Tìm giải pháp tiêu thụ nông sản cho nông dân
Huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình) đang trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch (PCD) Covid-19 nên việc lưu thông, tiêu thụ nông sản (TTNS) bị hạn chế. Huyện đang nỗ lực tìm giải pháp tiêu thụ một số nông sản như nhãn, lợn hơi cho nông dân.
Để đảm bảo hoạt động lưu thông hàng hóa thiết yếu, UBND huyện đã đề nghị Sở GTVT hỗ trợ hướng dẫn phân luồng giao thông, cấp giấy chứng nhận "luồng xanh” cho các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu, TTNS. Phòng Kinh tế và hạ tầng phối hợp Phòng NN&PTNT, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, các xã, thị trấn, cơ sở sản xuất, kinh doanh, HTX, tổ hợp tác (THT) tăng cường công tác kết nối cung cầu, tổng hợp, cung cấp thông tin nông sản mùa vụ đến các đơn vị phân phối, chợ, cửa hàng thiết yếu trên địa bàn huyện tiêu thụ. Đối với phương tiện vận chuyển phải được cấp "luồng xanh”, toàn bộ người ngồi trên phương tiện phải có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72h đối với xét nghiệm Realtime RT-PCR, hoặc 24h đối với xét nghiệm test nhanh kháng nguyên... Nhờ vậy, các THT, HTX trồng rau, củ, quả vẫn tiêu thụ ổn định, không bị đứt
Chị Hoàng Thị Thức, tổ sản xuất rau hữu cơ Liên Sơn, xã Liên Sơn chia sẻ: Những ngày đầu thực hiện giãn cách xã hội, các thành viên tổ lo lắng rau, củ, quả sẽ không tiêu thụ được. Tuy nhiên, UBND huyện đã tạo điều kiện cấp "luồng xanh” cho xe của công ty ký hợp đồng tiêu thụ tới vận chuyển rau. Chúng tôi nghiêm túc chấp hành quy định về PCD trong sản xuất, thu hoạch. Trung bình 1 ngày tổ của chúng tôi tiêu thụ được 1 tạ rau, củ, quả các loại, giá bán khoảng 20.000 đồng/kg.
Hỗ trợ nông dân TTNS trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội UBND huyện chỉ đạo Phòng NN&PTNT phối hợp Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, các xã, thị trấn khảo sát, thống kê, lên danh sách những nông sản của các HTX có nhu cầu hỗ trợ tiêu thụ. Qua khảo sát cho thấy, hiện trên địa bàn huyện bước vào mùa thu hoạch nhãn, trong đó, xã Cao Sơn có diện tích trồng nhãn tập trung lớn nhất huyện khoảng 40 ha. Còn lại người dân trồng rải rác không tập trung, sản lượng ít. Xã Cao Sơn có khoảng 10 ha nhãn của HTX nông nghiệp và dịch vụ thương mại Cao Răm đang bắt đầu chín nên thành viên HTX mong muốn được hỗ trợ tiêu thụ. Diện tích nhãn còn lại khoảng 30 ha của HTX dịch vụ xóm Vai Đào là nhãn chín muộn. Bên cạnh nhãn thì HTX nông nghiệp Mỹ Tân mong các cấp, các ngành hỗ trợ tiêu thụ khoảng trên 11 tấn thịt lợn hơi của 8 hộ thành viên.
Đồng chí Nguyễn Quang Hảo, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho biết: Ngay sau khi nắm bắt thông tin HTX nông nghiệp và dịch vụ thương mại Cao Răm, HTX dịch vụ nông nghiệp Mỹ Tân và một số hộ trồng nhãn mong muốn huyện hỗ trợ TTNS, Phòng NN&PTNT đã phối hợp Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện lên phương án TTNS giúp nông dân như: Kết nối với tư thương tại tất cả chợ dân sinh trên địa bàn huyện tiêu thụ lợn hơi cho HTX. Các tư thương cam kết sẵn sàng tiêu thụ lợn hơi với giá 52.000 đồng/kg. Kết nối với bưu điện, giới thiệu qua các sàn thương mại điện tử để các tỉnh lân cận, cơ quan, đơn vị, siêu thị tại tỉnh cùng chung tay hỗ trợ một phần sản lượng nhãn sắp thu hoạch. Ngoài ra, huyện tạo điều kiện cấp giấy đi đường cho tư thương trong huyện đảm bảo yêu cầu PCD đi thu mua.
Từ ngày 8/8, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện mở điểm hỗ trợ TTNS, giúp bà con một số xã như Liên Sơn, Thanh Sơn tiêu thụ sản lượng nhãn đã chín. Trung bình buổi sáng tiêu thụ được khoảng 5 tạ nhãn, giá bán 10.000 đồng/kg.
Ông Bùi Văn Thao, Giám đốc HTX nông nghiệp và dịch vụ thương mại Cao Răm, xã Cao Sơn chia sẻ: Năm nay, HTX có 10 ha nhãn, sản lượng khoảng 25 - 30 tấn. Huyện đã giới thiệu kênh tiêu thụ nhãn cho HTX thông qua bưu điện và tạo điều kiện cấp giấy xác nhận "luồng xanh” an toàn cho xe vận chuyển hàng hóa. Nhờ vậy, đã có một số tư thương tới hỏi mua và đặt giá 8.000 - 10.000 đồng/kg. Ngoài ra, chúng tôi còn tiêu thụ tại các chợ trên địa bàn huyện.
Huyện Lương Sơn tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội đến 18h ngày 26/8, thời gian tới, huyện tiếp tục kiến nghị tỉnh có biện pháp phù hợp cho nhân công, tài xế đi vận chuyển và thu mua, giao hàng. Đồng thời, kiến nghị các sở, ngành tạo điều kiện thuận lợi nhằm đảm bảo lưu thông, vận chuyển vật tư phục vụ sản xuất và sản phẩm nông sản, hàng hóa giữa Lương Sơn với các địa phương trong và ngoài tỉnh, giải quyết kịp thời vật tư phục vụ sản xuất, TTNS cho nông dân...
Thu Thủy/báo Hòa Bình điện tử
Tin liên quan
- Long An: Tổng kết phát triển hợp tác xã
- Đạt lợi nhuận hàng chục tỷ đồng/năm
- Tìm giải pháp tiêu thụ nông sản cho nông dân
- Hỗ trợ cung cấp tài liệu về tiêu thụ nông sản
- Định hướng quản lý, sử dụng đất đai ở Việt Nam trong bối cảnh mới
- Mạnh dạn loại bỏ những thứ không hiệu quả, trì trệ làm chậm quá trình phát triển KTTT, HTX
- 8 tháng, xuất nhập khẩu hàng hóa duy trì ở mức cao
- SỨC BẬT CỦA KINH TẾ TẬP THỂ
- Khai mạc trọng thể Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
- Nam Định đưa nông sản lên sàn điện tử