Tháo gỡ vướng mắc, bất cập để thúc đẩy mô hình kinh tế hợp tác xã phát triển

Chiều nay (25/5), Quốc hội thảo luận tại Hội trường về Luật Hợp tác xã sửa đổi.
Các đại biểu đã tập trung vào các nội dung có nhiều ý kiến tham gia như tính cụ thể, rõ ràng, khả thi của các quy định nhằm thể chế hóa 8 nhóm chính sách theo Nghị quyết 20 quy định về tổ hợp tác; các điều kiện về chuyển đổi tổ hợp tác thành hợp tác xã về tổ chức đại diện hệ thống liên minh hợp tác xã; quy định về thành viên hợp tác xã; tổ chức quản trị tài chính, tài sản, quỹ không chia; tài sản chung không chia; hoạt động cho vay nội bộ; góp vốn, mua cổ phần; thành lập doanh nghiệp của hợp tác xã…
đại biểu Mai Văn Hải, đoàn Thanh Hóa
Đại biểu Mai Văn Hải, đoàn Thanh Hóa phát biểu tại Hội trường.

Liên quan đến vấn đề thể chế hóa các chính sách phát triển hợp tác xã theo tinh thần Nghị quyết số 20, đại biểu Mai Văn Hải, đoàn Thanh Hóa cho biết, lần này đã được tiếp thu rất nhiều và đặc biệt đã có thiết kế quy định thêm một điều dành cho loại hình hợp tác xã nông nghiệp.

Về chính sách đối với hợp tác xã nông nghiệp, đại biểu đề nghị nên có quy định thêm cơ chế để giúp cho hợp tác xã nông nghiệp tích tụ tập trung đất đai để mở rộng sản xuất nhằm ứng dụng công nghệ cao; chính sách hỗ trợ hợp tác xã nông nghiệp trong việc hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ và chế biến nông sản; và chính sách hỗ trợ cho hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp trong xây dựng sản phẩm OCOP.

Đối với quỹ phát triển hợp tác xã, đại biểu đề nghị cần quy định rõ hơn đối với quỹ phát triển hợp tác xã ở Trung ương nên giao cho Liên minh Hợp tác xã Việt Nam quản lý, còn đối với quỹ phát triển hợp tác xã ở địa phương thì giao cho liên minh hợp tác xã ở các tỉnh quản lý. Bởi lẽ, trên thực tế ở các địa phương, quỹ này chủ yếu là giao cho liên minh hợp tác xã quản lý cũng rất có hiệu quả.

Về chuyển nhượng phần vốn góp đối với thành viên của hợp tác xã, đại biểu đề xuất phương án một, ưu tiên cho thành viên hợp tác xã nhận chuyển nhượng. Nếu mà thành viên hợp tác xã không nhận chuyển nhượng thì có thể chuyển nhượng ra ngoài. Bởi theo đại biểu, thành viên có đặc quyền của thành viên, chúng ta không thể yêu cầu chỉ được chuyển nhượng ở trong nội bộ hợp tác xã. Hơn nữa, phần vốn góp của thành viên theo quy định của Luật Hợp tác xã là vấn đề đối nhân không phải là đối vốn nên việc chuyển nhượng ra ngoài cũng không sợ, không lo xảy ra các tình huống, tình trạng thao túng hoạt động của hợp tác xã. Thứ nữa cho chuyển nhượng ra ngoài cũng có thể giúp cho hợp tác xã nâng cao chất lượng thành viên.

Liên quan đến hoạt động cho vay nội bộ, đại biểu cho rằng theo quy định tại Điều 84 thì việc đảm bảo nguồn vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ rất khó. Lấy nguồn vốn ở đâu để cho vay khi 70% là hợp tác xã nông nghiệp, vốn điều lệ rất ít, nguồn vốn hợp tác xã rất khó khăn. Đại biểu đề xuất nên quy định rõ nguồn vốn để thực hiện cho vay nội bộ đó là có thể sử dụng một phần vốn điều lệ, có thể sử dụng một phần vốn đóng góp của thành viên hợp tác xã.

Bên cạnh đó, cần phải bổ sung thêm nguyên tắc hoạt động của quỹ, dù rằng trong báo cáo có nêu hoạt động này không phải hoạt động ngân hàng nhưng chúng ta cũng cần có bổ sung nguyên tắc để hoạt động đảm bảo an toàn, đúng nguyên tắc, như nguyên tắc tự nguyện, tự chịu trách nhiệm hay nguyên tắc tương trợ, hỗ trợ nhau không vì mục tiêu lợi nhuận…

Góp ý về các quy định cụ thể trong dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi), đại biểu Vũ Thị Liên Hương (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi) cho rằng quy định về địa vị pháp lý của tổ hợp tác chưa rõ, vì vậy nên quy định bắt buộc tổ hợp tác phải được đăng ký với cơ quan có thẩm quyền đăng ký kinh doanh.

