Hỏi đáp Luật Hợp tác xã năm 2012 ( Phần 1)
- Hỏi đáp Luật Hợp tác xã năm 2012 ( Phần 3)
- Hỏi đáp Luật Hợp tác xã năm 2012 ( Phần 4)
- Hỏi đáp Luật Hợp tác xã năm 2012 ( Phần 2)
- Hỏi đáp Luật Hợp tác xã năm 2012 ( Phần 5)
- Hỏi đáp Luật Hợp tác xã năm 2012 ( Phần 6)
- Hội thảo lấy ý kiến chuyên gia về “Dự thảo Kế hoạch và Đề cương Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW ngày 18/3/2002 và Tổng kết 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012”
- Diễn đàn kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2021 sẽ được tổ chức trong quý III
- Tổng kết 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012