Hướng tới Đại hội Liên minh Hợp tác xã tỉnh Tuyên Quang, nhiệm kỳ 2020- 2025:

Tuyên Quang: Đổi mới hoạt động của các hợp tác xã

Hoạt động của hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang những năm qua đã có những chuyển biến trong tổ chức, quản lý, nội dung. Nhiều loại hình kinh tế hợp tác phát triển đa dạng ở các ngành, các lĩnh vực. Qua đó, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho thành viên, người lao động, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế của tỉnh.


Thành viên HTX Chè xanh Làng Bát, xã Tân Thành (Hàm Yên) thu hoạch chè.  Ảnh: Quốc Việt

Toàn tỉnh Tuyên Quang hiện có 998 tổ hợp tác và HTX, trong đó có 452 HTX với 32.318 thành viên, tổng số vốn điều lệ trên 1.330 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2017 - 2020, kinh tế tập thể, nòng cốt là các HTX đã góp phần vào tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới, đồng thời đã tạo thêm nhiều việc làm, thu nhập cho hàng trăm nghìn lao động trong tỉnh. Nhiều HTX đã mở rộng sản xuất kinh doanh, phát triển thêm các dịch vụ mới gắn với chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX 2012. Các HTX đã huy động được vốn góp và vay vốn đầu tư máy móc để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, mở rộng liên kết với nhau và với các doanh nghiệp để thực hiện cung ứng vật tư, các dịch vụ đầu vào, tiêu thụ sản phẩm cho thành viên. Đã xuất hiện một số mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa, tiêu biểu là mô hình liên kết chuỗi sản xuất gạo sạch đặc sản hữu cơ Tân Trào; chè hữu cơ Ngân Sơn Trung Long, xã Trung Yên (Sơn Dương); HTX chè 168, HTX chè Làng Bát, xã Tân Thành (Hàm Yên); HTX chè đặc sản hữu cơ Ngọc Thúy, phường Phú Lâm (TP Tuyên Quang); HTX chè Shan tuyết hồng Thái (Na Hang); HTX sản xuất rau quả an toàn Đức Ninh (Hàm Yên).... Những mô hình liên kết này đã ngày càng phát huy hiệu quả bao tiêu sản phẩm giúp cho các thành viên yên tâm sản xuất.


HTX sản xuất rau quả an toàn Đức Ninh, xã Đức Ninh (Hàm Yên) trồng bưởi theo tiêu chuẩn VietGap.

Cách đây 2 năm, HTX rau quả an toàn xã Đức Ninh (Hàm Yên) mới thành lập chỉ có hơn chục thành viên. Với phương thức hoạt động đổi mới hiệu quả, đến nay, số thành viên đã tăng lên gần 30 người. Yếu tố thu hút bà con tham gia HTX là vì người dân đã tìm thấy sự giúp đỡ, tương trợ nhau trong sản xuất, khắc phục một số yếu kém của kinh tế hộ như thiếu vốn, kỹ thuật và kinh nghiệm sản xuất, lại tăng được sức cạnh tranh và giá bán trên thị trường. Hiện diện tích sản xuất của HTX có trên 30 ha, trong đó có 15 ha được trồng theo quy trình VietGap với các loại cây như bưởi, cam, thanh long. Năm 2019, doanh thu của HTX đạt trên 6 tỷ đồng. Doanh thu của các thành viên trong HTX đạt từ 300 - 500 triệu đồng. Trong năm 2019, HTX rau quả an toàn Đức Ninh được hỗ trợ trên 1 tỷ đồng sản xuất sản phẩm bưởi liên kết theo chuỗi giá trị, gắn với sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thuộc Chương tình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, từ đó đã mở ra cơ hội xây dựng phát triển thương hiệu bưởi Đức Ninh, giúp cho người nông dân yên tâm lao động sản xuất.

Bên cạnh những đóng góp về mặt kinh tế, các HTX tiếp tục phát huy vai trò cầu nối giữa chính quyền địa phương với bà con nông dân trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; giải quyết việc làm cho một bộ phận dân cư, góp phần xóa đói giảm nghèo.


Thành viên HTX chè Shan tuyết Hồng Thái, xã Hồng Thái (Na Hang) có thu nhập ổn định từ trồng chè.

Ông Đồng Mạnh Cường, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Tuyên Quang cho biết, Liên minh HTX tỉnh đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh trong việc triển khai các chính sách và giải pháp phát triển kinh tế tập thể; các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho các HTX thành viên từng bước được nâng lên và dần trở thành chỗ dựa tin cậy của các HTX thành viên. Cùng với đó, từng HTX đã chủ động lên phương án kinh doanh, hạch toán kinh tế, nâng cao lợi nhuận, hoàn thành nghĩa vụ thuế và chủ động đổi mới để phát triển. Thời gian gần đây, nhiều HTX thành lập mới đăng ký hoạt động trên các lĩnh vực mới, đáp ứng nhu cầu thị trường như nuôi thủy sản trên lòng hồ thủy điện Chiêm Hóa, Na Hang, phát triển cây dược liệu, chè sạch...

Giai đoạn 2020 - 2025, toàn tỉnh phấn đấu thành lập mới từ 150 - 200 tổ hợp tác, 150 đến 200 HTX, nâng tổng số lên 1.350 tổ hợp tác và HTX trên địa bàn tỉnh; 100% xã có HTX và 100% xã xây dựng nông thôn mới có HTX hoạt động hiệu quả; có 65% - 70% HTX hoạt động đạt khá và mạnh; xây dựng các mô hình hợp tác xã kiểu mới gắn với chuỗi giá trị để có 20 mô hình chuỗi giá trị (sản phẩm liên kết sản xuất và tiêu  thụ hàng hóa). Hàng năm, xây dựng 30 HTX đạt danh hiệu điển hình tiên tiến. Để hoàn thành mục tiêu đề ra, ngoài tăng cường hỗ trợ khả năng tiếp cận tín dụng cho HTX, đẩy mạnh liên doanh liên kết giữa HTX với các thành phần kinh tế khác, tỉnh cũng chú trọng xây dựng mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị gắn với các Chương trình xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Bên cạnh đó, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, chuyên môn của HTX; triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ, ưu đãi phát triển HTX của Trung ương. Đồng thời, tỉnh ưu tiên các nguồn lực để hỗ trợ khâu bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu. Qua đó, thu hút, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho thành viên, người lao động.

Theo báo Tuyên Quang

Link bài viết: https://baotuyenquang.com.vn/kinh-te/nong-nghiep-nong-thon/doi-moi-hoat-dong-cua-cac-hop-tac-xa-138218.html


Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam

Giấy phép số: 175/GP-TTDT ngày 10 tháng 10 năm 2023 của Cục Phát thanh truyền hình và TTĐT thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông.

Ghi rõ nguồn: "vca.org.vn" khi phát hành thông tin từ trang này.

Copyright 2013 vca.org.vn - Technology Supported by ECPVietnam