Phú Yên: Cơ giới hóa tại các HTX: Nền tảng để sản xuất nông nghiệp hiện đại

Tại các HTX nông nghiệp, hầu hết hoạt động sản xuất đã được cơ giới hóa. Nỗ lực này của HTX và cả các đơn vị nhằm từng bước tiến tới sản xuất nông - lâm nghiệp hiện đại.

Dịch vụ gắn với cơ giới

 Máy sàng lúa tại HTX Nông nghiệp An Nghiệp.


Tại HTX Dịch vụ nông nghiệp Hòa Quang Nam (huyện Phú Hòa), ngoài máy cày, máy gặt, đơn vị này còn đầu tư 590 triệu đồng mua xe múc và xe tải. Theo ông Phan Văn Thuận, Giám đốc HTX này, trước kia đơn vị phải thuê lao động khơi thông dòng chảy, kiên cố hóa kênh mương, chi phí cao lại không đảm bảo. Từ khi có xe múc, đơn vị chỉ cần một lao động. HTX có xe tải cũng giúp bà con chở lúa về tận nhà hoặc vận chuyển vật tư nông nghiệp ra tận ruộng, rất thuận lợi.Ông Trương Dân, Giám đốc HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Phú Lâm (TP Tuy Hòa), cho biết: Khâu cày đất đã được đơn vị cơ giới hóa 100% bằng 55 máy cày tiểu và 25 máy cày trung. Riêng với khâu thu hoạch, HTX chỉ có 5 máy gặt, đáp ứng khoảng 17% nhu cầu của bà con. Để đảm bảo 100% diện tích được gặt bằng máy, HTX đứng ra hợp đồng bên ngoài thêm 25 máy gặt lúc cao điểm.

HTX Nông nghiệp An Nghiệp (huyện Tuy An) cũng vừa mua 2 máy sàng lúa và đưa hệ thống lò sấy lúa vào hoạt động, góp phần đa dạng máy móc công nghệ phục vụ sản xuất lúa, gạo chất lượng cao. Ông Trần Tấn Khoa, Giám đốc HTX này, cho biết: HTX hiện có 6 máy cày, 1 máy gặt đập liên hợp, 1 máy cuộn rơm, 2 máy sàng lúa, 1 lò sấy. Nhờ đó, từ khâu làm đất, gieo hạt tới gặt, thu rơm…, người dân không phải bỏ sức lao động như trước kia. Thậm chí lúa từ ngoài đồng đưa thẳng về HTX sấy khô rồi cân bán tại chỗ. Sản xuất nông nghiệp giờ không còn chịu cảnh “một nắng hai sương” nữa.

Ông Nguyễn Văn Hòa, một người dân ở xã An Nghiệp, bày tỏ: Trước đây, lúa từ đồng kéo về nhà phải phơi ngoài sân kho, tôi “canh” nắng mất cả tuần, khi lúa đủ khô thương lái mới mua. Giờ khác rồi, lúa mang tới HTX sàng qua máy lọc bỏ hạt lép rồi cho vô lò sấy, chỉ cần một ngày là khô, chất lượng đồng đều, giá bán cũng cao hơn từ 1.000-2.000 đồng/kg.

Liên kết đưa máy móc vào sản xuất

Vừa qua, HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Hòa Xuân Tây 1 (huyện Đông Hòa) và HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ Xuân Long (huyện Đồng Xuân) được Trung tâm Khuyến nông Phú Yên hỗ trợ hơn 100 triệu đồng mua hai máy làm đất đa năng để cơ giới hóa trong sản xuất cây trồng cạn. Theo ông Võ Văn Nhẫn, Giám đốc HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ Xuân Long, đơn vị được hỗ trợ 58,8 triệu đồng, bằng 70% giá trị máy. Thành viên HTX nhờ đó có thể làm đất, vun luống, làm cỏ bằng máy mà không cần thuê công như trước đây.

“Trong điều kiện biến đổi khí hậu, diện tích sản xuất lúa của bà con gặp hạn hán chỉ khai thác được một vụ. Từ khi được hỗ trợ máy làm đất và hướng dẫn kỹ thuật chuyển đổi cây trồng, HTX đưa diện tích một vụ thiếu nước bị bỏ không vào trồng các loại cây trồng cạn như bắp, đậu phộng…”, ông Nhẫn nói.

Tham gia dự án VIE6566 (Hỗ trợ các hộ trồng rừng quy mô nhỏ tại Việt Nam hướng tới chứng chỉ rừng) của Cơ quan nông nghiệp Phần Lan về phát triển Lương thực và Lâm nghiệp (FFD), HTX Dịch vụ nông nghiệp Hòa Định Tây (huyện Phú Hòa) và HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Mỹ Tây (huyện Tây Hòa) được hỗ trợ 1 xe tải 2,5 tấn, 2 máy nghiền đất làm vườn, 2 máy định vị GPRS và kỹ thuật làm vườn ươm với công nghệ phun tưới tự động.

Ông Nguyễn Hữu Thành, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Hòa Định Tây, cho biết: HTX có máy nghiền đất để hình thành vườn ươm, chủ động nguồn giống trồng rừng. Cây phát triển, HTX có máy định vị để giám sát cháy rừng. Khi thu hoạch, HTX có xe tải chở gỗ. Lần đầu tiên, thành viên HTX được trồng rừng một cách bài bản.

Ông Lê Thanh Lam, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, cho hay: Thời gian qua, thu nhập người dân từ sản xuất nông nghiệp thấp, một phần do công lao động cao và chưa áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nên sản phẩm chưa có chỗ đứng trên thị trường. Để từng bước hiện đại hóa sản xuất, các HTX đẩy mạnh cơ giới hóa trên đồng ruộng. Nhiều HTX tự bỏ vốn mua máy móc về mở dịch vụ phục vụ bà con. HTX nào chưa đủ kinh phí thì đứng ra thuê máy ngoài, đảm bảo 100% diện tích sản xuất được cơ giới hóa.

Theo báo Phú Yên