Cao Bằng: Hướng đi mới cho hợp tác xã nông nghiệp

Nhân viên Hợp tác xã Ba Sạch, xã Hưng Đạo (Thành phố) đóng gói sản phẩm. |
CHỦ ĐỘNG LIÊN KẾT
Sau gần 4 năm hoạt động, HTX Ba Sạch, xã Hưng Đạo (Thành phố) đã mở hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp, liên kết với nông dân để đưa những sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao đến tay người tiêu dùng. Đặc biệt là chủ động liên kết với nông dân sản xuất sản phẩm bún khô tự nhiên từ gạo nếp Pì Pất. Với hình thức sản xuất trực tiếp và liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm, đến nay HTX Ba Sạch có 28 mã sản phẩm nông nghiệp được đưa ra thị trường, trong đó, 18 sản phẩm đã được đăng ký công bố chất lượng, tạo niềm tin đối với người tiêu dùng.
Giám đốc HTX Ba Sạch Lại Đức Thứ cho biết: Khi mới thành lập, HTX tập trung đầu tư sản xuất, chế biến bún khô và gạo nếp Pì Pất, đến nay, HTX đã xây dựng và phát triển chuỗi giá trị, liên kết để sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông sản đặc hữu như miến, măng, nấm hương, đỗ xanh, đỗ đỏ... Từ thế mạnh là chế biến nông sản, HTX Ba Sạch thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, tìm hướng đi mới hiệu quả để phát triển HTX, đáp ứng những yêu cầu khắt khe của kinh tế thị trường. Việc mở rộng lĩnh vực hoạt động giúp kinh tế của 100% hộ xã viên cũng như nhiều lao động có chuyển biến rõ rệt, thu nhập cao hơn trước kia; trung bình thu nhập của người lao động trên 5 triệu đồng/tháng…
Mô hình liên kết sản xuất của HTX Ba Sạch mỗi tháng cung cấp ra thị trường hàng chục tấn nông sản các loại. Đến nay, nông sản của HTX Ba Sạch không chỉ được bán tại thị trường trong tỉnh, các tỉnh, thành trong nước mà còn được xuất khẩu sang các nước: Nga, Ả Rập, Đài Loan, Đức, Nhật.
Để sản phẩm lưu thông trên thị trường, HTX Ba Sạch đã thực hiện liên kết sản xuất với nông dân các huyện: Hà Quảng, Nguyên Bình, Hòa An… giám sát chặt chẽ các quy trình sản xuất, chế biến, phân loại sản phẩm. Các sản phẩm của HTX được sản xuất theo chuỗi liên kết đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, được đăng ký mã vạch, đóng tem truy xuất nguồn gốc (mã QR) và được quảng bá, giới thiệu trên hệ thống phân phối khắp các tỉnh miền Bắc, trong đó có các chuỗi siêu thị lớn uy tín ở thị trường Hà Nội như: Vinmart, Bigo, BigC... Hướng liên kết sản xuất hiệu quả không chỉ giúp nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, tăng giá trị kinh tế trên đơn vị canh tác mà còn tạo việc làm ổn định cho nông dân.
Toàn tỉnh hiện có 98 HTX nông, lâm nghiệp và dịch vụ nông nghiệp, trong đó có 85 HTX hoạt động, 13 HTX ngừng hoạt động. Số HTX hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và dịch vụ nông nghiệp còn ít so với tiềm năng của địa phương. Tuy nhiên, nhiều mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã hình thành, giúp tăng năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, tăng giá trị sản phẩm và từng bước nâng cao thu nhập cho nông dân. Đây cũng là tiền đề quan trọng giúp các HTX trên địa bàn tỉnh tạo ra vùng nguyên liệu lớn, mở rộng sản xuất, đưa nông sản đến với những thị trường lớn, khắt khe về chất lượng.
NÂNG CAO HIỆU QUẢ
Theo Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Đàm Văn Độ, thời gian qua, nhiều HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ động liên kết trong sản xuất với nhiều hình thức như: Liên kết cung ứng sản phẩm đầu vào và bao tiêu sản phẩm; liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ; liên kết cung ứng vật tư nông nghiệp gắn với hướng dẫn kỹ thuật... Nhìn chung, các đơn vị có mối liên kết ổn định đều hoạt động hiệu quả.
Để tiến tới thực hiện sản xuất theo chuỗi liên kết, tỉnh cụ thể hóa các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước qua việc khuyến khích liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, phát triển HTX, xây dựng các vùng nguyên liệu, ứng dụng mô hình nông nghiệp thông minh…, đồng thời cụ thể hóa Nghị định số 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ về khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp mà các bên đối tác đều được hưởng lợi, trực tiếp là nông dân.
Thông qua đó, tạo kết nối chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ nông sản bền vững, ứng dụng rộng rãi khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.
Nhằm tạo điều kiện cho các HTX trong khâu liên kết, chia sẻ thông tin, xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, Liên minh HTX tỉnh đã thực hiện hỗ trợ các HTX, tổ hợp tác, hộ kinh doanh cá thể sản xuất nông nghiệp hoàn thiện sản phẩm, đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn; đồng thời là cầu nối đưa sản phẩm tiêu biểu của nhiều HTX tiếp cận với các hội chợ xúc tiến thương mại tại nhiều địa phương trong cả nước.
Qua các hoạt động trên, nhiều đối tác đã lựa chọn sản phẩm nông nghiệp của tỉnh cung cấp ra thị trường. Năm 2020, Liên minh HTX tỉnh khảo sát và lựa chọn HTX Trường Thịnh, HTX 686 xây dựng mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm.
Sản phẩm nông sản của Hợp tác xã Ba Sạch. |
Tin liên quan
- Đẩy mạnh liên kết chăn nuôi an toàn, kiểm soát dịch bệnh
- Nông dân bán hàng vào siêu thị được miễn chiết khấu, bao tiêu sản phẩm
- Phát triển chuỗi rau, khắc phục cảnh `sáng tươi, chiều héo`: Kiến nghị từ thực tế
- Công nghiệp chế biến phát triển sẽ quyết định giá thành sản phẩm
- 314 tỷ USD bất ngờ "bốc hơi" khỏi thị TTCK Nhật Bản
- 7 lý do để Vincom Village là KĐT bậc nhất Châu Á
- Giảm phát trở lại trong tháng 5
- Giá vàng lại nới rộng chênh lệch mua - bán
- Hà Nội: Cận Trung thu, nhiều quầy bánh vẫn ế ẩm
- Nghề lạ ở Sài Gòn: Mót củi giữa lòng thành phố