Cảnh giác trước nguy cơ dịch COVID-19 tái bùng phát trên thế giới

Tuần qua, số ca mắc mới COVID-19 trên toàn cầu tăng 4,5 triệu; số ca tử vong tăng 12.775 ca. Mặc dù tổng con số toàn cầu có giảm so với tuần trước nữa nhưng con số ca mắc, nhập viện và tử vong ở một số quốc gia vẫn tăng nhanh đáng kể.

Cảnh báo và lời kêu gọi từ WHO

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Ngày 25/8, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết thế giới đã có 1 triệu ca tử vong vì COVID-19 từ đầu năm 2022 tới nay. Trưởng nhóm kỹ thuật về COVID-19 của WHO, bà Maria Van Kerkhove nói rằng con số này cho thấy đã đến lúc cần đánh giá thực tế tình hình dịch COVID-19. Bà nêu rõ dịch bệnh vẫn chưa thể kết thúc, đòi hỏi con người phải sống chung một cách có trách nhiệm.

Phát biểu trên các kênh mạng xã hội của WHO, bà Kerkhove nhấn mạnh con số thống kê nói trên là một thực tế đau lòng vì thế giới đã có nhiều công cụ để dập dịch như như xét nghiệm, thuốc điều trị, vaccine phòng bệnh và các biện pháp y tế cộng đồng để kiểm soát dịch COVID-19 sau hơn 2 năm đại dịch hoành hành. Theo bà, các nước cần đánh giá thực tế đại dịch, về số ca mắc và số ca tử vong để có biện pháp ứng phó kịp thời.

Bà Van Kerkhove khẳng định rằng đại dịch COVID-19 chưa kết thúc, song thế giới có thể chấm dứt căn bệnh này nếu hành động quyết liệt, đồng bộ và cẩn trọng. Bà cho rằng việc sống chung với COVID-19 đã được đề cập nhiều lần, nhưng để có thể thực hiện được điều này, tất cả người dân cần có ý thức và sống có trách nhiệm. Theo bà, 1 triệu ca tử vong từ đầu năm nay cho thấy người dân chưa thực hiện đúng các hướng dẫn về việc sống chung với COVID-19 và con số trung bình 15.000 ca tử vong mỗi tuần phản ánh việc sống chung với dịch bệnh một cách thiếu trách nhiệm.

Ông Derrick Sim thuộc Liên minh vaccine GAVI cho rằng con số 1 triệu người chết vì COVID-19 trong năm 2022 là quá nhiều và đây là thảm kịch nhân loại.

Phát biểu trước báo giới, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi chính phủ các nước tăng cường nỗ lực tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho tất cả đội ngũ nhân viên y tế, người cao tuổi và những người có nguy cơ cao, hướng tới đạt mục tiêu tiêm bao phủ 70% dân số.

Ông Tedros cho biết WHO muốn các nước có thể đạt được mục tiêu nêu trên vào cuối tháng 6, song ông cho biết có 136 nước không thể hoàn thành mục tiêu và có tới 66 nước chỉ đạt tỷ lệ tiêm bao phủ dưới 40% dân số. Ông nhấn mạnh có 10 nước có tỷ lệ tiêm chủng dưới 10% dân số và phần lớn các nước này đều đang phải đối mặt với các vấn đề khẩn cấp về nhân đạo.

Người đứng đầu WHO nêu bật thực tế đến nay còn 1/3 dân số thế giới chưa tiêm chủng, trong đó là 2/3 số nhân viên y tế và 1/3 số người cao tuổi ở các nước có thu nhập thấp. Ông cho rằng nhiệm vụ của tất cả các quốc gia không phân biệt mức thu nhập là làm sao để tiêm chủng cho những người có nguy cơ cao nhất, đảm bảo các bệnh nhân được tiếp cận phương pháp điều trị, xét nghiệm và giải trình tự gien cũng như đưa ra các chính sách phù hợp, tương xứng để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh và cứu sống nhiều bệnh nhân.

Các quốc gia cảnh giác cao độ

Trong 7 ngày qua (từ ngày 23-30/8), Nhật Bản có số ca mắc COVID-19 mới cao nhất thế giới với trên 1,3 triệu ca. Tiếp đó là Hàn Quốc với trên 727.000 ca mắc mới. Đứng thứ ba là Mỹ với trên 457.000 ca mắc mới.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Saint-Denis, ngoại ô Paris, Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo thống kê của WHO, kể từ khi virus gây bệnh COVID-19 lần đầu tiên được phát hiện tại Trung Quốc vào cuối năm 2019 đến nay, đã có 6,49 triệu bệnh nhân COVID-19 tử vong trên toàn cầu. Bà Kerkhove nhận định con số ca mắc mới trong 7 ngày qua là cao nhưng chưa đầy đủ vì nhiều ca mắc tự xét nghiệm tại nhà và không báo cáo cơ quan y tế. Điều này cho thấy virus SARS-CoV-2 đang lây lan mạnh trên thế giới. Theo báo cáo mới nhất của WHO, biến thể Omicron chiếm 99% số ca nhiễm mới ghi nhận trong 30 ngày qua, trong đó biến thể phụ BA.5 chiếm 74% số ca nhiễm mới.

