Xu hướng mới có thể gây thêm áp lực suy giảm cho chứng khoán Mỹ
Hoạt động mua lại cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ giai đoạn đầu của đại dịch COVID-19, chủ yếu do lãi suất tăng làm suy yếu động lực khuyến khích các công ty mua lại cổ phiếu của chính mình.
Theo dữ liệu sơ bộ từ S&P, các công ty thuộc nhóm chỉ số S&P 500 đã chi 175 tỷ USD để mua lại cổ phiếu trong quý tính đến tháng 6/2023. Con số đó tương đương mức giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 19% so với giai đoạn ba tháng đầu năm 2023.
Các nhà phân tích cho rằng mức suy giảm trên có thể đánh dấu sự khởi đầu của một xu hướng dài hạn hơn – điều nhiều khả năng gây áp lực giảm điểm trên thị trường chứng khoán.
Bà Jill Carey Hall, chiến lược gia về cổ phiếu và định giá tại ngân hàng Bank of America, nhận định, các lý do về cơ cấu cũng như môi trường lãi suất đều là những nguyên nhân góp phần cho xu hướng trên. Bà cho rằng hoạt động mua lại cổ phiếu sẽ không tăng trong tương lai gần.
Hiện tại, các công ty phải đối mặt với nhu cầu đầu tư mới trong bối cảnh chi phí vay tăng cao. Bà Carey Hall chỉ ra rằng khi lãi suất bằng 0, việc các công ty phát hành nợ dài hạn với lãi suất thấp và sử dụng chúng để mua lại cổ phiếu là điều hợp lý. Trong hoàn cảnh bây giờ, điều đó lại không có lợi.
Đồng thời, các doanh nghiệp đang phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng trong việc đầu tư vào các lĩnh vực tốn kém như dịch chuyển chuỗi cung ứng, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo (AI) cũng như đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0.
Hồi đầu năm, nhiều ngân hàng đã tăng cường mua lại cổ phiếu sau một năm 2022 thận trọng. Trong đó, các công ty tài chính chuyên về lĩnh vực công nghệ là nhóm mua lại nhiều nhất.
Tuy nhiên, tình hình đã tệ đi trong quý II do cuộc khủng hoảng của lĩnh vực ngân hàng Mỹ hồi tháng Ba. Diễn biến đó làm dấy lên mối lo ngại về “sức khỏe” của lĩnh vực này, khiến các cơ quan quản lý Mỹ thắt chặt yêu cầu về vốn cho các ngân hàng.
Ông Howard Silverblatt, nhà phân tích cao cấp tại S&P, nhận định mối lo ngại trong tương lai không phải là về việc nhiều ngân hàng phá sản hơn mà là các quy định mới.
Một trong những thay đổi mới tại Mỹ là mức thuế 1% áp lên hoạt động mua lại cổ phiếu kể từ đầu năm nay. Theo ông Silverblatt, mức thuế đó hiện thời không gây nhiều tác động. Song đây là ví dụ hiếm hoi về một sáng kiến được cả hai đảng ủng hộ và mức thuế dự kiến sẽ tăng lên trong những năm tới. Khi đó, mức thuế này có thể gây thêm áp lực lên chi tiêu của các công ty.
Theo ông Silverblatt, mức thuế tăng lên 2,5% sẽ gây ra tác động đáng kể và buộc nhiều công ty chuyển một phần chi tiêu dành cho các kế hoạch mua lại cổ phần sang cho cổ tức.
Các công ty cần phải bảo vệ cổ tức của mình. Khi cân nhắc giữa việc duy trì cổ tức và các kế hoạch mua lại cổ phiếu, họ luôn ưu tiên cổ tức.
Việc các công ty mua lại cổ phiếu ngày càng trở thành một phần quan trọng nhưng cũng gây nhiều tranh cãi trên thị trường chứng khoán trong những năm gần đây. Chúng có thể trực tiếp đẩy giá cổ phiếu đi lên thông qua việc tăng thêm nhu cầu, đồng thời cải thiện khả năng sinh lời tính theo thu nhập trên mỗi cổ phiếu bằng cách giảm số lượng cổ phiếu đang lưu hành.
Tuy nhiên, những người chỉ trích việc mua lại cổ phiếu thường cáo buộc hội đồng quản trị các công ty sử dụng chúng để tăng giá cổ phiếu một cách giả tạo, rồi thưởng cho các quản lý điều hành cấp cao thay vì chi tiêu cho đầu tư dài hạn hoặc tăng lương cho những nhân viên có mức lương thấp.
Một số ý kiến, đặc biệt là ở châu Âu, cho rằng các công ty nên thanh toán cho nhà đầu tư thông qua cổ tức thay vì các kế hoạch mua lại. Phía các công ty phản bác rằng việc mua lại cổ phiếu linh hoạt hơn và có thể dễ dàng tăng hoặc giảm quy mô khi điều kiện thay đổi, trong khi việc giảm cổ tức thường dẫn đến giá cổ phiếu giảm mạnh theo.
Tin liên quan
- BCĐ điều hành giá đặt mục tiêu kiểm soát CPI từ 3,3-3,9%
- Phó Chủ tịch Triều Tiên ấn tượng với nữ lãnh đạo hợp tác xã
- Thế giới nỗ lực cao độ để đánh bại virus Covid-19
- Mỹ đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các điểm đến có thể lây lan Covid-19
- Diễn biến dịch COVID-19 trên thế giới tới 6h sáng 9/3: 109.838 ca nhiễm bệnh, 3.805 người chết
- Cập nhật 7h ngày 11/3: Số ca nhiễm Covid-19 ở châu Âu tăng nhanh, Italy vượt 10.000, Tổng thống Mỹ 'không có lý do' để xét nghiệm
- Mỹ bắt đầu thử nghiệm lâm sàng vaccine kháng virus corona
- Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo dịch bệnh COVID-19 đang tăng tốc
- Báo Anh đánh giá cao mô hình chống Covid-19 của Việt Nam
- Báo Đức viết về chiến lược chống COVID-19 hiệu quả của Việt Nam