Vai trò hoạt động xúc tiến thương mại cho các sản phẩm Hợp tác xã
Với mục đích đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại để quảng bá, giới thiệu sản phẩm; tạo sự liên kết, xây dựng mạng lưới gắn kết giữa nhà sản xuất với các đơn vị phân phối, bán lẻ, tạo cơ hội ký kết hợp đồng mua bán sản phẩm hàng hóa, chuyển giao công nghệ, liên doanh, liên kết giữa các HTX, doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm chủ lực và an toàn cho các HTX, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho các HTX trên địa bàn các tỉnh, thành phố đến với người tiêu dùng trong cả nước.
Thời gian vừa qua, Liên minh HTX các tỉnh/TP đã chủ động trong việc kết nối tiêu thụ sản phẩm và trưng bày sản phẩm nông sản an toàn của các doanh nghiệp và HTX trong và ngoài tỉnh. Tại Hội nghị do Liên minh HTX tỉnh Lào Cai phối hợp tổ chức We Effect Thụy Điển tổ chức; có sự tham gia của 6 Liên minh HTX tỉnh, thành phố là Hà Nội, Hải Phòng, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Lai Châu và đại diện các siêu thị, nhà phân phối; lãnh đạo các HTX, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và một số cơ quan thông tấn báo chí trung ương và địa phương.
Gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm HTX trong khuôn khổ hội nghị kết nối tại Lào Cai
Đây là cơ hội giúp các HTX sản xuất, doanh nghiệp và nhà phân phối gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, tìm hiểu thông tin thị trường; cùng nhau trao đổi tìm ra các giải pháp nhằm thúc đẩy sản xuất, nâng cao chất lượng hàng hóa; ứng dụng khoa học công nghệ; tìm kiếm đầu ra và kết nối cung cầu, phát triển hệ thống phân phối nhằm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân địa phương trong tinh và các tỉnh, thành phố lân cận, tiến tới vươn xa thị trường trong nước và quốc tế.
Hiện nay, trên địa bàn Lào Cai đã và đang xuất hiện nhiều sản phẩm đặc hữu được sản xuất tại các HTX như HTX nông nghiệp Hoa Đào, HTX nông nghiệp Mai Anh sản xuất rau an toàn; HTX chế biến thủy sản nước lạnh Sapa với sản phẩm cá hồi và cá tầm; HTX Ngọc Phùng, HTX Cộng đồng Dao Đỏ Sapa trồng dược liệu và kinh doanh các sản phẩm thuốc quý; sản phẩm gạo của HTX Tiên Phong Tiên phong Mường Vi; HTX kinh doanh tổng hợp Mường Khương sản xuất tương ớt; HTX Hoàng Sơn và HTX Hưng Thịnh với thịt lợn bản địa và nhiều HTX khác.
Để đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ giới thiệu, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm của các HTX, đưa nông sản an toàn tới tay người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh, các tỉnh lân cận và thành phố lớn, khẳng định thương hiệu, Liên minh HTX tỉnh Lào Cai đã tích cực thực hiện vai trò là cầu nối giữa các HTX với các tổ chức, cá nhân trong việc tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường như tham gia hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước; tham gia các hội nghị, hội thảo kết nối giao thương giữa các HTX và doanh nghiệp, nhà phân phối; tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức quản trị kinh doanh và marketing.
Tuy nhiên hiện nay, bên cạnh những lợi thế để phát triển thế mạnh nông sản đặc trưng vùng miền của các tỉnh, thành phố, việc kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản an toàn vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Một số địa phương có tiềm năng trong sản xuất, có sản phẩm thương hiệu, nhưng sức cạnh tranh một số sản phẩm còn ở mức thấp, thị trường tiêu thụ chưa nhiều và không ổn định, chưa hình thành được liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ. Việc tiếp cận các nguồn vốn để đẩy mạnh quy mô sản xuất gặp nhiều khó khăn. Ứng dụng công nghệ chưa đáp ứng nhu cầu, nhất là ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nên giá trị chưa cao. Điều này đặt ra những yêu cầu làm thế nào để liên kết giữa HTX và doanh nghiệp với chuỗi phân phối hiện đại thực sự hiệu quả.
Hội chợ xúc tiến thương mại cho các HTX do Liên minh HTX Việt Nam tổ chức thường niên
Chia sẻ về những khó khăn này, đồng chí Trương Mạnh Hùng, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Lào Cai, cho biết trong bối cảnh sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún, mạnh ai nấy làm đã và đang gây nhiều bất lợi cho người sản xuất, trong đó có người dân và các thành viên HTX. Sản xuất thiếu tính bền vững, an toàn đã dẫn đến sự cạnh tranh thiếu lành mạnh và hàng hoá nông sản luôn rơi vào cảnh bấp bênh. “Giá cả thịt lợn có nhiều biến động trong thời gian qua cho thấy chúng ta chưa có chính sách bền vững giúp cho nhà nông, HTX yên tâm sản xuất. Mặt khác các HTX còn thiếu tính chủ động, tích cực trong việc cùng với nhà nước tìm kiếm đầu ra ổn định bền vững. Để khắc phục những hạn chế này, nhất thiết nông dân, HTX phải có sự liên kết với các doanh nghiệp, nhà tiêu thụ”.