Tại Hàn Quốc, ngày 30/8, số ca mắc mới COVID-19 lại ở mức trên 100.000 ca trong bối cảnh lo ngại về các dòng phụ của biến thể Omicron bùng phát. Giới chức Hàn Quốc hiện vẫn duy trì cảnh giác cao độ về khả năng bùng phát trở lại dịch COVID-19 vào mùa Thu này. Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) dự báo số ca mắc mới sẽ có xu hướng giảm trong tuần này hoặc tuần tới và số ca tử vong do COVID-19 và bệnh nhân nặng có thể tăng trong 2-3 tuần tới. Cơ quan này dự báo số bệnh nhân mắc bệnh nặng và tử vong vì COVID-19 có thể lên tới lần lượt là 800 đến 900 ca và 100 đến 140 vào đầu tháng 9 tới.

Trong khi đó, ngày 29/8, nhà chức trách tại thành phố Thâm Quyến thuộc tỉnh Quảng Đông, miền Nam Trung Quốc thông báo tạm thời đóng cửa khu chợ bán thiết bị điện tử lớn nhất thế giới Hoa Cường Bắc và ngừng cung cấp dịch vụ tại 24 ga tàu điện ngầm để ngăn chặn dịch COVID-19 bùng phát. Với thành tích kiềm chế thành công đợt bùng phát dịch COVID-19 hồi tháng 3, Thâm Quyến được coi là mô hình kiểu mẫu của chiến lược cân bằng giữa chính sách “Không COVID” và phát triển kinh tế mà Trung Quốc đang theo đuổi. Dù vậy, các biện pháp mới được áp dụng bộc lộ thách thức với Trung Quốc trong hiện thực hóa hai mục tiêu trên.

Tại Ấn Độ, vào ngày 24/8, Bộ Y tế Ấn Độ cho biết số ca mắc mới COVID-19 trong ngày của nước này một lần nữa vượt mốc 10.000 ca. Sau khi phát hiện các biến thể mới của virus SARS-CoV-2, Chính phủ Ấn Độ đang tập trung tăng cường độ bao phủ liều vaccine tăng cường do tỷ lệ tiêm mũi thứ 3 đang ở mức thấp.

Tại Lào, giới chức quản lý giáo dục khuyến cáo tất cả các trường học trên cả nước xem xét và triển khai các biện pháp an toàn để ngăn ngừa COVID-19 lây lan khi năm học mới của nước này sẽ bắt đầu vào ngày 1/9 tới. Theo phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn, Bộ Giáo dục và Thể thao Lào đã ban hành trên cả nước 10 biện pháp và 40 khuyến nghị để mở cửa trường học an toàn.

Tại Mỹ, Chính quyền Tổng thống Joe Biden dự kiến triển khai đợt tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 mũi 4 vào đầu tháng 9 tới, với khoảng 175 triệu liều vaccine sẽ được cung cấp tới co các bang trên toàn nước Mỹ.

Theo phóng viên TTXVN tại New York, vaccine COVID-19 được sử dung cho đợt tiêm chủng thứ 4 này đã được cập nhật có thể ngừa được các biến chủng mới như BA.4 hay BA.5. Với đợt tiêm chủng thứ 4 này, chính quyền Mỹ hy vọng có thể tránh được nguy cơ làn sóng COVID-19 mới gây thiệt hại về người vào mùa Thu -Đông tới, khi mà khả năng dịch bệnh tái bùng phát có thể xảy ra do trời lạnh và người dân hoạt động trong môi trường kín nhiều hơn.

Tuy nhiên, thách thức hiện nay là người dân giờ đây không còn thiết tha với việc tiêm chủng vaccine, đồng thời các biến chủng xuất hiện ngày một nhanh và nhiều khiến ngay cả mũi vaccine cường thứ 4 cũng không thể đảm bảo người được tiêm chủng sẽ không mắc. Giới chức y tế Mỹ dự định khắc phục tình trạng này bằng cách tiêm chủng vaccine COVID-19 cùng thời điểm người dân đi tiêm chủng mũi vaccine cúm mùa trước khi bước vào mùa Đông hàng năm.

Ngày 25/8, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ký Công điện số 755/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ gửi Trưởng Ban chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.
Thùy Dương/Báo Tin tức (tổng hợp)


Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam

Giấy phép số: 175/GP-TTDT ngày 10 tháng 10 năm 2023 của Cục Phát thanh truyền hình và TTĐT thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông.

Ghi rõ nguồn: "vca.org.vn" khi phát hành thông tin từ trang này.

Copyright 2013 vca.org.vn - Technology Supported by ECPVietnam