Về việc thành lập doanh nghiệp trong hợp tác xã, Điều 82 dự thảo Luật quy định: Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được thành lập doanh nghiệp nhằm mục tiêu hỗ trợ hoạt động liên kết tiêu thụ, sử dụng sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Theo đại biểu, đây là một trong những nội dung hết sức quan trọng giúp doanh nghiệp trở thành một công cụ của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong việc thực hiện liên kết, tiếp cận thị trường, cũng như tiếp cận các chính sách trong hoạt động. Tuy nhiên, dự thảo Luật quy định thành lập doanh nghiệp trong hợp tác xã vẫn còn chung chung, chưa rõ về tư cách pháp nhân.

Đại biểu Quốc hội thảo luận về Luật HTX sửa đổi
Đại biểu Quốc hội thảo luận về Luật Hợp tác xã sửa đổi

Ngoài ra, theo đại biểu, quy định về các chính sách hỗ trợ là vấn đề hết sức quan trọng để kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển, nhưng Điều 18 dự thảo Luật quy định tiêu chí thụ hưởng chính sách của Nhà nước chưa thực sự mở, chưa đột phá, chưa tạo động lực cho sự phát triển khu vực này. Do đó, đại biểu đề nghị cần có những chính sách mở để thu hút những nhân tố mới, nguồn lực mới từ bên ngoài để đáp ứng nhu cầu và sự thay đổi của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã trong nền kinh tế thị trường luôn luôn biến động.

Đại biểu cũng đề nghị ban soạn thảo quy định rõ ràng, cụ thể hơn, thuận lợi hơn về chính sách tích tụ đất trong lĩnh vực nông nghiệp để hình thành chuỗi sản xuất, cung cấp dịch vụ chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông lâm, ngư nghiệp quy mô lớn.

Phát biểu tiếp thu, làm rõ ý kiến các vị đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thay mặt cơ quan soạn thảo cho biết, việc xây dựng và ban hành Luật lần này hy vọng sẽ tháo gỡ được những vướng mắc, bất cập để mô hình kinh tế này phát triển, đáp ứng được yêu cầu thực tế. Sau Kỳ họp thứ 5, cơ quan soạn thảo đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan thẩm tra, tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, lắng nghe ý kiến đối tượng chịu tác động, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo Luật.

Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng giải trình một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi).

Giải trình, làm rõ một số vấn đề các đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, về vốn góp của các thành viên hợp tác xã, qua nghiên cứu các ý kiến, Chính phủ trình Quốc hội theo phương án 1, để bảo đảm quyền tự do, lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân, bảo đảm nguyên tắc mở trong tham gia, rút khỏi hợp tác xã như thông lệ quốc tế, tránh tình trạng thành viên góp bằng đất đai, nhà xưởng khi rút ra thì ảnh hưởng đến hoạt động và sự tồn tại của cả hợp tác xã.

Để tránh làm sai lệch bản chất mô hình hợp tác xã, dự thảo đã quy định về tỷ lệ vốn góp tối đa của các thành viên, các thành viên cũng phải tôn trọng các nguyên tắc, chấp hành những tôn chỉ của hợp tác xã.

Đối với trường hợp có thể dẫn đến chi phối, thâu tóm hợp tác xã, Bộ trưởng cho biết cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát để thiết kế thêm điều khoản ngăn chặn trường hợp này.

Với những quy định chặt chẽ, nghiên cứu kỹ lưỡng, Chính phủ kiến nghị các đại biểu Quốc hội đồng thuận theo phương án 1.

Đối với việc tham gia hợp tác xã của người nước ngoài, Bộ trưởng cho biết dự thảo Luật đã có quy định chặt chẽ để thu hút được sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài, tranh thủ nguồn lực nhưng vẫn ngăn chặn hiệu quả việc chi phối, thâu tóm. Bộ trưởng cho rằng đây là cơ chế mở, cần đảm bảo thông thoáng, thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài trong vấn đề phát triển kinh tế hợp tác.

Về tổ chức thực hiện, để nhanh chóng đưa chính sách của Luật vào cuộc sống, Bộ trưởng cho biết cơ quan soạn thảo đã chuẩn bị những nội dung nghị định, thời gian tới mong các đại biểu Quốc hội tiếp tục đồng hành để các văn bản quy phạm pháp luật này được chặt chẽ, khả thi.

Về xây dựng chương trình tổng thể phát triển kinh tế tập thể và một số vấn đề khác, Chính phủ đang chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai và sẽ có báo cáo với Quốc hội.

Theo Dương Công Chiến/ Thời báo Ngân Hàng


Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam

Giấy phép số: 175/GP-TTDT ngày 10 tháng 10 năm 2023 của Cục Phát thanh truyền hình và TTĐT thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông.

Ghi rõ nguồn: "vca.org.vn" khi phát hành thông tin từ trang này.

Copyright 2013 vca.org.vn - Technology Supported by ECPVietnam