Kinh tế Đức rơi vào suy thoái
Dữ liệu chính thức cho thấy Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, đã rơi vào suy thoái khi người tiêu dùng chi tiêu ít hơn do giá cả tăng mạnh.
Một con phố mua sắm ở thành phố Stralsund của Đức - Ảnh: CNN
Theo dữ liệu từ Văn phòng Thống kê liên bang Đức, kinh tế nước này tiếp tục giảm 0,3% trong quý đầu năm 2023 sau khi đã giảm 0,5% trong quý cuối năm ngoái.
Một nền kinh tế được coi là suy thoái khi tăng trưởng âm trong 2 quý liên tiếp.
Sự suy giảm vượt ngoài dự đoán khi trước đó Đức ước tính GDP sẽ tăng trưởng ở mức 0% trong quý 1-2023.
"Tình trạng tăng giá cao kéo dài tiếp tục là gánh nặng đối với nền kinh tế Đức vào đầu năm nay. Điều này đặc biệt được phản ánh trong chi tiêu tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình", Đài CNN dẫn lời Văn phòng Thống kê Đức cho biết.
Nhìn chung, chi tiêu hộ gia đình tại Đức đã giảm 1,2% trong quý đầu tiên do người tiêu dùng giảm chi tiêu hơn cho thực phẩm, quần áo và đồ nội thất. Chi tiêu chính phủ cũng giảm 4,9% so với quý trước.
Nhà kinh tế Claus Vistesen cho biết chi tiêu của người tiêu dùng trong quý đầu tiên sụt giảm bởi "cú sốc về giá năng lượng".
Giá năng lượng của châu Âu đã tăng vọt sau khi nổ ra xung đột Nga - Ukraine vào năm ngoái. Nga sau đó tiếp tục cắt giảm nguồn cung cấp khí đốt cho các nước châu Âu, khiến Đức phải ban bố tình trạng khẩn cấp.
Cuộc chiến ở Ukraine đã gây bất an cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng, kìm hãm hoạt động đầu tư và mua hàng, điều này đã ảnh hưởng đến nhu cầu. Trong khi đó, việc tăng lãi suất của Ngân hàng Trung ương châu Âu cho đến nay vẫn chưa khống chế được lạm phát, hiện ở mức 7% trên toàn khu vực đồng euro.
Giới kinh tế cho rằng kinh tế Đức sẽ không giảm thêm trong các quý sau nhưng cũng chưa thể hồi phục mạnh mẽ.
"Thời tiết mùa đông ấm áp, hoạt động công nghiệp phục hồi, tiếp thêm việc Trung Quốc mở cửa trở lại và giảm bớt xung đột chuỗi cung ứng, vẫn chưa đủ để đưa nền kinh tế (Đức) thoát khỏi vùng nguy cơ suy thoái", báo Guardian dẫn lời ông Carsten Brzeski, lãnh đạo bộ phận kinh tế vi mô của ngân hàng Hà Lan ING, nhận định.
Theo báo Tuổi trẻ TPHCM
Tin liên quan
- BCĐ điều hành giá đặt mục tiêu kiểm soát CPI từ 3,3-3,9%
- Phó Chủ tịch Triều Tiên ấn tượng với nữ lãnh đạo hợp tác xã
- Thế giới nỗ lực cao độ để đánh bại virus Covid-19
- Mỹ đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các điểm đến có thể lây lan Covid-19
- Diễn biến dịch COVID-19 trên thế giới tới 6h sáng 9/3: 109.838 ca nhiễm bệnh, 3.805 người chết
- Cập nhật 7h ngày 11/3: Số ca nhiễm Covid-19 ở châu Âu tăng nhanh, Italy vượt 10.000, Tổng thống Mỹ 'không có lý do' để xét nghiệm
- Mỹ bắt đầu thử nghiệm lâm sàng vaccine kháng virus corona
- Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo dịch bệnh COVID-19 đang tăng tốc
- Báo Anh đánh giá cao mô hình chống Covid-19 của Việt Nam
- Báo Đức viết về chiến lược chống COVID-19 hiệu quả của Việt Nam