Phú Thọ: Hiệu quả Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp”
Thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ thị xã Phú Thọ đã thực hiện hiệu quả Đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”. Các hoạt động thiết thực tạo cơ hội để phụ nữ tự tin, mạnh dạn vươn lên trong cuộc sống, làm giàu chính đáng.
Nhằm tạo điều kiện để các chị em được tiếp cận nguồn vốn, bắt đầu khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp, Hội đã giải ngân hiệu quả nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển, phối hợp thực hiện tốt chương trình ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội. Hội đã tiến hành rà soát, thẩm định hội viên có nhu cầu vay nguồn vốn “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” tại xã Phú Hộ với tổng số nguồn vốn vay tại cơ sở là 250 triệu đồng cho tám lượt hội viên, phụ nữ vay phát triển kinh tế.
Tính đến nay, tổng nguồn vốn do Hội LHPN quản lý đạt trên 89,5 tỉ đồng, cho 3.361 hộ vay (không có nợ đọng quá hạn) trong đó: Vốn NHCSXH: Trên 65 tỉ đồng cho 1.485 hộ vay; vốn từ quỹ hộ trợ phụ nữ phát triển gần chín tỉ đồng cho 702 hộ vay; Quỹ TYM: 14,9 tỉ đồng đồng cho 1.174 thành viên vay.Các hoạt động hỗ trợ của các cấp Hội đã tạo điều kiện cho hội viên phụ nữ tiếp cận nguồn vốn vay để khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp, đầu tư sản xuất và phát triển kinh tế gia đình bền vững. Điển hình như: Mô hình “Nuôi dê sinh sản hướng thịt” đến nay đã có 6/6 hộ nuôi thực hiện xong chu kỳ cam kết ba năm và đã cho thu nhập khoảng 450 triệu đồng. Một trong những hội viên thành công với “mô hình nuôi dê hướng thịt” là chị Trần Thị Hường- khu Phú Hưng, xã Hà Thạch. Từ trên 10 con dê giống, sau mấy năm nuôi, đến nay đàn dê của gia đình chị Hường đã lên đến vài trăm con, mang lại nguồn thu nhập gần 100 triệu đồng/năm, nhờ đó gia đình chị Hường có thu nhập ổn định, cuộc sống ngày một khấm khá.
Mô hình “Vay giống quay vòng” tại xã Văn Lung, phường Thanh Vinh, xã Hà Thạch với tổng số gà giống của đơn vị trong năm là 2.500 con, quay vòng cho chín hộ chăn nuôi. Điển hình như: Chị Chu Thị Nga ở Chi hội Thanh Viên (phường Thanh Vinh), trước đây gia đình gặp nhiều khó khăn, sau 5 năm tham gia mô hình “vay giống quay vòng” và “Tổ tiết kiệm vay vốn” của chi hội phụ nữ, đến nay, kinh tế của gia đình ngày càng khấm khá.
Cùng với đó duy trì và phát triển mô hình “Nhóm phụ nữ liên kết phát triển ươm cây, con giống” tại xã Phú Hộ, mô hình “Tổ dịch vụ nấu ăn” tại xã Hà Thạch, phường Hùng Vương; mô hình “Chung tay giúp nhau thoát nghèo bền vững” tại xã Hà Thạch; mô hình “Rau sắn sạch muối chua” tại xã Thanh Minh,...Trong thời gian tới, Hội Liên hiệp Phụ nữ thị xã sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động phụ nữ nâng cao nhận thức về vai trò, chính sách pháp luật của Nhà nước về khởi nghiệp, khẳng định vị trí của phụ nữ đối với phát triển kinh tế. Đồng thời, nắm bắt nhu cầu và định hướng hỗ trợ vốn, trang thiết bị để hiện thực hóa ý tưởng khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp sáng tạo của hội viên. Các cấp hội và địa phương phối hợp tổ chức các buổi giao lưu, truyền cảm hứng, vực dậy tinh thần khởi nghiệp thông qua các câu chuyện phụ nữ khởi nghiệp thành công. Đặc biệt, nhân rộng và kết nối các ý tưởng khởi nghiệp thành công, sản phẩm sáng tạo cách làm hay hiệu quả trong hội viên phụ nữ dưới nhiều hình thức hội thảo, phiên chợ, ngày hội... Bên cạnh đó, các cấp Hội cũng đề xuất với cấp ủy, chính quyền, TW hội, Tỉnh hội tiếp tục quan tâm hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, nâng cao đời sống của hội viên.
Thanh Loan/ Theo báo Phú Thọ
Tin liên quan
- Năm 2019 - Nỗ lực đổi mới, sáng tạo, quyết liệt hành động
- DN, HTX là chủ thể áp dụng công nghệ tiến tiến chế biến nông sản và cơ giới hóa
- Kỳ vọng HTX kiểu mới
- Thủ tướng: Cần một cơ chế thông thoáng hơn cho khởi nghiệp sáng tạo
- Dấu ấn của một HTX non trẻ
- Phát triển du lịch nông thôn - giải pháp nâng cao giá trị sản xuất NN
- Tiếp sức sáng tạo cho ngành nông nghiệp
- Tiếp sức sáng tạo cho ngành nông nghiệp - Bài 3: Những nút thắt cần tháo gỡ
- Sức xuân vùng rau... trên đá
- Sóc Trăng ra mắt cửa hàng giới thiệu sản phẩm OCOP