Đánh thức nông đặc sản Bắc Kạn

Trước năm 2018, Bắc Kạn gần như không có sản phẩm nông nghiệp nào nổi bật và đủ sức cạnh tranh tại thị trường trong nước. Điều này được các cơ quan chuyên của tỉnh chỉ ra do vẫn chủ yếu là sản xuất cá thể, manh mún, nhỏ lẻ… Sản phẩm làm ra có giá thành cao, sản lượng ít và khó trở thành hàng hóa.

Ví dụ cụ thể như quả bí xanh thơm, loại cây bản địa được trồng ở huyện Ba Bể từ rất lâu, phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng của các xã Địa Linh, Yến Dương, Mỹ Phương. Bí xanh Ba Bể có hai loại, một loại vỏ xanh đậm được gọi là bí xanh thơm và một loại vỏ có phủ phấn trắng bên ngoài gọi là bí phấn thơm.

Tuy gọi là đặc sản, nhưng sản phẩm chủ yếu là bán cho khách qua đường, hoặc làm quà biếu của người dân địa phương cho người thân. Một số ít được vận chuyển bằng xe máy, xe khách đến với các nhà hàng tại thành phố Bắc Kạn và gần như không có tên tuổi trên thị trường cả nước.

Bí xanh thơm Ba Bể xuất hiện trên các kệ hàng siêu thị và các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch trên cả nước. Ảnh: Toán Nguyễn.

Sau năm 2018, một số HTX được thành lập với vai trò hỗ trợ trong sản xuất và tiêu thụ. Chính từ đó đã mở ra bước ngoặt để biến quả bí xanh thơm Ba Bể nổi tiếng trên cả nước, xuất hiện trên kệ hàng của nhiều hệ thống siêu thị lớn và các cửa hàng đặc sản tiêu biểu ở các thành phố.

Ông Hoàng Thanh Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Bắc Kạn chia sẻ, việc đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã góp phần đưa chất lượng của quả bí xanh thơm Ba Bể tăng lên. Từ khâu chọn giống, chăm sóc theo đúng kỹ thuật đã làm tăng năng suất, không còn phụ thuộc vào thời tiết hay điều kiện thổ nhưỡng tự nhiên như trước. Để duy trì ổn định về chất lượng, tỉnh Bắc Kạn đã lên kế hoạch tuyển chọn cây đầu dòng tốt nhất, từ đó lựa chọn những bộ giống tốt nhất, tránh bị thoái hóa theo hướng tự phát như trước đây.

Ngoài bí xanh thơm Ba Bể, Bắc Kạn hiện có nhiều sản phẩm nổi bật trên thị trường như miến dong, cam, quýt, hồng không hạt và đang dần hình thành vùng trồng hạt dẻ, trồng lê tại huyện Ngân Sơn. Điều này đến từ việc thay đổi tư duy sản xuất cá nhân sang sản xuất tập thể.

Theo bà Đỗ Thị Minh Hoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn, chỉ có sản xuất tập thể, xây dựng vùng sản xuất, kết hợp giữa "3 nhà" (nhà nước, nhà nông và nhà doanh nghiệp) mới có thể nâng tầm được sản xuất nông nghiệp Bắc Kạn. 

Vườn dưa lưới công nghệ cao của Công ty TNHH Hà Diệp (Thành phố Bắc Kạn). Ảnh: Toán Nguyễn.

Tháng 4/2022, HĐND tỉnh Bắc Kạn đã ban hành Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐND quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa; hỗ trợ nâng cao năng lực cho khu vực kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh (Nghị quyết 01).

Theo đó, khích lệ các cá nhân mạnh dạn tiếp cận với chính sách mới, được nhà nước hỗ trợ một phần nguồn lực về tài chính để phát triển một số cây trồng, vật nuôi thế mạnh của tỉnh, tạo ra sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm; vận động người dân tham gia vào hoạt động của doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác...

Trong Nghị quyết này, có chính sách “Hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao”. Đối tượng hưởng thụ là liên hiệp HTX, HTX, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Về mức hỗ trợ, các HTX, cá nhân được hỗ trợ tối đa không quá 50% chi phí mua vật tư xây dựng nhà màng, nhà lưới và các thiết bị tự động hóa quá trình sản xuất nhưng không quá 1 tỷ đồng/tổ chức, cá nhân.

Toán Nguyễn/ Báo Nông nghiệp


Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam

Giấy phép số: 175/GP-TTDT ngày 10 tháng 10 năm 2023 của Cục Phát thanh truyền hình và TTĐT thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông.

Ghi rõ nguồn: "vca.org.vn" khi phát hành thông tin từ trang này.

Copyright 2013 vca.org.vn - Technology Supported by ECPVietnam