Với nhiều lợi thế để phát huy thế mạnh của nền KTTT, HTX về giao thông kết nối thuận tiện, nhiều doanh nghiệp chung tay vào kết nối, tiêu thụ sản phẩm, Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ, Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh 63 tỉnh, thành phố hỗ trợ các HTX phát triển sản xuất, kết nối tiêu thụ, sản phẩm nhưng chúng ta vẫn chưa phát huy được hết tiềm năng, thế mạnh cũng là do sản xuất nhỏ lẻ, mạnh mún, thiếu tính cạnh tranh và luôn luôn ở thế yếu, chưa tạo ra “quyền lực” thực sự cho người sản xuất. Muốn khắc phục được điều này, quan trọng nhất là phải biết tích tụ ruộng đất, tập hợp các nhà sản xuất để trở thành lực lượng hùng hậu, có quy mô sản xuất an toàn, rộng lớn, tăng cường tính liên kết giữa người sản xuất với cầu nối trung gian để tiêu thụ sản phẩm. Các HTX phải đăng ký chất lượng, nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm, chỉ dẫn địa lý một cách nghiêm túc, tránh tình trạng nhái nhãn hiệu, sản phẩm hàng hoá, nông sản bị lợi dụng để làm giả. Việc này khiến cho người tiêu thụ không những không được sử dụng sản phẩm chính hãng, mà còn đánh mất thương hiệu sản phẩm hàng hoá, đánh mất thế mạnh của địa phương. “Bên cạnh đó cần thiết nên xây dựng chuỗi tiêu thụ nông sản an toàn của các HTX tại một số tỉnh, thành phố có điều kiện về địa lý, địa phương phát triển về du lịch để giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm tiêu biểu của các HTX ở các địa phương”, ông Nguyễn Hữu Đạo, Phó Chủ tịch Liên minh HTX thành phố Hải Phòng cho biết.
Nêu thực tế về sản xuất nông sản sạch, an toàn tại một số tỉnh phía Bắc, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Lai Châu - đồng chí Bùi Xuân Thu cho rằng nhiều HTX vẫn chỉ sản xuất sản phẩm truyền thống của mình chứ chưa tìm hiểu, chưa chủ động, mạnh dạn sản xuất sản phẩm mà nhu cầu thị trường cần. Bên cạnh đó, các HTX ở Lai Châu đang gặp nhiều khó khăn về vốn, chưa có trụ sở, thiếu đất sản xuất, thị trường tiêu thụ sản phẩm chưa mang tính bền vững. Lai Châu có sản xuất một số nông sản, mặt hàng đặc sản của địa phương. Một số nông sản đặc trưng thì không sản xuất kịp để tiêu thụ trên thị trường như cá chiên, chè Lai Châu, rau thuỷ canh Lai Châu, trong kho đó một số sản phẩm khác như cá hồi, cá lăng thì sản xuất ra không tiêu thụ được do thiếu tính cạnh tranh với các tỉnh khác. Do vậy việc cần thiết hiện nay là phải tăng cường tính liên kết, kết nối, tăng cường xúc tiến đầu tư để tiêu thụ sản phẩm.
Việc đưa nông sản an toàn, chất lượng tốt đến với người tiêu dùng đã và đang được nhiều tỉnh, thành phố, các bộ, ban ngành chú trọng. Chính vì vậy, bên cạnh sự hỗ trợ của cơ quan quản lý Nhà nước, các HTX, doanh nghiệp cần chủ động tham gia chuỗi kết nối cung – cầu. Thực tế cho thấy, HTX và doanh nghiệp đóng vai trò then chốt trong khâu tiêu thụ sản phẩm nông sản an toàn, do đó cần đẩy mạnh phát triển chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nhằm kiểm soát chất lượng, nâng cao giá trị sản phẩm, điều tiết lợi ích giữa các khâu trong chuỗi liên kết; tham gia đầu tư vào lĩnh vực chế biến, liên kết, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân; xây dựng các mô hình nông nghiệp ứng dụng cao; tăng cường và đa dạng hóa các hoạt động xúc tiến thương mại, trong đó tổ chức nhiều hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản an toàn; chú trọng trong việc quảng bá sản phẩm; đẩy mạnh cải thiện mẫu mã, bao bì, truy xuất nguồn gốc, đặc biệt đảm bảo duy trì ổn định và nâng cao chất lượng sản phẩm; mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; kết nối đầu ra giữa các tỉnh, HTX và doanh nghiệp… góp phần tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm nông sản an toàn. HTX cần liên kết với doanh nghiệp, nhà phân phối đưa các sản phẩm an toàn vào siêu thị, bếp ăn trường học, bệnh viện, tập thể… Để làm được điều đó, yêu cầu quá trình sản xuất phải thực sự đảm bảo các yêu cầu về tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng và giá cả cạnh tranh, giảm chi phí vận chuyển dẫn đến giá thành sản phẩm đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng.
Lại Ngọc Hoa/Trung tâm Thông tin- Tuyên truyền
Tin liên quan
- Định hướng nâng cao hiệu quả hoạt động Qũy hỗ trợ phát triển HTX
- Định hướng xây dựng Quỹ hỗ trợ phát triển HTX từ TW đến địa phương
- Giải pháp tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho HTX
- Phát triển chuỗi kết nối tiêu thụ NS: Các nhà phải nâng trách nhiệm
- Chuyên gia kinh tế chỉ ra nhiều điểm nghẽn của nông sản Việt
- Giải pháp phát triển NNHC: Thay đổi hành vi sản xuất
- 1.000 thương hiệu Quốc gia: Hành trình nhiều thách thức
- Bắc Ninh: Tái cơ cấu nông nghiệp gắn xây dựng nông thôn mới
- Định vị vai trò kinh tế tập thể & hợp tác xã
- HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN KHU VỰC KINH TẾ HTX