Bắc Bộ còn khoảng 47.000 ha cần tiêu úng

Chiều 10/9, Đoàn công tác của Cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đi kiểm tra tình hình vận hành công trình thủy lợi tiêu thoát nước trong Hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải.

  • Chú thích ảnhTrạm bơm tiêu Bình Hàn ở xã Cộng Hòa, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương có 7 tổ máy với công suất 8.000 m3/h/máy đang hoạt động hết công suất để tiêu úng cho các xã vùng trũng của huyện Tứ Kỳ. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng phòng Quản lý vận hành và Tưới tiêu, Cục Thủy lợi, thời điểm này, việc vận hành tiêu úng trên toàn hệ thống thủy lợi đang được thực hiện. Trước khi bão đổ bộ, Cục Thủy lợi đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị vận hành hệ thống thủy lợi thực hiện tiêu nước cao nhất để đón mưa bão. Sau bão, cao điểm có hơn 100.000 ha phải được tiêu úng. Đến thời điểm này, khu vực Bắc Bộ còn khoảng 47.000 ha.

Tại tỉnh Hải Dương, Thái Bình đã khôi phục được hệ thống điện, các trạm bơm hiện đang được vận hành để bơm tiêu các diện tích bị ngập. Các công trình thủy lợi đang chủ động tiêu úng hết công suất có thể. Dự kiến nếu không mưa lớn đột xuất trong 2 ngày nữa, việc tiêu úng sẽ hoàn thành, ông Nguyễn Mạnh Hùng thông tin.

Tại cống Cầu Xe, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương nước vẫn tự chảy từ nội động ra sông Thái Bình. Ông Lương Xuân Chính, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải cho biết, nếu nước sông Thái Bình lên báo động 3 thì sẽ phải đóng cống Cầu Xe ngăn nước vào nội đồng.

Tại Trạm bơm Bình Hàn, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương, có 7 máy bơm với công suất 8.000 m3/máy/giờ đã vận hành từ ngày 7/9. Ngay khi có điện trở lại, tất cả đều vận hành để tiêu úng cho vùng trũng của huyện. Đây chỉ là một trong nhiều trạm bơm trên địa bàn tỉnh Hải Dương đang vận hành hết công suất để tiêu úng.

Chú thích ảnh
Cống cầu Xe thuộc Hệ thống công trình thuỷ lợi Bắc Hưng Hải (huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương) là công trình quan trọng trong công tác thoát lũ của toàn hệ thống. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN
   
Loaded: 11.26%
Remaining Time 9:45

Theo Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải, hiện mực nước trên sông Thái Bình và sông Luộc đang ở mức cao (sông Thái Bình báo động 2, sông Luộc báo động 1). Mực nước thượng lưu Cầu Xe và An Thổ dao động 2,4m. Nếu lũ tiếp tục dâng cao sẽ ảnh hưởng đến tiêu thoát nước cho hệ thống. 

Ông Lương Xuân Chính cho biết, khi có điện trở lại tất cả các trạm bơm đều hoạt động hết công suất. Từ đêm 7/9, công ty liên tục quan sát mực nước tại các trạm để tận dụng mọi cơ hội có thể tiêu thoát nước trong Hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải ra ngoài. Mực nước trong hệ thống cao hơn nên nhiều nơi hệ thống tự chảy hoạt động tốt. Dự kiến khi đóng bớt một số cửa xả từ hồ chứa thủy điện, điều kiện tiêu nước tốt hơn. 

Công ty tiếp tục cập nhật thông tin thời tiết khí tượng thủy văn để chủ động điều hành sản xuất. Đồng thời, công ty tổ chức kiểm tra các hạng mục công trình, khắc phục ngay sự cố, hư hỏng (nếu có) đảm bảo vận hành công trình an toàn; kiểm tra bờ kênh trục, các vị trí xung yếu, có nguy cơ sạt lở, sẵn sàng ứng phó với các tỉnh huống có thể xảy ra. 

Theo Cục Thủy lợi, Hệ thống thủy lợi Bắc Nam Hà đang vận hành 5 trạm bơm với 37 máy để tiêu nước. Trên Hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, các cống tiêu Cầu Xe, An Thổ đang mở thông; trạm bơm My Động đã khôi phục được hệ thống điện, hiện đang vận hành 10 máy bơm tiêu úng.

Các địa phương khu vực Bắc Bộ, tính đến 16 ngày 10/9 các địa phương hiện đang vận hành 977 trạm bơm với 3.271 máy bơm để tiêu úng.

Cục Thủy lợi cũng cho biết, hồ chứa nước Đầm Bài, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình bị sạt lở mái ta luy tràn xả lũ tại bậc nước số 3. Hồ chứa Trại Lần, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái sạt lở mái hạ lưu đập. Các hồ chứa hiện an toàn.

Bích Hồng (TTXVN)


Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam

Giấy phép số: 175/GP-TTDT ngày 10 tháng 10 năm 2023 của Cục Phát thanh truyền hình và TTĐT thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông.

Ghi rõ nguồn: "vca.org.vn" khi phát hành thông tin từ trang này.

Copyright 2013 vca.org.vn - Technology Supported by ECPVietnam